21/12/2024

Đông Timor: Đức tin và văn hoá, đức tin và lịch sử gắn bó chặt chẽ trong quốc gia trẻ nhất châu Á

Đông Timor: Đức tin và văn hoá, đức tin và lịch sử gắn bó chặt chẽ trong quốc gia trẻ nhất châu Á

“Ước mong đức tin của anh chị em trở thành văn hóa của anh chị em” là khẩu hiệu cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đông Timor từ ngày 09 ngày 11/9, giai đoạn thứ ba trong chuyến tông du đến phương Đông của ngài từ ngày 02 đến 13/9 tại 4 nước Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore.

2024.06.25 PAPUA NUOVA GUINEA - MISSIONARI - CHIESA

Chuẩn bị mọi khía cạnh

Cha Graciano Santos Barros, Tổng Đại diện của Tổng Giáo phận Dili nhận xét, đó là một lời khích lệ để sống đức tin trong sự hòa hợp với văn hoá. Tại quốc gia trẻ nhất ở châu Á, tuyên bố độc lập vào năm 2002, với đa số người dân theo Công giáo, Giáo hội địa phương đang chuẩn bị cho tất cả các khoảnh khắc của chuyến viếng thăm: cuộc gặp gỡ với các linh mục và tu sĩ tại Nhà thờ Chính toà Đức Maria Vô Nhiễm ở Dili, nơi công việc trùng tu bên trong nơi thờ phượng đang được tiến hành; cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại Trung tâm Đại hội, nơi có thể chào đón hơn 4.000 bạn trẻ đến từ nhiều tổ chức, hiệp hội và giáo xứ khác nhau; cử hành Thánh lễ tại khu Tasitolu, ở ngoại ô phía tây thủ đô, đang chuẩn bị để đón tiếp hơn 700.000 tín hữu đến từ khắp Đông Timor cũng như từ Indonesia và các quốc gia khác trong khu vực.

Cha Bento Pereira, đảm trách lĩnh vực truyền thông của Hội đồng Giám mục Đông Timor cho biết, việc chuẩn bị không chỉ về mặt vật chất nhưng còn khía cạnh thiêng liêng. Hội đồng Giám mục đã phân phát tài liệu cho một chu kỳ dạy giáo lý – đang được tiến hành tại ba Giáo phận Dili, Maliana và Baucau – về tiểu sử của Đức Thánh Cha, các sứ điệp, sứ vụ của ngài với tư cách là Giáo hoàng và người kế vị Thánh Phêrô. Một lời cầu nguyện cũng đã được phân phát, và được đọc hàng ngày trong các nhà thờ, cộng đoàn dòng tu và trường học trên toàn khu vực.

Tương quan giữa lịch sử và văn hoá với đức tin

Cha Tổng Đại diện Santos Barros giải thích: “Đối với chúng tôi, suy tư về mối quan hệ giữa đức tin và văn hóa, được liên kết với suy tư về mối quan hệ giữa đức tin và lịch sử. Lịch sử dân tộc, lịch sử đau khổ và giải phóng Đông Timor, được đánh dấu không thể tách rời và đi cùng với đức tin. Ngày nay, 25 năm sau cuộc trưng cầu dân ý giành độc lập, chúng tôi có thể nhìn lịch sử của mình với một trái tim hoà giải, nhìn nhận công trình của Thiên Chúa, Đấng đã soi sáng tâm trí con người trong nhiều giai đoạn quan trọng.”

Năm 1975, khi Indonesia chiếm đóng quân sự Đông Timor, biến khu vực này thành tỉnh của mình, Cha Barros lúc đó còn là một trẻ nhỏ. Cha nhớ lúc đó cha mẹ tham gia phong trào kháng chiến, cha cũng nhớ rõ sự tàn phá của người Indonesia, nhớ tiếng khóc và tang thương của các gia đình. Vào đầu những năm 1980, phong trào phản kháng bắt đầu tự tổ chức với sự lãnh đạo của Xanana Gusmao, nay là Thủ tướng Đông Timor, trên ba mặt trận khác nhau: bí mật, với các nhà hoạt động sống ở vùng núi, xa các thành phố; thành lập một khu quân sự; ngoại giao-chính trị để tìm kiếm liên minh ở nước ngoài, vì cộng đồng quốc tế không biết gì đang xảy ra bên trong đảo bé nhỏ này. Giống như nhiều gia đình khác, gia đình cha Barros đã phải sống trong bí mật và đau khổ, mệt mỏi vì kế sinh nhai, nhưng luôn sống trong niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, với niềm tin chắc rằng Chúa sẽ đồng hành cùng mọi người trên bước đường hướng tới tự do, một con đường, bằng sự lựa chọn chính trị, không sử dụng các phương pháp khủng bố nhưng luôn được tiến hành bằng các hình thức đấu tranh bất bạo động.

