Chúa Nhật XXIV TN A 2023: Chân thành tha thứ cho nhau
Chúa Nhật XXIV TN A 2023
Chân thành tha thứ cho nhau
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Tuần trước, chúng ta đã bàn đến Món nợ tình yêu là bổn phận sửa lỗi cho nhau. Tuần này, các bài Thánh Kinh tập trung vào nhiệm vụ phải tha thứ những lỗi lầm, sai phạm của người khác (x. Hc 27,30-28,7 và Mt 18,21-35) để “sống trọn vẹn cho Chúa” như thánh Phaolô nhắc nhở (Rm 14,7-9). Tuy nhiên, chúng ta cần phải tìm hiểu xem việc “hết lòng tha thứ cho anh em mình” thật sự là gì theo Công giáo để người phạm lỗi không lạm dụng lòng nhân từ và thương xót của con người cũng như của Thiên Chúa.
1. Sự tha thứ trong đời sống con người
Tha thứ là bỏ qua lỗi lầm của người khác, không trách cứ hoặc trừng phạt sai phạm của họ (x. Từ điển Tiếng Việt 2013, NXB Đà Nẵng, tr.1171; Từ điển Thần học Công giáo, in lần II, 2019, mục từ Tha thứ, tr.783).
Trong đời sống cho ta thường thấy rằng: con người hay xúc phạm đến nhau và làm thiệt hại cho nhau. Kể từ khi cắt đứt sự hoà hợp với Thiên Chúa là nguồn của mọi ân huệ, con người luôn cảm thấy mình trần trụi, khổ đau. Vì thế, người ta muốn dùng của cải vật chất và tài năng tinh thần để che giấu nỗi khốn cùng. Hơn nữa, vì bị tham vọng và dục vọng che mờ lý trí và lương tâm, nên con người đã có nhiều hành động sai trái, làm thiệt hại về vật chất như của cải, tiền bạc, cũng như về tinh thần như danh dự, nghề nghiệp, tiếng tốt của nhau. Do đó, họ cần phải đền trả cho nhau theo luật công bằng và cần được tha thứ cho nhau theo luật bác ái.
Tuy nhiên, nhiều tín hữu Công giáo rất bối rối khi cho người khác vay nợ, mà lại không tha nợ cho người vay như Kinh Lạy Cha thường đọc, vì nếu tha như thế, mình sẽ bị thiệt thòi. Hơn nữa, không ít người lạm dụng lòng tốt của người khác, vay nợ thật nhiều và hầu như chẳng trả nợ cho ai. Họ cũng không quan tâm đến những tội lỗi xúc phạm nặng nề đến Chúa và liên tục tái phạm, vì tự nhắc nhủ mình: “Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài luôn tha thứ mọi tội lỗi của con người” (x. Tv 103,3). Như thế, lòng tin vào sự tha thứ trong các trường hợp này có chính đáng không?
Có những hành động xúc phạm nặng nề đến danh dự, sự sống và làm người khác thiệt hại lớn lao, khiến họ mất hết của cải, bị sỉ nhục, hiểu lầm đến nỗi phải bỏ nhà, bỏ xứ ra đi, hoặc bị coi thường, bị phản bội trong đời sống hôn nhân, khiến cho người bị hại cảm thấy không thể tha thứ do vết thương lòng quá lớn và luôn gây đau xót khi nhớ đến lỗi lầm đó. Có những người vợ, người chồng đã phản bội nhau, ăn ở với người khác nên họ chỉ còn sống với nhau vì nghĩa, vì con cái, chứ không vì tình, do tình yêu không còn nữa. Vậy trong các trường hợp đó, làm sao người ta có thể tha thứ và tìm lại tình yêu?
Mở rộng hơn, khi một dân tộc bị một dân tộc khác dùng bạo lực để áp bức, xâm lăng, dùng những thủ đoạn chính trị để lừa dối dư luận thế giới, dùng sức mạnh kinh tế để hãm hại các nước nghèo khổ, người ta có phải tha thứ cho chính quyền hay cho dân tộc ấy để chịu đựng những bất công của họ không hay họ bắt buộc phải đền trả và bồi thường các thiệt hại đã gây ra?
Trong lĩnh vực tâm lý, có những người luôn bị dằn vặt về một tội lỗi của mình trong quá khứ như tự tử, phá thai, nghiện ngập, gây tai nạn chết người… nên nghĩ rằng tội lỗi đó không thể được Chúa tha thứ và họ cũng không tha thứ cho chính mình. Cuộc sống của họ không còn niềm vui, lòng tin và hạnh phúc. Vậy ta phải làm gì để vượt qua chính mình, tìm lại được niềm vui và bình an?
Đấy là những vấn đề ta thường gặp trong đời sống để xin Chúa Giêsu giúp ta hiểu được sự tha thứ chân thành mà Người muốn ta thể hiện cho nhau.
