21/12/2024

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN – Năm A

Lời Chúa (Mt 22,1-14)

1 Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : 2 “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ : ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng : Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới !’ 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi : kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ : ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

11 “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy : ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch : ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’.”

HỌC HỎI:

  1. Đọc ba dụ ngôn liên tiếp ở Mt 21,28-32; 21,33-46 và 22,1-10. Xin cho biết điểm giống nhau trong ba dụ ngôn trên.
  2. Trong dụ ngôn hôm nay, ông vua, con trai của vua, các đầy tớ, quan khách đã được mời: những nhân vật trên đây tượng trưng cho ai?
  3. Trong tiệc cưới, chú rể là ai?” Xem thêm Mt 9,15 và 25,1.
  4. Bạn nghĩ gì về thái độ của nhà vua đối với khách mời? Đọc Mt 22,3-4.
  5. Đâu là thái độ của các khách mời đối với nhóm đầy tớ thứ hai? Đâu là phản ứng của ông chủ? Đọc Mt 22,5-7.
  6. Cuối cùng nhà vua đã cho các đầy tớ ra các nẻo đường (cc. 9-10), mời mọi người bất luận xấu tốt vào dự tiệc cưới của hoàng tử. Những người này tượng trưng cho ai vậy?
  7. Đọc dụ ngôn Mt 22,11-14, bạn thấy có gì khó hiểu không?
  8. Đọc sách Khải huyền 19,7-8. Từ đó cho biết ý nghĩa của « y phục lễ cưới » ở Mt 22,11-12.

GỢI Ý SUY NIỆM:

Mỗi Chúa nhật, Chúa vẫn mời tôi đến chung vui với Ngài và dự bữa tiệc thánh do Ngài khoản đãi. Đâu là những bận tâm vì công việc khiến đôi khi tôi ngần ngại không muốn nhận lời? Trước khi tham dự Thánh Lễ, tôi có dành thời giờ để chuẩn bị cho mình y phục tử tế không?

PHẦN TRẢ LỜI:

