26/11/2024

Chúa Nhật XVIII TN B 2024: Ăn để sống đời

Chúa Nhật XVIII TN B 2024

Ăn để sống đời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta suy nghĩ về “ăn” như một việc thường làm trong đời sống hằng ngày. Cha ông chúng ta vẫn dạy “ăn để sống” chứ không phải “sống để ăn”. Nhưng vì nhiều người chưa hiểu sống là gì, sống như thế nào mới đáng ăn, nên cũng ít người biết ăn là gì, ăn như thế nào mới đáng sống!

1. Sống để ăn

Bài đọc I (x. Xh 16,2-4.12-15) trình bày cho ta thấy hình ảnh của những con người chỉ biết sống để ăn trong mọi thời đại. Người Israel nói với Môsê và Aharon: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai Cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi chết đói cả lũ ở đây!”. Họ quên ngay nỗi khổ nhục làm nô lệ cho người Ai Cập, quên giá trị tự do họ đang được hưởng, quên Thiên Chúa vừa cho họ đi giữa lòng biển khô cạn để cứu thoát họ. Thiên Chúa vẫn đáp ứng yêu cầu: cho họ ăn thịt chim cút và manna thoả thuê, nhưng họ ăn mà lại chết.

Qua bài Tin Mừng (x. Ga 6,24-35), Đức Giêsu cũng vạch trần thái độ sống để ăn của người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông”.

Đây cũng là lời mời gọi của Đức Giêsu gửi đến tất cả chúng ta trong thời đại này vì nhiều người đang ra sức làm việc, kiếm thật nhiều tiền chỉ để ăn chơi và hưởng thụ cuộc sống. Họ tìm ăn của ngon vật lạ, những món đặc sản trong nước hay ngoài nước để chứng tỏ mình là người sành điệu, lịch lãm. Kết quả là số người béo phì ở Việt Nam nhanh nhất thế giới, số trẻ béo phì ở Việt Nam đang chiếm khoảng 19% và mỗi năm một tăng cao (x. https://genk.vn/dat-nuoc-gay-nhat-the-gioi-dang-beo-len-nhanh-nhat-viet-nam-;https://www.google.com/search?sca_esv; https://nhandan.vn/ty-le-thua-can-beo-phi-o-tre-em-tang-gan-gap-doi-trong-vong-10-nam-).

https://genk.mediacdn.vn/thumb_w/800/139269124445442048/2024/4/4/ngang-171221329995457985595.jpg

Xét về khía cạnh sinh học, ăn là hành động đưa lương thực vào hệ tiêu hoá để thu nhận, biến đổi, phân giải các thức ăn về mặt vật lý, hoá học, chiết xuất các chất dinh dưỡng có ích từ đồ ăn và bài tiết ra ngoài những thứ không cần thiết cho cơ thể (x. Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, 2015, tr.78). Chúng ta biết rằng cơ thể người lớn trung bình mỗi ngày chỉ cần số thực phẩm sản xuất ra khoảng 2.000-2500 Kilo calorie, với khoảng 20 đơn chất mà thôi (x. Sđd, Atlas, tr. 350-361).

Dù ăn nhiều chất dinh dưỡng nhưng cơ thể chỉ thu nhận và dự trữ các chất cần thiết cho sự sống và loại bỏ các chất dư thừa. Nếu cơ thể không thải được chất thừa ra ngoài, sự sống sẽ bị tổn thương. Điều hiểu biết này nhắc nhở ta phải ăn uống theo khoa học và đừng vội tin các lời đồn thổi, những “kinh nghiệm dân gian”: ăn con này, cây nọ để chữa một số bệnh tật nan y hiện đăng tải đầy trên mạng internet. Nhiều người đã chết hay bệnh trở nên nặng hơn vì kiểu ăn uống liều lĩnh này.

Dù của ngon vật lạ có là “bát bửu” của Trung Quốc như “nem công, chả phượng, tay gấu, lưỡi chim sẻ”… thì chúng cũng chỉ đánh lừa vị giác, khứu giác của ta mà thôi. Một khi đồ ăn đi vào dạ dày rồi, tất cả đều chuyển hoá thành những chất đơn giản. Nhiều người ăn rất nhiều nhưng vì thiếu các men tiêu hoá nên không hấp thu được các chất bổ dưỡng, hoặc vì thiếu vận động nên ngày càng béo phì. Càng ăn, họ càng làm giảm chất lượng cuộc sống.