Giáo hội đồng hành, chia sẻ với quốc gia trong lúc khó khăn

Cha nói: “Lúc đó các nữ tu, linh mục, giáo lý viên, tu sĩ là những thiên thần hộ mệnh của chúng tôi. Các vị luôn gần gũi, chia sẻ số phận với chúng tôi. Chúng tôi đã cầu nguyện rất nhiều, mọi sự lựa chọn, mọi sự kiện đều được đi trước và kèm theo lời cầu nguyện. Thực vậy, đó là một hành trình thiêng liêng, đặt mọi việc làm của chúng tôi vào tay Chúa. Đức tin đồng hành mỗi bước đi của chúng tôi, trong công việc và niềm hy vọng của chúng tôi.”

Như các nhà phân tích và sử học lưu ý, dân số Đông Timor vào năm 1975, vào thời điểm Indonesia chiếm đóng, có khoảng 30% là người Công giáo. Và theo báo cáo trong Niên giám Thống kê của Giáo hội Công giáo ấn bản năm 1972, Đông Timor có 680.000 dân trong đó 188 ngàn người đã được rửa tội, chiếm 29,8% dân số. Đây là một con số có ý nghĩa quan trọng xét theo quan điểm lịch sử và, theo Cha Barros, cả cái nhìn “của lịch sử cứu độ ở góc này của thế giới”.

Xác tín Tin Mừng là con đường cứu rỗi duy nhất

Theo cha, trong cuộc chiến vì tự do và độc lập, và khi nhìn lại lịch sử đất nước trong 25 năm qua, cần phải đọc trong cái nhìn cứu độ: “Nếu chúng ta nghĩ rằng ngày nay dân số Timor có hơn 95% là người Công giáo đã được rửa tội (trong số 1,4 triệu dân, hơn 1,3 triệu là người Công giáo), thì chúng ta có thể hiểu tại sao, trong những năm bị áp bức nghiêm trọng, yếu tố đức tin lại là một thành luỹ bảo vệ, ‘nơi trú ẩn và sức mạnh’, như thánh vịnh nói. Những người dân đơn sơ của Đông Timor, những người có trái tim rộng mở, dễ dàng hiểu và nhận ra trong lòng rằng Tin Mừng là con đường duy nhất, là con đường cứu rỗi duy nhất. Họ đã kêu cầu lên Chúa, đã tín thác và tin tưởng nơi Người trong lúc khó khăn và Chúa đã lắng nghe lời cầu nguyện của chúng tôi. Trong thời gian thử thách, trong thời kỳ sa mạc mà người dân Timor sống giống như dân tộc Israel, Chúa đã không bỏ rơi chúng tôi và đưa chúng tôi đến miền đất hứa.”

Vị Tổng Đại diện nhớ lại một bước ngoặt, ngày 25/11/1991 khi “vụ thảm sát Santa Cruz” nổi tiếng xảy ra, khiến cộng đồng quốc tế chú ý đến Đông Timor: “Đã có một sự phẫn nộ lớn khi quân đội Indonesia giết chết một cậu bé Timor, Sebastiao. Vào ngày 12/11, sau khi tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Thánh Antonio ở khu vực Motael, các thanh niên Timor đã tổ chức một cuộc rước ôn hoà ở Trung tâm Dili, đến Nghĩa trang Santa Cruz, một cuộc hành hương đến mộ của Sebastiao. Đó là một đám rước trong đó tiếng nói vang lên chống lại kẻ áp bức. Tại đó, thảm kịch đã xảy ra: quân đội Indonesia nổ súng vào đám đông không có khả năng tự vệ và 200 thanh niên đã bị giết. Sự kiện đó, nhờ sự hiện diện dũng cảm của nhà báo Hà Lan Max Stahl và đoạn video của ông, đã khiến quốc tế chú ý và làm dấy lên sự kinh ngạc. Có điều gì đó đã thay đổi trong cộng đồng quốc tế và Liên Hiệp Quốc, và mặt trận ủng hộ độc lập đã nhận được sự ủng hộ ở cấp độ ngoại giao.” Sau giây phút đau buồn và hy sinh đó, hành trình hướng tới độc lập được tiến hành với niềm tin và mức độ cao hơn.

