Hội nghị tại Vatican về sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo và khiêu dâm trẻ em
Hội nghị tại Vatican về sự nguy hiểm của trí tuệ nhân tạo và khiêu dâm trẻ em
Hội nghị đưa ra số liệu thống kê đáng lo ngại: vào năm 2023 có hơn 275.000 trang web có nội dung khiêu dâm trẻ em trên Internet, với khoảng 11.000 bức ảnh do trí tuệ nhân tạo tạo ra, chỉ trong một tháng. Tuy nhiên, những con số này có thể còn cao hơn.
Những nguy hiểm và cơ hội của trí tuệ nhân tạo
Ông Ernesto Caffo, Chủ tịch của Telefono Azzurro, nhận định rằng trẻ em và thanh thiếu niên ngày càng tiếp xúc với các nền tảng chứa các công cụ “có thể dẫn đến hành vi gặp nguy hiểm”. Đây là một thách thức mới và quan trọng vì nó làm lung lay tất cả các cơ chế kiểm soát đã được thực hiện trong những năm gần đây. Ông chỉ ra rằng mặc dù các công nghệ mới có thể là những công cụ tuyệt vời, nhưng bất kỳ sự mong manh nào cũng có thể “là nguồn gây ra rủi ro ngày càng tăng cho các thế hệ mới”. Theo ông, tình trạng nghiêm trọng này phải được giải quyết ở cấp độ quốc tế cao nhất, chẳng hạn như hội nghị thượng đỉnh G7 tiếp theo, để đưa ra các đề xuất về vấn đề này.
Sự cân bằng giữa tiến bộ công nghệ và giá trị của con người
Trong bài phát biểu, Đức Hồng y Seán O’Malley, Tổng Giám mục Boston (Hoa Kỳ) và là Chủ tịch Uỷ ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, đã nhắc lại rằng tiến bộ công nghệ đòi hỏi và yêu cầu “sự cân bằng giữa tiến bộ công nghệ và giá trị con người”. Ngài nhấn mạnh lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, người đã nhiều lần tuyên bố rằng “công nghệ phải phục vụ để cải thiện cuộc sống con người chứ không phải ngược lại”. Đức Hồng y cho biết “sự dấn thân của Giáo hội đối với các công nghệ mới, đặc biệt là AI, bắt nguồn từ sứ mạng bảo vệ con người, phù hợp với Tin Mừng”.
Tạo “căn cước kỹ thuật số” để trẻ em truy cập Internet
Bà Carla Garlatti, Cơ quan Giám sát Trẻ em và Thanh thiếu niên, nói rằng có thể phát triển các sáng kiến và công cụ để kiểm soát quyền truy cập của trẻ em và thanh thiếu niên vào các nền tảng có nội dung không phù hợp. Tuy nhiên, luật gia Guido Scorza cho rằng việc kiểm soát là “khó áp dụng vào thời điểm này” vì giới trẻ có xu hướng sử dụng nội dung được thiết kế cho lứa tuổi lớn hơn.
Hiệp ước quốc tế về trí tuệ nhân tạo
Cuối cùng, Cha Hans Zollner, trưởng khoa Nhân chủng học tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana, đã cảnh báo về mối nguy hiểm của điện thoại thông minh, thứ “khiến chúng ta [tin rằng] chúng ta có mọi thứ trong tầm kiểm soát, nhưng thực tế không đúng như vậy”. Cha nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, cần “thiết lập và thông qua một hiệp ước quốc tế về Trí tuệ nhân tạo”, một vấn đề quan trọng đối với con người trong tương lai.
Vaitcan News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-05/tri-tue-nhan-tao-khieu-dam-tre-em.html