Khoẻ mạnh nhờ chính mình
Sáng 27-2, Ngày thầy thuốc VN và cũng là ngày phát động chương trình “Sức khoẻ Việt Nam” bảo vệ sức khoẻ cho toàn dân.
Khoẻ mạnh nhờ chính mình
Sáng 27-2, Ngày thầy thuốc VN và cũng là ngày phát động chương trình “Sức khoẻ Việt Nam” bảo vệ sức khoẻ cho toàn dân.
Huấn luyện viên Park Hang Seo và trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam Kidong Park, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đi xe đạp kêu gọi người dân bảo vệ sức khoẻ – Ảnh: THUÝ ANH
Dù đang bận rộn với các hoạt động xung quanh Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn đến rất sớm để phát động chương trình này. ”Bảo vệ sức khỏe của mình là bổn phận của mỗi người dân yêu nước” – Thủ tướng nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề lễ phát động, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Phạm Văn Tác chia sẻ trước đây chúng ta thường nghĩ tới sức khỏe khi đã ốm đau và cần bệnh viện chữa trị. Chương trình này nhấn mạnh sự thay đổi, mong muốn mọi người hiểu rằng sức khoẻ là của mọi người, phải chăm sóc từ khi còn khoẻ.
Sức khoẻ cho mọi người
Mặc dù rất bận rộn nhưng đều đặn mỗi tuần bác sĩ Phạm Cẩm Phương – phó giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và điều trị ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai – đều dành bốn buổi trưa đi tập yoga. Đây cũng là cách bác sĩ Phương chăm sóc cho mình và lý do khiến bác sĩ luôn thấy khỏe mạnh, tươi cười, dù công việc bận rộn.
GS.TS Trần Văn Thuấn, giám đốc Bệnh viện K, chia sẻ nguyên tắc tập luyện thể dục đủ đảm bảo có ích cho sức khỏe mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo là 30 phút/ngày và 5 ngày trong tuần.
Chính vì thế, trong chương trình Sức khỏe VN lần đầu tiên được thực hiện, Bộ Y tế luôn nhấn mạnh đến vai trò của tập thể thao. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bà luôn dành thời gian cho việc rèn luyện sức khỏe, tích cực đi bộ, gần đây bà tập bài tập chỉ hơn ba phút vào các thời điểm giữa giờ họp, giờ làm việc cùng đồng nghiệp và cảm thấy rất thích.
Bên cạnh việc tập thể dục, các thông điệp mà ngành y tế mong muốn hướng người dân thực hiện là giảm ăn muối, giảm tiêu thụ đường, ăn nhiều rau xanh, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, ngưng hút thuốc lá, giảm bia rượu…
Thủ tướng nhấn mạnh người Việt hiện có tuổi thọ bình quân khá cao, gần 74 tuổi, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh còn thấp nên mỗi người có tới gần 10 năm không khoẻ.
Chế độ dinh dưỡng, tập luyện chưa hợp lý nên sau 25 năm, chiều cao trung bình của nam nữ thanh niên chỉ tăng thêm 3cm, trong khi thông thường phải là 1,5cm sau mỗi 10 năm.
Người Việt có thể ”hiện thực hoá giấc mơ World Cup”
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Park Hang Seo đã được Bộ Y tế mời làm đại sứ thiện chí của chương trình Sức khỏe VN.
Theo ông Park, Hàn Quốc quê hương ông rất chú ý đến vai trò của dinh dưỡng và tập luyện tăng chiều cao từ rất lâu, hiện nay thanh niên Hàn Quốc đứng trong nhóm có chiều cao trung bình thuộc tốp đầu ở châu Á.
“Dinh dưỡng và thể thao hợp lý rất quan trọng để nâng cao nền tảng thể lực. Tôi rất hi vọng các hoạt động của Sức khỏe VN sẽ giúp có thêm nhiều thanh niên trẻ, khoẻ mạnh, đá bóng giỏi và hiện thực hóa giấc mơ World Cup của VN”- ông Park nói.
Mục tiêu của chương trình Sức khoẻ VN là chiều cao nam nữ thanh niên người Việt năm 2025 sẽ tăng thêm hơn 2cm so với 10 năm trước đó.
Đến năm 2030 tiếp tục tăng thêm 1,5cm và đạt 168,5cm với nam thanh niên, 157,5cm với nữ thanh niên. Tỉ lệ nam giới hút thuốc lá giảm xuống còn 32,5% (giảm nhiều so với trên 40% hiện nay).
Đến năm 2025, 70-75% học sinh tiểu học và mầm non được ăn bữa ăn bán trú đủ dinh dưỡng tại trường và 40% các cháu được tầm soát, phát hiện sớm tật khúc xạ.
Từ nay đến năm 2025 không còn dài để thực hiện hàng loạt mục tiêu mà thông thường cần thời gian hàng thập kỷ. Nhưng quan trọng nhất nếu muốn thực hiện các mục tiêu này là thay đổi hành vi.
