Họp báo chuẩn bị Đại hội Thánh Thể Quốc tế 2024 tại Ecuador
Họp báo chuẩn bị Đại hội Thánh Thể Quốc tế 2024 tại Ecuador
Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về các Đại hội Thánh Thể Quốc tế
Đi vào tình hình thực tế khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ xã hội, chính trị và văn hoá tại Ecuador và các quốc gia khác, Chủ tịch Uỷ ban Giáo hoàng về các Đại hội Thánh Thể Quốc tế cho rằng Đại hội sẽ là một sự kiện của tình huynh đệ, hơn thế nữa cũng sẽ là dịp nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể, bí tích cho phép “chúng ta nhìn nhận mình là con một Cha và vì thế là anh chị em của nhau”.
Do đó, chủ đề cho cuộc gặp gỡ ở Quito “Tình huynh đệ hàn gắn thế giới” là một chủ đề rất thời sự. Chúng ta không thể cử hành Thánh Thể nếu chúng ta bị chia rẽ. Chúa Kitô đã lập lại sự hài hòa nguyên thủy mà Thiên Chúa muốn nhưng đã bị Cain phá vỡ qua việc giết Abel. Cử hành Thánh Thể kéo dài ơn gọi hiệp thông phổ quát với mọi người và hoà hợp thụ tạo. Ánh sáng Thánh Thể hoà giải chúng ta với việc chữa lành những vết thương của chúng ta và sai chúng ta ra đi với sứ mạng chữa lành những vết thương thế giới. Vì thế, Thánh Thể không tách rời khỏi cuộc sống. Chúng ta đến tham dự Thánh lễ không phải để dâng lên Chúa điều gì đó, nhưng để lãnh nhận. Chính Thánh Thể giúp chữa lành vết thương của chúng ta, để chúng ta có thể chữa lành các tương quan trong gia đình, trong Giáo hội và ngoài xã hội.
Cha nói: “Bí tích Thánh Thể liên quan đến đức tin: nếu không có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô, nếu chúng ta không tự hỏi Chúa Kitô là gì đối với chúng ta, thì cử hành Thánh Thể là điều không tưởng.”
Cha Maggioni nhắc đến Đại hội Thánh Thể cũng sẽ là dịp cử hành 150 năm Ecuador được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, theo mong muốn của tổng thống lúc bấy giờ.
Cũng trong ngày thứ Tư, tại buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã làm phép và ký vào sách Tin Mừng, được chọn làm biểu tượng cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế 2024, do Đức Tổng Giám mục Alfredo José Espinoza Mateus của Quito mang đến.
Ở mỗi Đại hội Thánh Thể Quốc tế đều có chọn một biểu tượng, như lần gần đây nhất tại Budapest, một Thánh Giá lớn trong đó có thánh tích của các thánh Hungary đã được chọn làm biểu tượng. Chọn Tin Mừng làm biểu tượng cho Đại hội, Giáo hội tại đây muốn nhắm thúc đẩy việc dạy giáo lý và cầu nguyện cho tất cả các giáo phận. Một điểm ý nghĩa của sách Tin Mừng là bìa trước có hình Thánh Tâm, và được Thánh Phaolô VI tặng cho Ecuador nhân dịp kỷ niệm 100 năm đất nước được thánh hiến cho Thánh Tâm, và bìa phía sau có hình ảnh các nhóm dân tộc của đất nước và bảy ơn Chúa Thánh Thần.
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2023-05/hop-bao-chuan-bi-dai-hoi-thanh-the-quoc-te-2024.html