Cải cách hành chính – bắt đầu từ những việc dân chưa hài lòng
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Văn phòng UBND TP cũng phải cải cách hành chính bởi ông đi thực tế nhiều quận huyện, sở ngành cho biết có nhiều việc xin ý kiến của UBND TP rất lâu không thấy trả lời.
Cải cách hành chính – bắt đầu từ những việc dân chưa hài lòng
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Văn phòng UBND TP cũng phải cải cách hành chính bởi ông đi thực tế nhiều quận huyện, sở ngành cho biết có nhiều việc xin ý kiến của UBND TP rất lâu không thấy trả lời.
Màn hình để người dân đánh giá sự hài lòng đối với sự phục vụ của công chức tại Sở Xây dựng TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG
Cải cách hành chính phải chạm đến trái tim công chức – Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019, chiều 19-2.
Ở quận 1 có tới hơn 97% hồ sơ là sao y. Có lẽ dần dần phải tính để xã hội hóa sao y, tập trung cho dịch vụ hành chính công để làm cho tốt
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân
Bắt đầu từ những việc dân chưa hài lòng
Tại hội nghị, các sở ngành, quận huyện trình bày cách làm hay về cải cách hành chính ở đơn vị mình.
Tham luận của bác sĩ Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP, khiến nhiều người quan tâm bởi ngành y tế chọn tiếp cận người bệnh từ những việc khiến họ còn chưa hài lòng.
Bác sĩ Thượng cho biết: “Kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh đều đạt trên 90%, nhưng đâu đó vẫn còn những than phiền và bức xúc của người bệnh phản ảnh qua đường dây nóng. Ít nhiều vẫn còn đó tâm lý chủ quan của các nhà quản lý bệnh viện khi kết quả khảo sát hài lòng người bệnh đạt ở mức cao”.
Từ thực tế đó, Sở Y tế TP đã triển khai khảo sát ý kiến không hài lòng của người bệnh khi đến khám bệnh tại các bệnh viện công lập.
Sở Y tế triển khai hệ thống kiôt khảo sát với màn hình chạm, lắp đặt tại khoa khám bệnh của 53 bệnh viện công lập trực thuộc sở. Trên màn hình kiôt là 15 nội dung mà bất cứ người bệnh nào khi đến khám bệnh đều có thể trải nghiệm qua, từ khâu gửi xe, sử dụng nhà vệ sinh của bệnh viện đến khâu đăng ký khám, làm xét nghiệm, mua thuốc cho đến cách giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế…
Nếu người bệnh cảm thấy không hài lòng nội dung nào chỉ cần chạm vào nội dung đó trên màn hình, ngay lập tức ý kiến không hài lòng của người bệnh sẽ được chuyển tải về phòng quản lý chất lượng của bệnh viện và về Sở Y tế TP.
“Căn cứ vào kết quả phản ảnh không hài lòng của người bệnh, các bệnh viện phải tìm nguyên nhân để cải tiến. Nhờ đó, bệnh viện kịp thời khắc phục những chỗ làm chưa tốt” – bác sĩ Thượng nói. Ông dẫn chứng Bệnh viện Nhân dân Gia Định khi bị bệnh nhân “chê” nhà vệ sinh thì sau đó đã cải tạo đồng loạt các nhà vệ sinh tại bệnh viện.
Phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức thì có sáng kiến lập đường dây nóng để nhận ngay các phản ảnh của người dân. Kết quả trong năm 2018, phường đã tiếp nhận 126 trường hợp phản ảnh, kiến nghị trên tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, tin liên quan đến an ninh trật tự được chuyển công an phường, tin về trật tự xây dựng, đời sống dân sinh được chuyển ngay cho lãnh đạo phường để chỉ đạo giải quyết và phản hồi kịp thời cho người dân. Theo đó, các kiến nghị của người dân đã được UBND phường giải quyết một cách triệt để…
Tuyên chiến với sự vô cảm, nhũng nhiễu
Tại hội nghị, một người dân ở P.4 (Q.Tân Bình) phát biểu, thể hiện sự cảm kích khi tới UBND phường làm thủ tục và được chăm sóc từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt. Ông kể ông thường quên mắt kính, không thấy rõ để ký giấy tờ thì ở phường có để sẵn nhiều mắt kính với những độ khác nhau để người dân lấy sử dụng.
Từ câu chuyện này, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đúc kết khi cải cách hành chính chạm đến trái tim của công chức thì sẽ có sáng kiến tâm huyết. Ông yêu cầu: “Cải cách hành chính phải sâu sắc và phải chạm đến trái tim của công chức và người dân”.
Ông Nhân đề nghị năm 2019, Văn phòng UBND TP cũng phải vào cuộc cải cách hành chính bởi ông đi thực tế nhiều quận huyện, sở ngành cho biết có nhiều việc xin ý kiến của UBND TP, gửi về văn phòng nhưng rất lâu không thấy trả lời.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị năm tới, 100% sở ngành, phường xã ghi nhận sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, toàn TP mới có 42 đơn vị triển khai việc này, và cũng mới chỉ hơn 88.000 lượt người dân tham gia đánh giá…
Một việc khác, theo ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cần phấn đấu trong năm nay là 100% sở ngành quận huyện tiếp nhận ý kiến người dân trực tuyến thông qua điện thoại. Đồng thời, thực hiện việc kết nối giữa quận huyện với phường xã để có thể giao ban trực tuyến.
Ngoài ra, phải nâng tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến lên 30-40%; mở rộng dịch vụ cho người dân qua mạng, năm 2019 phải tra cứu được dữ liệu quy hoạch, doanh nghiệp, thuế, bản đồ số qua mạng.
Tiếp thu những chỉ đạo này, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ công chức trong công tác cải cách hành chính.
“Chính quyền thành phố kiên quyết đấu tranh với biểu hiện vô cảm, nhũng nhiễu, phiền hà, thực hiện nghiêm thư xin lỗi, xác định rõ số lần, nguyên nhân trễ hạn, trách nhiệm người đứng đầu và công chức, nói không với vô trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm” – ông Tuyến nói.
Thành ủy giám sát việc tháo gỡ 99 dự án chậm triển khai
Ngày 19-2, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM có kết luận về thực hiện giám sát, chỉ đạo các nhiệm vụ liên quan phát triển kinh tế – xã hội năm 2019. Theo đó, trong 19 nội dung mà Ban Thường vụ Thành uỷ sẽ giám sát việc thực hiện, có một số nội dung liên quan cải cách hành chính như phương án tháo gỡ khó khăn 99 dự án chậm triển khai; việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; công bố và thực hiện quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng – tái định cư – bàn giao mặt bằng…
Ban quản lý ATTP đã giảm được 10 thư xin lỗi
Theo Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), năm 2018 với việc công khai số điện thoại đường dây nóng, hộp thư, đơn vị đã kịp thời tiếp nhận, trả lời cho 2.910 cuộc gọi của các cá nhân, tổ chức khiếu nại, phản ảnh, kiến nghị về quy định thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Ban quản lý ATTP đã rút ngắn 30% thời hạn xử lý các hồ sơ yêu cầu cấp, cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (rút ngắn thời gian giải quyết từ 27 ngày làm việc xuống còn 19 ngày). Ban cũng đạt tỉ lệ khảo sát hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công là 99,7%.
Trong năm 2018, Ban quản lý ATTP đã giảm hơn 70% số hồ sơ trễ hạn so với năm 2017. Trong năm 2018, ban này chỉ phải viết 4 thư xin lỗi, giảm 10 thư xin lỗi so với năm 2017.