29/11/2024

Giáo viên làm ‘siêu nhân’ trong chương trình phổ thông mới?

Muốn dạy tốt, thầy cô phải ‘biết mười dạy một’. Họ còn phải ngồi lại với nhau, để xem từng phân môn mình đã dạy được bao nhiêu kiến thức…

 

Giáo viên làm ‘siêu nhân’ trong chương trình phổ thông mới?

Muốn dạy tốt, thầy cô phải ‘biết mười dạy một’. Họ còn phải ngồi lại với nhau, để xem từng phân môn mình đã dạy được bao nhiêu kiến thức…
 
 

 
Giáo viên làm siêu nhân trong chương trình phổ thông mới? - Ảnh 1.

Giờ học công nghệ ở một trường THCS tại TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo chương trình môn học mới, thực hiện theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học, áp dụng trên toàn quốc từ năm học 2019-2020. Nhưng nhiều giáo viên đang lo. 

Dưới đây là băn khoăn của hai giáo viên:

Có “ôm” nổi liên môn?

Bậc THCS sẽ có một số môn tích hợp mới như môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý tích hợp từ các đơn môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, với thiết kế gồm những chủ đề giao thoa giữa các môn học.

Là giáo viên mười năm trong nghề, chúng tôi hiểu rằng không gì tuyệt vời hơn khi trực tiếp giảng dạy bộ môn chính quy được đào tạo. Điều này sẽ thuận lợi cho người dạy dễ đi sâu vào kiến thức chuyên môn và người học dễ tiếp thu bài, dễ nhớ kiến thức hơn.Ở nơi tôi công tác, các giáo viên dạy ba môn lý, hóa, sinh thật sự là người rất giỏi, thi đâu thắng đó và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của những giáo viên này luôn mang giải cao về cho trường tôi. Đó là thế mạnh của việc dạy đơn môn. 

Theo dự thảo chương trình mới vừa công bố, sau thời gian tập huấn (chưa xác định hình thức và thời gian), những giáo viên này sẽ dạy liên môn (gồm lý, hóa, sinh). Liệu giáo viên “ôm” nổi liên môn hay không khi tuổi tác không còn trẻ, thời gian hạn hẹp và đặc biệt là khả năng tiếp thu có còn tràn đầy nhiệt huyết như thời xưa? 

Hay họ chỉ học qua loa, đối phó? Bởi không thể trong một thời gian ngắn, người thầy hóa thành “siêu nhân” – cùng giỏi, chuyên, sâu ba môn học để truyền tải đầy đủ kiến thức đến học sinh được.

Như vậy cái lợi trước mắt chưa thấy rõ, đã thấy cái hại cho tương lai: việc giảng dạy môn chuyên sẽ bị giảm, và truyền thụ kiến thức hai môn mới lại sơ sài, phần thiệt thòi vẫn thuộc về các em học sinh.

Không biết “số phận” sẽ ra sao?

Tình trạng dư thừa giáo viên THCS (tính đến thời điểm hiện tại thừa đến 9.246 giáo viên) đang gây hoang mang, thấp thỏm, lo lắng cho không ít người, vì giáo viên không biết mình sẽ được giữ lại, điều động hay thuyên chuyển đi đâu. Điều này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc dạy – học của thầy trò.

Khi chưa biết “số phận” của mình sẽ được quyết định như thế nào, giáo viên sẽ có tâm lý chán nản, không học thật sự khi được điều đi tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì khi “tư tưởng không thông, vác bình không cũng nặng”.

Cơ sở vật chất có bảo đảm?

Tình trạng thiếu thiết bị dạy học ở cấp THCS còn rất phổ biến: cấp này chỉ mới đạt 55% yêu cầu, chỉ 1/3 trường có phòng máy, thiết bị dạy học, dạy ngoại ngữ, thư viện thiếu nhiều… Đặc biệt, việc thiếu thốn này tập trung ở các trường nông thôn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu.

Liệu sau khi tập huấn chương trình mới xong, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học có đảm bảo cho người dạy truyền tải kiến thức và phương pháp học mới hay không? Hay “đâu lại vào đó”?

Đề xuất cho việc tập huấn chương trình mới

Giáo viên cấp THCS đang đứng trước rất nhiều thách thức trong thời gian tới, nhưng không gì là không thể. Đội ngũ giáo viên chúng tôi sẵn sàng chung tay, chung ý chí cùng Bộ GD-ĐT, với một số giải pháp sau:

– Chọn thời gian phù hợp để có kế hoạch tập huấn. Cần đưa ra thời gian cụ thể cho giáo viên có sự chuẩn bị.

– Chọn những người giảng dạy tập huấn có trình độ chuyên môn phù hợp, gắn với kinh nghiệm càng tốt.

– Luôn tạo không khí thoải mái để người học dễ tiếp thu.

– Những đơn vị kiến thức mới phải có đầy đủ tài liệu tham khảo, để giáo viên tự tìm tòi, nghiên cứu.

 

– Luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ giáo viên, tránh áp đặt, ràng buộc…

Khó khăn rất lớn cho giáo viên

Từ thực tế dạy học, chúng tôi xin kể một vài dẫn chứng để độc giả có thể hình dung ra những khó khăn, thách thức về đội ngũ giáo viên trước sự thay đổi của chương trình mới.

Ở bậc tiểu học, giáo viên chủ nhiệm thường đảm nhận dạy gần như tất cả các môn học (trừ một số môn nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, hát nhạc). Vì vậy việc tích hợp 2 môn học lịch sử, địa lý thành môn lịch sử và địa lý cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến việc dạy của các thầy cô.

Tuy nhiên, ở bậc học THCS ba môn lý, hoá, sinh gộp thành môn khoa học tự nhiên, giáo viên sẽ gặp khó khăn rất lớn. Thực tế không phải thầy cô nào dạy lý cũng có thể dạy hóa, hay dạy sinh cũng có thể dạy lý. 

Dạy được đã khó, nói gì đến dạy tốt. Mà muốn dạy tốt, thầy cô phải “biết mười dạy một”. Đằng này, không ít thầy cô gần như chưa hiểu nhiều về môn học mới, nay lại phải trực tiếp giảng dạy, nên áp lực sẽ tăng rất nhiều lần.

Đó là chưa nói đến việc 3 môn học đơn lẻ nay tích hợp thành một môn học, nhưng vẫn có 3 thầy dạy. Thế là gánh nặng về phân công chuyên môn đè nặng trên vai nhà trường. 

Việc tính toán thời gian dạy từng lớp, từng phân môn, từng con điểm sao cho hài hòa giữa những phân môn ấy cũng là cả một vấn đề.

Một giáo viên tổ trưởng hoá sinh trường THCS cho biết: “Tích hợp kiểu này giáo viên vô cùng vất vả. Không chỉ lo trau dồi kiến thức để dạy tốt, còn phải mất nhiều thời gian thầy cô dạy lý, hóa, sinh ngồi lại với nhau, để xem từng phân môn mình đã dạy được bao nhiêu kiến thức. Từ đó, mới có thể thống nhất cách ra đề kiểm tra 15 phút, đề 1 tiết, rồi đề cuối học kỳ cho phù hợp”.

PHAN TUYẾT – TIÊU NHI