23/12/2024

Chúa Nhật II PS A – 2023: Cảm nghiệm bằng đức tin về lòng Chúa thương xót

Chúa Nhật II PS A – 2023

Cảm nghiệm bằng đức tin về lòng Chúa thương xót

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa Nhật về Lòng Chúa Thương Xót để nhắc nhở nhau về tình yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với chúng ta, để giúp nhau cảm nghiệm được lòng thương xót ấy và chia sẻ lòng thương xót của Chúa cho mọi người.

1. Chúa yêu thương chúng ta

Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu biết về lòng Chúa thương xót thì mới có thể cảm nghiệm được. Các bài Thánh Kinh hôm nay gợi ý cho chúng ta điều đó. Bài đọc II (x. 1Pr 1,3-9) nói cho ta biết rằng: “Chúa Cha là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, tàn phai”. Chúa đã yêu thương ta, cho Con Một của Ngài chịu chết đền tội thay ta để hoà giải chúng ta với Thiên Chúa. Người đã sống lại vì ta để ta cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của chính Thiên Chúa qua đời sống hiệp thông và hợp nhất với nhau cùng với nhiều điềm thiêng dấu lạ được diễn tả trong Bài đọc I (x. Cv 2,42-47). Cuối cùng, lòng thương xót ấy đã lên đến tột đỉnh khi Đức Giêsu Phục Sinh hiện đến với các môn đệ, ban cho họ Thánh Thần để biến đổi họ thành Thiên Chúa như Người (x. Ga 20,19-31).

Thánh Thần là Ngôi thứ Ba Thiên Chúa được Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho ta khi Người thực hiện cuộc sáng tạo mới bằng cách thổi Thần Khí để tái sinh ta. Chúng ta không còn chỉ là thụ tạo được tha thứ tội lỗi, trở về tình trạng tốt đẹp nguyên thuỷ như Adam trước khi phạm tội, nhưng đã được nâng lên đến tột cùng để trở thành Thiên Chúa như Chúa Giêsu, như Chúa Thánh Thần hầu được thông phần vào sự sống siêu việt của chính Thiên Chúa, có quyền năng như Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai thì người đó được tha”, vì quyền tha tội chỉ dành riêng cho Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần là tình yêu, Ngài nối kết Chúa Cha và Chúa Con lại với nhau thì Ngài cũng nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa để tất cả có chung một sự sống thần linh. Thánh Gioan đã viết cho ta trong bài kết thúc Phúc Âm của ngài hôm nay: “Những điều ghi chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người”. Chúng ta có cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cho ta không?

2. Cảm nghiệm bằng đức tin

Để có thể cảm nghiệm được lòng thương xót qua việc Thiên Chúa ban chính mình cho ta, ban Đức Giêsu là Con Một Ngài cũng như ban Thánh Thần Tình yêu, chúng ta cần phải có một phương tiện mà Giáo Hội gọi là cảm thức đức tin, (tiếng Latin là sensus fidei, hay tiếng Anh là sense of faith). Cảm thức, theo định nghĩa, là điều nhận thức được bằng cảm quan hay cảm giác. Cảm thức đức tin là nhận thức bằng đức tin.

Giáo huấn Giáo Hội dạy chúng ta rằng: “Nhờ bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu kết hợp trọn vẹn với Hội Thánh đều có được cảm thức đức tin do Chúa Thánh Thần ban cho. Cảm thức này là khả năng phán đoán thiêng liêng mang tính trực giác, nhờ đó mọi tín hữu tiếp nhận mạc khải cách đúng đắn” (x. Ga 16,13; 1Ga 2,20.27; Giáo lý Hội Thánh công Giáo, số 67, 91-93, 785, 889-904).

Chúng ta phải dùng đức tin thì mới có cảm thức đó, để vừa cảm nhận vừa ý thức được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa luân chuyển trong từng tế bào của ta, trong từng giây phút sống của ta, cảm nghiệm được sự sống phi thường, tuyệt đối, vô hạn của Thiên Chúa trong chính con người tầm thường yếu đuối của mình. Thánh Phêrô dạy chúng ta rằng: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em” (1Pr 1,7).

