Các lãnh đạo châu Á ca ngợi hoạt động cho hoà bình, hoà hợp của Đức Biển Đức
Các lãnh đạo châu Á ca ngợi hoạt động cho hoà bình, hoà hợp của Đức Biển Đức
Các tín hữu kính viếng Đức Biển Đức (Vatican Media)
Trong tuyên bố đưa ra trong ngày 01/01, bà Sheikh Hasina, Thủ tướng Bangladesh, bày tỏ “sự bất ngờ và đau buồn sâu sắc về sự ra đi của Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức”. Bà Hasina nói: “Chính sách bất bạo động của Đức Biển Đức và việc dấn thân cho hoà bình toàn cầu của ngài sẽ luôn được nhớ mãi.”
Ông Arif Alvi, Tổng thống Pakistan ca ngợi Đức cố Giáo hoàng vì những nỗ lực cho hoà bình, hoà hợp và đối thoại liên tôn và gọi ngài là người bênh vực mạnh mẽ cho người tị nạn và di cư.
Tổng thống Yoon Suk Yeol của Hàn Quốc đã đến viếng và dâng hoa trong không gian tưởng nhớ Đức cố Giáo hoàng tại Toà Khâm sứ Hàn Quốc ở Seoul vào ngày 02/1. Phát ngôn viên của Đảng Quyền lực Nhân dân Park Jeong-ha ca ngợi sự can đảm từ nhiệm của Đức Biển Đức là “biểu tượng của sự đổi mới Giáo hội” và nói ngài sẽ được nhớ mãi vì đã sống “cuộc đời như một người hành hương”.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết Thủ tướng Fumio Kishida đã đề cập đến những đóng góp to lớn mà Đức Biển Đức đã thực hiện đối với hòa bình thế giới. Ông nói: “Nhật Bản vô cùng xúc động trước một sứ điệp mà Đức Biển Đức đã gửi sau thảm họa Fukushima năm 2011, khích lệ tinh thần cho người dân Nhật Bản.”
Ông Yaqut Cholil Qoumas, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Indonesia cho biết ông “đã nghe nhiều về” Đức Biển Đức là một mẫu gương về sự khiêm tốn. Chính trị gia của một quốc gia có đa số theo Hồi giáo nói: “Đức Biển Đức cũng là một nhân vật muốn thu hẹp sự khác biệt. Chuyến viếng thăm của ngài tới Đền thờ Hồi giáo Xanh ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 2006, đã thể hiện sự dấn thân của ngài trong việc thu hẹp sự khác biệt.” Ông Qoumas giải thích: “Vào thời điểm đó, Đức Biển Đức đã cùng các lãnh đạo Hồi giáo cầu nguyện trong thinh lặng. Ngoài sự khiêm tốn, những gì ngài đã làm cho thấy ngài là một người muốn vượt qua sự khác biệt và yêu chuộng hòa bình. Hy vọng những việc làm tốt lành của ngài sẽ được mọi người đón nhận.”
Trong một tuyên bố ngày đưa ra trong ngày 31/12, Tổng thống Đài Loan, Bà Thái Vân Anh cho biết bà đã phó cựu Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân, một người Công giáo, làm đặc phái viên của bà trong tang lễ của Đức cố Giáo hoàng “dựa trên tình hữu nghị sâu sắc giữa đất nước chúng tôi và Vatican”.
Ông Narendra Modi, Thủ tướng Ấn Độ, nói rằng Đức Giáo Hoàng Biển Đức sẽ được “nhớ đến vì sự phục vụ phong phú của ngài cho xã hội”. Theo Thủ tướng, là một thần học gia và học giả uyên bác, Đức Biển Đức đã làm nên lịch sử khi trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm sau 6 thế kỷ, đưa đến mật nghị bầu Đức Thánh Cha Phanxicô. Ông Modi viết trên mạng xã hội hôm 31/12: “Đức Biển Đức đã dành cả cuộc đời cho Giáo hội và giáo huấn của Chúa Kitô. Tôi nghĩ đến hàng triệu người trên thế giới đang đau buồn về sự ra đi của ngài.”
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2023-01/lanh-dao-chau-a-ca-ngoi-hoa-hinh-bien-duc.html