Có nhiều người cho rằng bạo lực học đường như là “bệnh” mãn tính chữa hoài không dứt. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học – xã hội VN, xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, dư luận đã và đang không hiểu vì sao từng có rất nhiều biện pháp được đưa ra, thế nhưng nạn bạo lực học đường vẫn không hết, thậm chí còn đáng lo ngại hơn?
Tôi cho rằng có ba vấn đề ở câu hỏi này cần làm rõ.
Thứ nhất, đâu là những giải pháp phòng chống bạo lực học đường? Nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức và lực lượng sư phạm với công tác khắc phục tình trạng bạo lực học đường. Tác động đến phụ huynh và các lực lượng giáo dục khác góp phần nâng cao hiệu quả công tác khắc phục tình trạng bạo lực học đường thông qua hình thức truyền thông… Tuy nhiên, thực hiện các giải pháp này liệu có phải là nhanh chóng, tức thời?
Hai là, để thực hiện các giải pháp trên, cần nguồn lực, thời gian và thậm chí là trách nhiệm của nhiều ban ngành. Tôi xin nhấn mạnh, đừng tách bạo lực học đường ra khỏi bạo lực, đừng tách học đường ra khỏi xã hội để quy gán cho tất cả là do giáo dục. Đành rằng giáo dục đóng vai trò quan trọng nhưng không được phép quên rằng con trẻ là kết quả giáo dục tổng thể của xã hội, gia đình và nhà trường.
Thứ ba, văn hoá là cốt cách con người có được từ nền văn hóa xã hội. Chúng ta quên bẵng đi văn hoá để chuyển hướng hoàn toàn sang giáo dục. Sống ảo và những hành vi kệch cỡm trên mạng trở thành “mốt” ảnh hưởng đến trẻ em không kiểm soát. Hằng ngày hằng giờ không ai không thấy nhan nhản những hành vi đánh nhau, bạo lực và đe doạ… Và chính chúng ta cũng đôi khi có thái độ chưa thỏa đáng nên trở thành gương soi cho trẻ…
Nếu đã cho rằng vấn đề bạo lực học đường liên quan đến văn hóa, vậy có thể trị dứt điểm bạo lực học đường hay không? Đâu là những điều kiện cần và đủ để chữa hết “bệnh” này?
Tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận kinh nghiệm trên thế giới về vấn đề bắt nạt hay bạo lực để thấy rằng quốc gia nào cũng có. Những quốc gia hiện đại có nền giáo dục tốt cũng có hiện tượng đầu gấu, thậm chí đến mức xả súng…
Nữ sinh bị đánh hội đồng, bắt quỳ gối ở Nghệ An ngày 31.3.2019 ẢNH CẮT TỪ CLIP
|
Việc chúng ta quan tâm đến dân trí và văn hóa ứng xử là điều rất cần bởi hơn ai hết những giá trị sốngsẽ tác động trực tiếp hay len lỏi làm cho con người được định hướng sống nhân văn hơn.
Thứ nữa, văn hoá phải bắt đầu từ gia đình. Các vấn đề về gia đình, bạo lực gia đìnhphải được xử lý rốt ráo. Ngay cả những gia đình có văn hoá cao vẫn miệt thị nhau và xem nhau như kẻ thù thì con cái sao có thể không bị áp lực bắt chước…
Và điều quan trọng là trường học cần thay đổi. Việc thay đổi chương trình giáo dục, Bộ GD-ĐT đang thực thi; trong đó vấn đề quan trọng cần làm là chuẩn hóa việc giáo dục lối sống, giá trị sống mà đặc biệt là kỹ năng sống. Song song đó, mô hình tư vấn tâm lý phải được các trường thực thi nghiêm túc…
Đã có những biện pháp cứng rắn được áp dụng tại nhiều trường như xử phạt, đình chỉ học… Theo ông, những cách này có giúp bạo lực học đường giảm không?
Tôi nghĩ chúng ta cần nhìn nhận tổng thể thay vì chú ý đến cá nhân một vụ việc. Tôi cho rằng cần lắm sự chung sức của liên ngành, liên bộ và sự đồng thuận của từng người có trách nhiệm với trẻ em. Quyền trẻ em đã có đó, luật phòng chống bạo lực gia đình ở đây, cần lắm niềm tin và sự cam kết hành động đích thực. Đầu tư cho giáo dục đúng nghĩa không chỉ là lời nói mà bằng hành động từ trái tim với sự soi sáng bởi khối óc là những gì cần thực hiện với sự quyết chí bởi nhân cách và lòng tự trọng của mỗi người.
Theo ông, để xử lý những học sinh gây ra bạo lực học đường thì cách nào là phù hợp nhất?
Tôi nghĩ thầy cô, cha mẹ cần nhận ngay trách nhiệm của mình bởi chúng ta trưởng thành và cần làm cho các em hiểu đúng và tập cho các em biết phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã gây ra.
Việc răn đe hay giáo dục là điều cần làm, nhưng quan trọng nhất là nhìn đúng những biểu hiện tự nhận thức của các em. Những sự vụ vừa qua, đã phát hiện ngay cảm xúc của một trong những em bạo lực bạn là: “Em cảm thấy rất xấu hổ khi xem lại hình ảnh bạo lực bạn…”, cho thấy sự tự nhận thức và sự tự giáo dục. Vấn đề là bước chuyển thế nào để có thể xử lý vấn đề nhằm giúp cho các em hiểu mình đã sai, phải hành động để đổi thay.
Ngoài ra, cũng cần tuân thủ những quy định chung trong sự cân nhắc về độ tuổi. Pháp luật đã có những điều khoản dành để xác định/xử lý hành vi các đối tượng này (dưới 14 tuổi, từ 14 – 16 tuổi, trên 16 tuổi…), vì thế, cần có sự tư vấn của luật gia, luật sư để cân nhắc việc sử dụng công cụ pháp luật, nhằm giáo dục các em.
Vậy phụ huynh phải làm gì nếu con em họ là nạn nhân của bạo lực học đường?
Tôi đánh giá đây là câu hỏi rất nhân văn thay vì khai thác những ý kiến: mẹ có tha thứ hay không; mẹ kiến nghị gì… Bởi một lời nói hay một hành động của chúng ta ngay cả trong tư duy cũng làm cho các em bị ảnh hưởng… nếu không muốn nói là mang trách nhiệm khuấy động mà không tìm hướng ra.
Cách thức hay nhất là đón nhận trẻ, tâm tình và nâng đỡ cảm xúc. Chấp nhận trẻ một cách vô tư nhất và khoan vội khai thác vấn đề… Khi con cái cân bằng, hãy cho con cơ hội tự chia sẻ, tự bộc lộ cảm xúc để con có thể cân bằng tâm lý. Mong đợi của con là gì, con muốn mẹ cha ứng xử ra sao… là những gợi ý với con để vấn đề được giải quyết bằng cả lý lẫn tình.
Điều căn bản nhất đó là đừng làm con đau hơn bởi các câu trách, bởi sự lạnh lùng hay tỏ ra thương hại… Cũng đừng kích thích con bằng cách phải trả đũa, phải đánh trả… vì con cái sẽ tự ôm vào lòng mình những nỗi đau sâu hơn nữa…
Đồng cảm, chấp nhận, tôn trọng và lắng nghe, cùng xử lý là vấn đề nên làm nhất bằng tâm, bằng tình và bằng lý của phụ huynh.
LÊ THANH