Thi THPT quốc gia 2019: Sẽ chấm kiểm tra bài thi điểm cao
Đây là thông tin mà PGS.TS Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, thông tin với báo chí vào ngày 21-2 về những giải pháp sẽ được quy định tại kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Thi THPT quốc gia 2019: Sẽ chấm kiểm tra bài thi điểm cao
Đây là thông tin mà PGS.TS Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, thông tin với báo chí vào ngày 21-2 về những giải pháp sẽ được quy định tại kỳ thi THPT quốc gia 2019.Cơ quan an ninh điều tra đọc quyết định khởi tố ông Đặng Hữu Thuỷ (phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, Sơn La, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm) trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này – Ảnh: cơ quan an ninh
Ông Trinh cũng nhận định những sự cố xảy ra trong kỳ thi cho thấy vai trò của ban chỉ đạo thi ở các địa phương rất quan trọng. “Vì thế, tôi hi vọng năm 2019, ban chỉ đạo thi ở các địa phương cố gắng khắc phục khó khăn, đảm bảo thực hiện kỳ thi nghiêm túc, an toàn” – ông Trinh nhấn mạnh.
Phòng ngừa ở tất cả các khâu
Ông Trinh cho biết quan điểm thống nhất của Bộ GD-ĐT là sẽ tăng cường giải pháp kỹ thuật và đặc biệt quan tâm tới việc lựa chọn người tham gia các khâu của kỳ thi. Bởi cho dù quy trình, công nghệ có tốt nhưng con người cố tình thì vẫn có thể xảy ra tiêu cực.
Việc lắp camera theo dõi là một trong những giải pháp sẽ được áp dụng. Cụ thể là sẽ có camera theo dõi 24/24 giờ ở các khâu bàn giao, bảo quản đề thi, bài thi, quá trình chấm thi tự luận và trắc nghiệm.
Nhiều ý kiến cho rằng việc lắp camera trong phòng thi, hội đồng coi thi cũng rất cần thiết nhưng tại sao Bộ GD-ĐT không thực hiện? Ông Trinh cho biết Bộ GD-ĐT có tính đến việc này nhưng cũng phải cân nhắc vì nhiều yếu tố.
Cụ thể, thí sinh sẽ bị căng thẳng khi làm bài thi trong một phòng thi được theo dõi bằng thiết bị, bên cạnh giám sát của giám thị. Ngoài ra, cũng có thể xảy ra tình huống lọt đề thi ra ngoài. Vì thế khi còn duy trì hình thức thi trên giấy, việc lắp camera phòng thi phải cẩn trọng và ở kỳ thi THPT quốc gia 2019 chưa áp dụng.
Hơn nữa, từ thực tế đã xảy ra, Bộ GD-ĐT nhận định công nghệ có hiện đại bao nhiêu thì yếu tố con người vẫn quyết định. Ở khâu coi thi, việc chọn người tham gia, tập huấn kỹ về quy trình, quy chế thi, đề cao trách nhiệm, tính kỷ luật với đội ngũ tham gia kỳ thi sẽ được đặt lên hàng đầu.
Các khâu “nhạy cảm” có điều chỉnh gì?
Ở các khâu được xem là “nhạy cảm” như bảo quản, vận chuyển, bàn giao đề thi, bài thi, quy trình làm phách, mã hóa dữ liệu thí sinh, chấm thi trắc nghiệm thì ngoài giải pháp tăng cường camera giám sát, ngoài việc chọn người, bố trí người tham gia giám sát, trong đó có cán bộ an ninh giám sát ở tất cả các khâu, Bộ GD-ĐT có những quy định chặt chẽ hơn trong các khâu.
Đơn cử như túi bài thi năm nay sẽ được niêm phong bằng một loại tem theo mẫu, có chữ ký của hai giám thị, phó chủ tịch hội đồng coi thi là người của trường ĐH cử đến. Sau đó phần tem niêm phong sẽ được phủ một lớp keo dính trong. Như thế nếu túi bài thi bị xâm phạm sẽ phát hiện được ngay.
Bộ phận làm phách với bài thi tự luận sẽ phải cách ly hoàn toàn, tránh xảy ra việc liên hệ với bộ phận chấm thi để thực hiện hành vi gian lận trong khâu chấm. Tương tự, ở bài thi trắc nghiệm, năm nay dữ liệu thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm cũng sẽ được mã hóa (làm phách).
Về những lo lắng liên quan đến việc chấm trắc nghiệm, khâu xảy ra nhiều sai sót năm 2018, ông Trinh cho biết quy trình năm trước đã được xây dựng chặt chẽ nhưng Bộ GD-ĐT cũng sẽ có những điều chỉnh và sẽ thể hiện trong quy chế thi, hướng dẫn tổ chức thi.
Cụ thể, giao việc chấm thi trắc nghiệm cho lãnh đạo trường ĐH, các thành viên tham gia xử lý kỹ thuật trong quá trình chấm trắc nghiệm cũng là người của trường ĐH. Trong đó, cán bộ trường ĐH tại địa phương sẽ không được tham gia chấm thi tại địa bàn của trường mình.
Việc can thiệp kỹ thuật vào các khâu chấm trắc nghiệm đều lưu lại lịch sử, thành phần chấm trắc nghiệm còn có tổ giám sát làm việc độc lập với các tổ chuyên môn khác…
Trong quy chế năm nay vẫn quy định sẽ chấm kiểm tra bằng cách rút ngẫu nhiên 5% số bài thi để chấm kiểm tra. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT có thêm quy định rút các bài thi đã được giám khảo chấm với mức điểm cao để chấm kiểm tra.
Đề thi tham khảo nhận được sự ủng hộ
Đề thi năm nay ra ở mức nào là băn khoăn của nhiều thí sinh khi các năm trước có năm thì quá dễ, có năm lại quá khó. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo, ông Trinh cho biết phần lớn góp ý đều ủng hộ hướng ra đề theo cấu trúc đề thi tham khảo đã công bố, trong đó có các ý kiến ủng hộ của nhiều giáo viên.
Họ mong muốn đề thi thật cũng sẽ ra như hướng ra đề thi tham khảo đã công bố để việc tổ chức ôn tập cho học sinh thuận lợi. “Tôi có thể khẳng định đề thi tham khảo là cơ sở tin cậy để các thầy, cô và học sinh dựa vào khi triển khai ôn tập” – ông Trinh nói.