Các môn đệ và các tông đồ thời sơ khai, như Bài đọc I diễn tả, có chung cảm thức đó nên họ luôn hợp nhất với nhau, chia sẻ tất cả những phương tiện vật chất và tinh thần cho nhau, cùng nhau cầu nguyện. Vì có cảm thức đức tin chung với nhau, nên đi đến đâu là họ làm phép lạ đến đó, được toàn dân thương mến và rất nhiều người đã gia nhập cộng đồng tín hữu sơ khai. Chúng ta đang được mời gọi để chia sẻ cùng một cảm thức đó với các tông đồ và các môn đệ của Chúa Giêsu.

3. Cần có chung cảm thức đức tin với nhau

Tuy nhiên, không phải tín hữu nào cũng có chung một cảm thức. Giống như tông đồ Tôma hôm nay, nhiều người chúng ta chưa có cảm thức ấy. Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta như đang ở giữa các tông đồ và Tôma, nhưng Tôma lại không có cảm thức chung với các tông đồ, ông đòi một nhận thức bằng cảm giác: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”.

Chúa Giêsu đã hiện ra cho Tôma, cũng như cho chúng ta, để dạy cho chúng ta hiểu rằng chúng ta cần phải dùng đức tin để cảm nghiệm sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Có chung một cảm thức ấy, chúng ta mới thấy cuộc sống của chúng ta thay đổi, vì lúc nào chúng ta cũng cảm thấy niềm vui, bình an và sự sống kỳ diệu luân chuyển trong con người mình để chia sẻ với mọi người dù không tận mắt thấy Chúa: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin là ơn cứu độ con người” (1Pr 3,8-9).

Chúng ta hãy xin Chúa giúp cho chúng ta có cảm thức đức tin chung với nhau, cảm nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu trong cuộc đời của mình, ý thức được rằng Người đang yêu thương chúng ta và chúng ta sẵn sàng chia sẻ niềm tin, và mọi ân phúc mà Thánh Thần ban cho ta, dù ta không thấy những dấu lạ hay những gì mà con người tự nhiên đang đòi hỏi để tin.

100+ hình nền gia đình thánh gia - hinhanhsieudep.net

Chúng ta không cần xỏ tay vào lỗ đinh hay thọc bàn tay vào cạnh sườn Chúa Giêsu như Tôma bởi vì mỗi giây phút sống ta đang cảm nhận được tình Chúa yêu thương ta. Mỗi giây sống là ta đang yêu, đang suy nghĩ, đang hy vọng, đang hạnh phúc: tình yêu, sự sống, tư tưởng, hy vọng, hạnh phúc là những ân huệ tinh thần mà chỉ có Chúa mới ban tặng được cho ta chứ không tìm thấy nơi bất cứ ai hay bất cứ chỗ nào trong thân xác vật chất của ta. Từng ngày ta đang thở hàng chục ngàn lít không khí mà chẳng trả cho Chúa một xu nhỏ, đang uống những lít nước và ăn những thực phẩm mà nếu không có Chúa dựng nên trời đất thì cũng chẳng có chúng. Từng giây phút ta đang được nối kết với nhau để chia sẻ cho nhau sự sống kỳ diệu của Chúa Giêsu qua Mình Máu Thánh Người và những ân huệ lạ lùng của Chúa Thánh Thần, nhưng hình như chúng ta chưa cảm nhận và phát huy được chúng trong đời sống.

Lời kết

Vì thế, chúng ta xin Chúa Giêsu cho ta cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Cha Trên Trời, cho ta biết mở lòng ra với tất cả anh chị em đang sống quanh mình, nhất là những người nghèo khó, bệnh tật, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần quanh ta. Bấy giờ chúng ta sẽ cảm nhận được những ơn lạ lùng của lòng Chúa xót thương. Amen.

HKK