Các mục tử Giáo hội luôn bảo vệ đàn chiên trước nguy hiểm

Trong giai đó, Giáo hội Timor có những nhân vật vẫn còn trong lịch sử và trái tim của người dân. Một trong số đó là cha Alberto Ricardo da Silva (1943-2015), vào năm 2004, được bổ nhiệm làm Giám mục Dili. Vào thời điểm diễn ra cuộc kháng chiến ở Đông Timor, cha đã cố gắng bảo vệ nhiều người trẻ, đón tiếp họ tại Giáo xứ Thánh Antonio ở Motael, nơi cha đang phục vụ. Chính cha là linh mục quản xứ vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát ở Santa Cruz vào tháng 11/1991. Cha Alberto được mọi người nhìn nhận là một mục tử có trái tim công lý và hòa bình, luôn cố gắng bảo vệ và chăm sóc sự sống của đàn chiên.

Tiếp đến là Đức cha Carlos Felipe Ximenes Belo, Giám mục Dòng Salêdiêng. Thời điểm đó, Đức cha thường nói chuyện với giới trẻ về tự do, phẩm giá, nhân quyền và  đã trở thành điểm tham chiếu cho người dân. Vào năm 1996, Đức cha được trao Giải Nobel Hoà bình cùng với nhà lãnh đạo chính trị Timor Josè Ramos-Horta, hiện là tổng thống nước này. Đó đã là chặng cuối của cuộc hành trình và ba năm sau, vào năm 1999, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, đánh dấu sự khởi đầu của lịch sử quốc gia mới cho Đông Timor với 73% phiếu thuận.

Vị Tổng Đại diện nói thêm: “Trong những năm trước đó, chúng tôi không thể quên Cha Martinho Da Costa Lopes (1918-1991), vào năm 1977 được bổ nhiệm làm Đại diện Tông toà của Dili, phụ thuộc trực tiếp Toà Thánh. Cha đã nhiều lần công khai tố cáo hành động tàn bạo của quân đội Indonesia, thậm chí cả trong các cuộc đàm phán với nhà độc tài Suharto, lúc đó đang nắm quyền ở Indonesia. Ngay từ đầu, Cha Martino là một sự hiện diện quan trọng thể hiện sự gần gũi của Giáo hội với người dân và vai trò của ngài rất quan trọng: trong cuộc trò chuyện với ngôi sao đang lên của cuộc kháng chiến và chiến tranh du kích lúc bấy giờ, nhà lãnh đạo Xanana Gusmao, Cha Martino đã nói một cách ngôn sứ rằng, để thành công, phong trào độc lập phải từ bỏ hệ tư tưởng Mácxít. Tiếng nói đó vang vọng trong tâm trí và trái tim Gusmao, người muốn lắng nghe: năm 1988 Gusmao trình bày một tài liệu chính trị mang tên “Điều chỉnh cơ cấu của cuộc kháng chiến và kế hoạch hoà bình”, trong đó “Hội đồng Kháng chiến Quốc gia Timor” được thành lập, một tương lai đoàn kết dân tộc, bộ mặt của phong trào phản kháng thống nhất, phi đảng phái đã được vạch ra, việc giải tán Đảng Mác-Lênin và việc từ bỏ rõ ràng hệ tư tưởng Mác-xít đã được phê chuẩn. Cha Graciano nhớ lại: “Bước này mang tính quyết định, vì đã từ bỏ con đường ý thức hệ, điểm tham chiếu lý tưởng duy nhất cho người dân đấu tranh cho tự do là đức tin Công giáo.”

Các giá trị Tin Mừng đã hướng dẫn Đông Timor trong 25 năm qua

Tổng đại diện Dili kết luận: “Các giá trị Tin Mừng đã hướng dẫn đất nước trong 25 năm qua, là kim chỉ nam cho tất cả chúng tôi. Các giá trị:  tôn trọng sự sống bất khả xâm phạm, và do đó phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Chúa; tự do khỏi áp bức, với niềm hy vọng tự quyết, điều mà chúng tôi luôn tin tưởng, với mong muốn xây dựng lịch sử, quê hương, tương lai của chúng tôi. Trong hành trình này, tôi đã có thể nhận thấy đối với chính mình, gia đình tôi, nhiều gia đình ở Đông Timor, bàn tay quan phòng của Thiên Chúa đã hiện diện trong lịch sử của dân tộc Timor cũng như của dân tộc Israel. Chúng tôi có thể nói rằng vào thời đó đức tin vào Chúa Kitô là một trong những thành phần thiết yếu, trong lịch sử và văn hoá của chúng tôi, và giờ đây vẫn vậy.”

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-08/dong-timor-duc-tin-van-hoa-lich-su-quoc-gia-tre-chau-a.html