2. Vậy phải ăn thế nào để sống và sống dồi dào?

Đây là câu hỏi đặt ra trong suốt dòng lịch sử nhân loại. Những con người thời sơ khai (homo habilis) cách đây 2,4 triệu năm chỉ biết ăn tươi nuốt sống những thú vật mình bắt được. Khi con người đứng thẳng (homo erectus) khám phá ra lửa cách đây khoảng 800.000 năm, do cháy rừng, núi lửa, họ thấy thịt nướng ăn ngon hơn, lành hơn và giữ được lâu hơn. Con người hiện đại (homo sapiens) đã tự tạo ra lửa để chế biến đồ ăn và tìm ra ý nghĩa của việc ăn uống.

Nền văn minh Hy Lạp và La Mã ở Tây Phương và Trung Hoa ở Đông Phương đã đưa việc ăn tiến một bước dài. Xã hội lúc này đã phân hoá thành các dân tộc với nhiều giai cấp khác nhau. Những nô lệ nghèo khổ luôn “ăn đói, mặc rách”, người trung lưu được “ăn no, mặc ấm” và chỉ giai cấp quý tộc, giàu có mới có quyền “ăn ngon, mặc đẹp”. Một ít người, như Tần Thuỷ Hoàng (259 TCN – 210 TCN), còn mơ ước tìm được “của ăn trường sinh bất lão” (x. Bài Thẻ Tre 2000 năm, gọi là “Tần giản”, Internet, ngày 12/3/2018).

Các tôn giáo đã đem lại ý nghĩa cho việc ăn uống và thể hiện niềm mơ ước của con người: ăn để sống mãi mãi. Trong cuốn truyện Tây Du Ký của học giả Ngô Thừa Ân, nhiều loài yêu quái muốn ăn thịt nhà sư Huyền Trang hay Đường Tam Tạng vì chúng tin rằng thịt này làm cho mình trường sinh bất lão.

Con người không còn chỉ ăn để sống một đời, nhưng qua việc cúng tế lễ vật cho các thần linh và chia sẻ lễ vật đó, họ tin rằng mình sẽ được sống dồi dào, phi thường và mãi mãi với thần linh. Nhiều tôn giáo dạy cho tín hữu của mình nên ăn gì và ăn như thế nào để đạt được kết quả đó.

Các triết gia cũng bắt đầu suy tư về đồ ăn cho thể xác và tinh thần. Họ cho thể xác đối nghịch với tinh thần, nên chủ trương sống nghiêm khắc với chính bản thân (phái Khắc Kỷ), ăn uống đạm bạc, không chiều theo thú vui và dục vọng để thể xác càng nhẹ nhàng thì tinh thần càng thanh thoát. Công đồng Vaticanô II đã dạy chúng ta con người là một với thể xác và tinh thần nên chúng ta ăn thế nào để phát triển trọn vẹn cả hồn và xác (x. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 1965, số 14).

Trong lịch sử nhân loại, dân tộc Do Thái đã nhận được lương thực từ trời mà họ gọi là “manna” trong suốt 40 năm, khi đi trong sa mạc Sinai tìm về Đất Hứa. Đây là thứ bột rơi trên mặt đất mỗi sáng để họ lấy về làm bánh (x. Xh 16,2-15). Bánh từ trời này giúp họ đón nhận sự sống tinh thần kỳ diệu, nếu họ tin vào Đấng ban cho họ bánh ấy. Nhưng họ đã không tin và tất cả đều chết trên sa mạc (x. 1V 19,4-8).

Đó chỉ là hình ảnh báo trước về “tấm bánh trường sinh từ trời xuống” (x. Ga 6,51) là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, để muôn loài có thể đón nhận Người và đạt được sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã nhiều lần làm các phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều, chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại và chia sẻ cho tất cả các tông đồ và môn đệ quyền năng ấy, nếu họ tin tưởng đón nhận và “ăn” Người để làm nên một thân thể nhiệm mầu, có chung một sự sống của Thiên Chúa. Tuy nhiên, rất nhiền tín hữu Công giáo hầu như chỉ đón nhận tấm bánh theo kiểu hình thức bên ngoài của “bí tích” Thánh Thể, vì họ chưa phát huy được hiệu quả thật sự phi thường của tấm bánh Giêsu trong đời sống.

Câu hỏi của người Do Thái giải đáp cho vấn đề chúng ta đang quan tâm “ăn thế nào để sống muôn đời”. Họ hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”. Đức Giêsu không đòi hỏi người Do Thái phải làm việc này, việc nọ, phải tuân giữ giao ước 10 điều răn hay làm việc bác ái nào đấy. Người chỉ nói rằng: “Việc Thiên Chúa muốn các ông làm là tin vào Đấng Chúa sai đến”, là Đức Giêsu. Tin vào Người và hoà nhập thành một với Chúa Giêsu để Người dẫn ta vào đời sống mới, trở thành “con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,24).

Lời kết

Cầu chúc bạn “ăn” được Chúa Giêsu mỗi ngày để sống đời đời. Amen.

HKK