  1. Ba dụ ngôn trên có những điểm giống nhau. Đức Giêsu nói cả ba dụ ngôn với các nhà lãnh đạo Do-thái giáo ở sân Đền thờ Giêrusalem. Trong cả ba dụ ngôn, ta đều thấy thái độ không tin, từ chối, chống đối Đức Giêsu của giới lãnh đạo tôn giáo hay của dân Do-thái : người con thứ hai không chịu vâng lời cha để đi làm vườn nho; các tá điền chẳng những không nộp hoa lợi mà còn giết các đầy tớ và con trai của chủ vườn nho; các khách được mời từ chối dự tiệc cưới cho hoàng tử (Mt 21,28 – 22,14). Trong cả ba dụ ngôn, đều có hình phạt cho thái độ trên đây của giới lãnh đạo : họ bị vào Nước Thiên Chúa sau các người thu thuế và gái điếm (Mt 21,31); các tá điền bị tiêu diệt và lấy lại vườn nho (Mt 21, 41); những người được mời dự tiệc cưới thì bị loại (Mt 22,7-8).
  2. Trong dụ ngôn Tiệc Cưới, ông vua tượng trưng cho Thiên Chúa, con trai của vua là hình ảnh của Đức Giêsu (Mt 21,37; 22,2). Các đầy tớ được sai đến là các ngôn sứ trong Cựu Ước và Tân Ước. Quan khách được mời trước tiên là dân Do-thái (x. Mt 22,1-7), và sau đó là dân ngoại (x. Mt 22,8-10). Tiệc cưới tượng trưng cho bữa tiệc thiên sai được nói đến trong sách Isaia 25,6.
  3. Chú rể của đám cưới là hoàng tử, con trai của vị vua trong dụ ngôn này (Mt 22,2). Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giêsu hay ví mình với chú rể. Khi ngồi ăn với những người tội lỗi, Ngài ví mình như chú rể, và ví các môn đệ như khách dự tiệc cưới (x. Mt 9,15). Trong dụ ngôn về mười trinh nữ, ta lại thấy chuyện tiệc cưới, trong đó chú rể đến trễ là chính Đức Giêsu (x. Mt 25,1.5). Như thế hình ảnh tiệc cưới với chú rể Giêsu là hình ảnh hay được Ngài sử dụng để nói về sứ mạng của mình. Đức Giêsu là nhân vật chính của tiệc cưới, Ngài đem đến cho nhân loại niềm vui dồi dào và hạnh phúc viên mãn của ơn cứu độ.
  4. Nhà vua đã mời các quan khách tham dự tiệc cưới của hoàng tử (Mt 22,3). Gần đến ngày cưới, nhà vua lại sai các đầy tớ đến mời họ, cả thảy hai lần nữa. Lần đầu họ không muốn đến, không rõ vì lý do gì (Mt 21,3). Nhà vua không nản lòng, sai một nhóm đầy tớ khác đi mời lần thứ hai và thậm chí dạy họ cách mời (Mt 22,4). Lời mời rất trân trọng, cho thấy lòng hiếu khách và cũng cho thấy sự chuẩn bị chu đáo của nhà vua cho bữa đại tiệc: «Này cỗ bàn ta đã dọn xong, bò tơ và bê béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Xin mời quý vị đến dự tiệc cưới!» (Mt 22,4). Chỉ cần đến tham dự thôi, vì sự hiện diện của quý vị là điều quan trọng cho bữa tiệc này. Ai cũng hiểu nhà vua có một niềm vui lớn lao và ông muốn chia sẻ niềm vui ấy cho các quan khách. Ông chỉ mong khách đến đông đủ để bữa tiệc được vui trọn vẹn.
  5. Trước biến cố trọng đại của nhà vua và hoàng tộc, các quan khách được mời lại hững hờ, coi thường lời mời của nhà vua. Thái độ của họ cho thấy họ đang quan tâm về những chuyện khác mà họ coi là quan trọng hơn: chuyện đi thăm nông trại của họ hay chuyện đi buôn (Mt 22,5). Đây là một sự sỉ nhục đối với nhà vua khi thấy các quan khách đặt chuyện đời thường chẳng có gì quan trọng lên trên biến cố xảy ra một lần trong đời của con trai mình. Hơn thế nữa, có những khách mời còn bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ rồi giết đi (Mt 22,6). Thái độ độc ác này cũng giống với thái độ của các tá điền ở Mt 21,35-39. Rõ ràng các khách được mời thì « không xứng đáng ». Nổi cơn thịnh nộ, nhà vua đã tiêu diệt bọn khách mời sát nhân, hơn nữa còn thiêu hủy cả thành phố của chúng (Mt 22,7).
  6. Những quan khách được mời ngay từ đầu tượng trưng cho phần lớn dân Do-thái. Khi dân này từ chối và trở nên không xứng đáng với bữa đại tiệc, thì nhà vua ra lệnh đi mời mọi người ở khắp nẻo đường, gặp ai tốt xấu cũng mời vào dự tiệc. Nhóm người được mời sau này tượng trưng cho dân ngoại và cho những người Do-thái biết mở lòng đón nhận. Đây là cái nhìn của Mát-thêu về ơn cứu độ phổ quát. Mọi người, cả Dân Do-thái lẫn Dân Ngoại, đều được mời dự tiệc của Chúa. Việc loan báo Tin Mừng không còn bị giới hạn nơi người Do-thái (x. Mt 10,5-6 ; 15,24) nhưng mở ra cho mọi dân tộc trên mặt đất (Mt 28,19).
  7. Khi đọc dụ ngôn ở Mt 22,11-14, chúng ta thường đặt câu hỏi : tại sao nhà vua lại đòi một người phải mặc y phục lễ cưới, khi người ấy đang ở ngoài đường thì bất ngờ được gom vào phòng tiệc cưới ? Không nên hiểu áo cưới ở đây theo nghĩa đen. Áo cưới tượng trưng cho một cuộc sống công chính, nghĩa là làm những việc tốt lành. Những người được nhận vào Hội Thánh của Chúa, được ơn vào dự tiệc, thì không được tự hào như thể do công của mình, nhưng họ cũng cần phải có cuộc sống xứng hợp với ơn gọi kitô hữu. Trong dụ ngôn này, nhà vua đã không trừng phạt những người dự tiệc khác, nhưng chỉ trừng phạt anh này, và anh đã im lặng, chấp nhận mình có lỗi (Mt 22,12). Dụ ngôn ở Mt 22,11-14 là dụ ngôn nhắc nhở những ai đã ở trong Hội Thánh của Chúa cần sống cho xứng đáng với ơn gọi của mình.
  8. Sách Khải huyền 19,7-8 nói đến Tiệc Cưới của Con Chiên là Đức Kitô, với vị Hôn Thê là Hội Thánh. Vị Hôn Thê này «mặc áo vải gai mịn sáng chói và tinh tuyền.» Sau đó chúng ta được giải thích: «Vải gai mịn là những việc công chính của các thánh.» Từ đoạn sách này, chúng ta có thể hiểu hơn về «y phục lễ cưới» trong Mt 22,11-12. Người được dự tiệc cưới hoàng tử, dù được mời đột xuất từ ngã ba đường, cũng cần có « y phục lễ cưới » là đời sống công chính.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thu âm lớp học do Anh Tuấn thực hiện: