23/12/2024

Chúa Nhật IV Mùa Chay A 2023: Đức Giêsu là ánh sáng vĩnh hằng

Chúa Nhật IV Mùa Chay A 2023

Đức Giêsu là ánh sáng vĩnh hằng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh Chúa Nhật này giới thiệu Đức Giêsu là nguồn ánh sáng vĩnh hằng có thể mang đến sự sống kỳ diệu, tươi đẹp cho con người và toàn thể vũ trụ, giúp tất cả thoát ra khỏi bóng tối của sự chết. Nhưng nguồn sáng đó là gì và ta có thể tìm được ở đâu trong khi bước trên đường đời?

1. Nhân loại và vũ trụ khao khát ánh sáng

Nhờ khoa học, con người biết rằng ánh sáng là nguồn năng lượng mạnh mẽ phát ra từ những vật thể chiếu sáng như mặt trời với những bước sóng hay những hạt ánh sáng gọi là quang tử. Nhờ ánh sáng, mắt con người có thể nhìn thấy vạn vật tươi đẹp với muôn vàn hình dạng, màu sắc khác nhau. Nhờ ánh sáng, các loài thực vật, qua những phản ứng quang hợp, mới chuyển hoá được dòng nhựa nguyên hút từ rễ lên thành dòng nhựa luyện để làm cho sự sống cây cỏ phát triển, biến thành rau cỏ, thành hoa trái, thành lúa gạo nuôi sống muôn loài động vật và cả loài người.

Như thế, ánh sáng không phải chỉ soi chiếu mà còn đem lại sự sống. Bằng phát minh khoa học, con người tìm ra được những cách tạo nên ánh sáng như lửa, đèn dầu, đèn điện, và ứng dụng các tia sáng khác nhau để chữa bệnh bằng tia X, tia Laser, tia hồng ngoại, tia tử ngoại…

Về phương diện tinh thần, con người thoát khỏi cảnh tối tăm, mê muội để dần dần phát triển những suy tư, nhận thức của mình thành những hệ tư tưởng, những tôn giáo khác nhau giúp con người tìm được sự thật, sự sống, tình yêu, hạnh phúc chân thực. Chúng là những loại ánh sáng tinh thần soi dẫn con người trên đường đời. Tuy nhiên, không ít những hệ tư tưởng hay tôn giáo đó trở thành những loại ánh đèn màu của sân khấu làm mê hoặc con người, khiến cho con người sai lầm, vấp ngã, chết chóc…

Khi con người và vật chất được chiếu sáng thì phản chiếu lại ánh sáng, giống như ánh trăng phản chiếu từ ánh sáng mặt trời, khiến những người khác say mê, ngưỡng mộ, thậm chí theo đuổi, tôn thờ chúng như thể là nguồn sáng. Đó là các nhà lãnh đạo, chính trị gia, nghệ sĩ, ca sĩ, cầu thủ bóng đá, dưới ánh đèn sân khấu hay do các bài báo thổi phồng tài năng, sắc đẹp, giọng ca của họ, biến họ thành “sao sáng”, minh tinh, cuốn hút bao người theo đuổi, tôn thờ họ như những thần tượng, idol, diva. Nhiều bạn trẻ mỗi ngày tốn khá nhiều giờ mở các mạng xã hội chỉ để tìm biết những “sao” của mình ăn gì, mặc gì, nói gì, đi đâu nhưng không tìm được nguồn sáng đích thực để giúp cho chính mình toả sáng và sống dồi dào.

Ngay trong lĩnh vực tôn giáo cũng không thiếu những loại sao tương tự. Dù chỉ phản chiếu ánh sáng, nhưng những người theo họ lại tưởng lầm họ là nguồn sáng. Những bậc thánh hiền tài cao đức trọng như Đức Phật Thích Ca, Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Mohammed… hoặc những vị thánh nhân như Giuse, Phaolô, Phanxicô, Têrêsa… cũng chỉ phản chiếu ánh sáng vĩnh hằng chứ không phải là nguồn sáng đích thực. Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý ta về điểm này trong tông huấn bàn về sự thánh thiện có tên là “Hãy vui mừng hoan hỉ” (Gaudete et Exsultate), ngày 19/3/2018), ở số 11. Giáo hội Công giáo trong phong trào “trở về nguồn” vẫn nhắc nhở chúng ta, nhất là các tu sĩ, đừng dừng lại ở các vị thánh nhân sáng lập dòng tu với những nét toả sáng rực rỡ của họ, mà phải tìm về được nguồn sáng vĩnh hằng là chính Đức Giêsu.

Chỉ có nguồn sáng đó mới thật sự làm cho ta toả sáng mãi mãi và đem lại cho ta sự sống kỳ diệu, phi thường. Còn các tia phản chiếu kia chỉ tạm thời soi sáng mờ mờ cho ta như que diêm trong đêm tối cuộc đời mà thôi.

Уфологи полагают, что Иисус Христос был инопланетянином

2. Chúa Giêsu là nguồn sáng vĩnh hằng

Chúng ta giống như ông Samuel, trong Bài đọc I (x. 1Sm 16,1-13), dù là một tiên tri được Chúa thúc đẩy, nhưng vẫn quen nhìn con người và vạn vật theo những tia phản chiếu qua hình dáng, vóc người cao lớn, qua tuổi tác bên ngoài. Chúa nhắc nhở ông rằng: “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm. Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Chúa thì thấy tận đáy lòng”.

Hơn nữa, loài người chúng ta đã bị chìm vào bóng tối khi cắt đứt với nguồn sáng là Chúa, giống như anh chàng bị mù từ lúc mới sinh trong bài Tin Mừng (x. Ga 9,1-41). Tình trạng mù loà này khiến chúng ta bị lệ thuộc vào người khác: lệ thuộc về thể chất giống như anh phải ăn xin để sống. Lệ thuộc về tinh thần: đi đứng, hành động đều phải cậy dựa vào lời nhắc nhở của người khác. Khổ hơn nữa là những người này cũng chỉ là những tia phản chiếu mờ nhạt nên khi soi dẫn cho ta, ta cũng chẳng hành động tốt hơn, mà nhiều khi còn vấp ngã khốn khổ hơn họ. Tình trạng mù loà khiến ta luôn sợ hãi, muốn ngồi yên để khỏi bị té ngã về cả thể xác lẫn tinh thần.

Vì vậy, con người chúng ta cần được tái sinh bằng một cuộc tạo dựng mới: khối bùn đất khởi thuỷ được Thiên Chúa thổi sinh khí vào đã hư hỏng, nên cần được hồi phục nhờ chính Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Vì thế Đức Giêsu đã làm một cử chỉ tượng trưng là nhổ nước bọt xuống đất, trộn thành bùn, rồi xức vào mắt người mù và bảo anh ta đến hồ Siloac mà rửa. Anh ta đi rửa và nhìn thấy được.

Đức Giêsu đã giải thoát anh mù khỏi bóng tối bao phủ anh từ lúc mới sinh, để từ nay anh được sống như một người tự do, không phải lệ thuộc vào người khác. Người còn mở đôi mắt tinh thần của anh để anh biết suy tư, nhận định, như anh đã trả lời cho những người Pharisêu rằng Đức Giêsu là vị tiên tri. Người còn dẫn tinh thần anh đi xa hơn để tin và yêu Đức Giêsu, khi anh trông thấy Người như nguồn ánh sáng vĩnh hằng chiếu soi vào anh và anh đã sấp mình xuống trước mặt Người. Lúc đó con người trọn vẹn cả xác lẫn hồn của anh mới thật sự được chữa lành. Đức Giêsu quả thật “là ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật” như lời kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng cùng với anh mù.

Vậy chúng ta tìm gặp ánh sáng này ở đâu khi bước trên trần thế? ĐTC Phanxicô, ngày 25/3/2019, đã gửi cho chúng ta tông huấn “Đức Kitô hằng sống” và nhắc nhở ta rằng: “Đấng hằng sống này có thể hiện diện trong cuộc sống của các con mọi lúc, để lấp đầy nó bằng ánh sáng và lấy đi mọi thứ buồn phiền, cô độc. Người lấp đầy cuộc sống của các con bằng sự hiện diện vô hình của Người: bất cứ các con đi đâu, Người sẽ chờ các con ở đó” (số 125).

Thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. Ep 5,8-14) khích lệ chúng ta: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật”. Vì thế, chúng ta hãy làm mọi việc tốt lành để người khác có thể đón nhận chúng và ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời. Chúng là những ánh lửa, dù nhỏ bé và mau chóng như phát ra từ những que diêm, nhưng cũng đủ để soi bước mọi người chúng ta đi trong đêm tối cuộc đời, trước khi bước vào nguồn sáng vô tận là chính Thiên Chúa.

Lời kết

Hôm nay chúng ta vui vẻ tìm về Đức Giêsu là nguồn sáng đem lại sự sống vĩnh hằng để càng gần Người, càng kết hợp mật thiết với Người, ta càng toả sáng cho muôn loài trong trần thế. Đó là lời cầu chúc của Giáo Hội gửi tới chúng ta. Amen.

HKK