2. Sự tha thứ chân thành
Chúa đã dạy chúng ta khá nhiều về sự tha thứ qua kinh Lạy Cha (x. Mt 6,12), qua dụ ngôn Tin Mừng hôm nay và nhất là qua chính cuộc đời của Người khi van xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ đóng đinh mình (x. Lc 23,34).
Giáo Hội cũng dạy ta nhiều điều để có thể áp dụng trong đời sống cụ thể của từng người cũng như của cộng đồng xã hội qua các tài liệu của Công đồng Vaticanô II (x. Gaudium et Spes, số 28), sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, (x. các số 981, 982, 987, 1441, 1443, 1473, 1434, 1437, 1452, 2010, 2227, 2631, 2838-45); sách Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo (x. các số 196, 492, 517, 518); sách Docat (x. tr.125, 164, 256-257).
Tuy nhiên, chúng ta cần tóm lại vài điểm cần thiết sau đây để có thể giải đáp những vấn đề chúng ta đã nêu ở trên về sự tha thứ.
Trước hết, chúng ta phải giữ công bằng với Chúa cũng như với anh chị em trước khi nói đến việc tha thứ liên quan đến lĩnh vực bác ái.
Giáo Hội dạy chúng ta rằng: “Tha thứ cho nhau không có nghĩa là loại bỏ nhu cầu về công lý và càng không ngăn chặn con đường dẫn đến sự thật. Ngược lại, công bằng và sự thật là những đòi hỏi cụ thể để có được sự hoà giải” (x. TLHTXHCG, số 518).
Tha thứ dựa trên công bằng. “Công bằng là có ước muốn kiên định và vững chắc trả lại những gì mình mắc nợ với Chúa và tha nhân” (x. TLHTXHCG, số 518; GLHTCG, số 1807). Công bằng đối với Thiên Chúa là trả lại cho Ngài sự tôn kính trọn vẹn và lòng biết ơn vì Ngài không mắc nợ gì ai, trong khi tất cả những gì ta có đều do Ngài ban tặng. Đó là ý nghĩa dụ ngôn, khi chúng ta giống như người đầy tớ mắc nợ vua 10.000 yến vàng. Do đó, “yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn” cũng chỉ là luật công bằng trong mối tương quan với Thiên Chúa. Còn việc “yêu người như chính mình” cũng chỉ là luật công bằng trong mối tương quan với tha nhân, do đó họ phải đền trả những thiệt hại do mình gây ra.
Sự tha thứ còn phải dựa trên sự thật, nghĩa là biết rõ về hoàn cảnh của người sai phạm. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều chủ nhà đòi người thuê mặt bằng hoặc người thuê nhà trọ phải trả đủ tiền thuê theo luật công bằng, dù biết rõ người thuê không có khách hàng đến mua, hay bị cắt giảm việc làm. Hoặc nhiều công nhân đòi người chủ phải trả lương theo đúng hợp đồng đã ký kết, dù biết rằng công ty không hoạt động hay xí nghiệp không sản xuất, kinh doanh. Đó là những người không biết tha thứ dựa trên sự thật của đời sống.
Vì thế, đối với những người lạm dụng lòng tốt của người mà gây ra những thiệt hại hay lạm dụng lòng thương xót của Thiên Chúa để thường xuyên phạm tội, thì họ phải nhớ rằng: dù họ được con người và Thiên Chúa tha thứ, ví dụ qua bí tích Hoà Giải, thì: “Sự tha thứ không làm nhẹ đi tính cách nghiêm trọng của tội ác đã xảy ra và không thể huỷ bỏ được điều đã xảy ra” (x. Docat, số 277). Mỗi điều ác đức bất công đều ghi những điểm tối, vết bẩn vào bản chất người thực hiện và họ phải tẩy rửa chúng bằng các việc tốt lành ở đời sống trần thế, nếu không muốn phải thanh luyện ở đời sau. Vì thế, Bài đọc I nhắc nhở ta rằng: “Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn” (x. Hc 28,6).
Cuối cùng, đối với những ai không tin vào lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa, không thể tha thứ cho người khác hay luôn dằn vặt vì tội ác của mình, hay đối với những dân tộc bạo động, không có lòng khoan dung, Giáo hội Công giáo khuyên ta: “Hãy đưa Thiên Chúa vào cuộc” bằng cầu nguyện (x. GLHTCG, số 1425, 2631, 2838-45; Docat, tr.125). “Khi có Thiên Chúa hậu thuẫn, người ta có sức mạnh để tha thứ, làm những bước khởi đầu mới, mà có thể nói dường như không thể thực hiện được về mặt con người” (x. Docat, số 277, tr.257). Lý do là vì Thiên Chúa là Đấng toàn năng, không có gì mà Ngài không thể làm được, đồng thời cũng là tình yêu quảng đại được đổ vào lòng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta.
Lời kết
Hôm nay, hiểu được tha thứ như thế, ta mới có thể “sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Ngườ vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cững như kẻ chết” (x. Rm 14,8). Amen.
HKK