Có người chưa quen với nếp nghĩ nên thực hiện bài tập giữa giờ mà Bộ Y tế mới đưa ra hướng dẫn, nhưng chị Hoàng Hiền (Hà Nội) – một trong những người đầu tiên tham gia tập bài này vào thời điểm giữa giờ làm việc – lại thấy rằng bài tập tốt, giúp giãn gân cốt, các khối cơ lườn, cổ, tay, vai, chân…
Và việc giảm ăn muối (giảm nguy cơ mắc huyết áp cao), giảm đường (giảm nguy cơ tiểu đường) hay việc tăng cường rau xanh để phòng tránh rối loạn chuyển hóa, bệnh mỡ máu lại thuộc về từng cá nhân để làm sao không phải đi bác sĩ và có được một cơ thể khoẻ.
10 thầy thuốc trẻ VN tiêu biểu
Ngày 27-2, Hội Thầy thuốc trẻ VN đã công bố danh sách 10 thầy thuốc được bình chọn là Thầy thuốc trẻ VN tiêu biểu trong năm qua. Đây đều là các bác sĩ trẻ, giỏi nghề, có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
10 thầy thuốc tiêu biểu vừa được bình chọn bao gồm:
– BS Nguyễn Chiến Quyết – Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà, tỉnh Lào Cai;
– BS Đào Văn Tú – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng, phó trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện K;
– BS Phan Hoàng Hiệp – trưởng khoa điều trị kỹ thuật cao Bệnh viện Nội tiết trung ương;
– BS Trần Khánh Thu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình;
– BS Trương Vũ Phong – trưởng trạm y tế xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau;
– BS Nguyễn Trọng Sơn – trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức;
– Dược sĩ Trương Văn Đạt – giảng viên khoa dược Trường ĐH Y dược TP.HCM;
– BS Phạm Thế Thạch – khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai;
– TS Nguyễn Thanh Hiệp – phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch;
– BS Khuất Thanh Bình – phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Tự bảo vệ sức khỏe chính mình
Với phương châm mỗi người dân làm một “bác sĩ” cho mình, chương trình Sức khỏe VN do Bộ Y tế phát động, vận động mỗi người dân tự bảo vệ sức khoẻ cho chính mình, chỉ có chính mình mới giữ được sức khoẻ của mình một cách tốt nhất.
Không bác sĩ nào theo mình được khi cá nhân có lối sống, ăn uống không lành mạnh, thiếu vận động.
Bài tập thể dục ngắn, xuất xứ Nhật Bản mà Bộ Y tế đang kêu gọi sử dụng là để nâng cao tinh thần làm việc, cũng là một trong những nội dung của chương trình kêu gọi người dân rèn luyện, giữ gìn sức khoẻ thông qua dự phòng, sàng lọc, phát hiện bệnh sớm.
* Anh Nguyễn Bảo Quân (ngụ TP Vũng Tàu):
Nếu chưa tập luyện, hãy bắt đầu từ ngày mai!
Từ một người có cân nặng quá khổ (113kg), mỡ máu cao, hay nhức đầu, mất tỉnh táo, thiếu sáng tạo, sau gần 3 năm tập luyện, bây giờ tôi chỉ còn nặng 83kg, sức khoẻ tốt, suy nghĩ tích cực. Để đạt được kết quả đó, tôi duy trì tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày, sống tối giản, đồng thời hạn chế ăn mặn, thịt, cá…
Lựa chọn bộ môn thể thao tập luyện thích hợp thì phải lắng nghe cơ thể. Chạy bộ, đi bộ là lựa chọn của tôi từ khi bắt đầu tập cho đến nay. Bên cạnh đó, tôi còn kết hợp chơi các môn bổ trợ khác như đạp xe đạp, bơi lội.
Về phương pháp và thời lượng tập luyện, tôi nghĩ không có công thức chung. Mỗi người sẽ có cách tiếp cận khác nhau trong việc chăm sóc sức khoẻ, điều quan trọng là bạn thấy cơ thể thoải mái khi tập luyện.
Chạy bộ đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của tôi. Để đạt được điều đó, tôi phải cần ít nhất 6 tháng làm quen. Đối với các bạn chưa hình thành được thói quen tập thể dục mỗi ngày, tôi nghĩ bạn nên bắt đầu lại từ ngày mai và đừng bận tâm quá khứ bạn đã từng bỏ cuộc như thế nào vì “khi bạn chịu bắt đầu chạy nghĩa là bạn đã đến đích rồi”.
* BS CKII Nguyễn Văn Tiến (trưởng khoa ngoại 1 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM):
Quan trọng là chủ động!
Là một bác sĩ trưởng khoa ngoại 1, trước tiên tôi phải biết tự mình rèn luyện và giữ thói quen chăm sóc sức khoẻ lành mạnh thì mới điều trị cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, có nhiều lúc bản thân tôi và các anh em trong khoa ăn không đúng bữa vì lượng thời gian ca mổ kéo dài hơn so với dự kiến. Thế nhưng, điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi bởi lịch trình sinh hoạt và những thói quen tốt được duy trì đều đặn mỗi ngày. Sinh hoạt của tôi như sau:
– Buổi sáng, dành khoảng 60 phút chạy bộ quanh công viên.
– Buổi chiều, dành khoảng 30 phút tập bằng các máy tập thể dục có sẵn ở nhà.
– Tăng cường tập tennis vào những ngày cuối tuần.
– Hạn chế ăn đồ mặn, thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, thức uống có gas, rượu bia… Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả.
– Kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ, 2 lần/năm nhằm tầm soát bệnh.