22/11/2024

Trời lạnh đề phòng bệnh mãn tính

Trời lạnh đề phòng bệnh mãn tính

Miền Bắc đang bước vào những đợt rét đậm của mùa đông, có nơi nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C. Nhiệt độ xuống thấp gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ, nhất là với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh mãn tính…

 

 

 

Trời lạnh đề phòng bệnh mãn tính - Ảnh 1.

Những ngày trời lạnh, người cao tuổi không nên đi tập thể dục sớm ngoài trời – Ảnh: NAM TRẦN

 

Các chuyên gia cũng cảnh báo một số bệnh mãn tính dễ chuyển biến nặng và cần cẩn trọng khi thời tiết lạnh.

 

Quan tâm người bệnh hô hấp, tim mạch

Theo bác sĩ Lê Văn Đáng – trưởng khoa nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), khi thời tiết chuyển lạnh cần cẩn trọng với bốn loại bệnh mãn tính thường gặp, trong đó bệnh lý hô hấp như phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản là hay gặp nhất. Khi thời tiết chuyển lạnh, người bị hen suyễn nhiễm lạnh sẽ làm cho tình trạng bệnh tái phát và trở nên nặng hơn.

Bệnh lý về tim mạch cũng là một trong những bệnh dễ trở nặng vào mùa đông. Do nhu cầu oxy của cơ tim tăng để duy trì nhiệt độ của cơ thể, nếu không đáp ứng được sẽ khiến tình trạng suy tim, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim tăng cao. Các bệnh lý liên quan đến thần kinh như đột quỵ não, nhồi máu não và xuất huyết não cũng rất phổ biến vào mùa đông. Đặc biệt, người cao tuổi, người có huyết áp cao cần cẩn trọng.

Bên cạnh đó, mùa lạnh tại miền Bắc thường trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, việc tụ tập ăn uống là không thể tránh khỏi. Những bệnh nhân có tiền sử dạ dày, các bệnh lý tiêu hóa, gan nhiễm mỡ… cũng có nguy cơ tiến triển bệnh nặng hơn.

 

Theo dõi sức khỏe thường xuyên

Để phòng tránh bệnh mãn tính tiến triển nặng hơn trong mùa lạnh, bác sĩ Đáng khuyến cáo người bệnh cần giữ ấm cơ thể, khẩu trang che kín mũi và hạn chế ra đường. Với những người mắc bệnh hen phế quản lưu ý cần tích trữ và mang theo các loại thuốc xịt bên mình.

“Nhiều bệnh nhân do ngại thời tiết lạnh không kiểm tra, theo dõi bệnh mãn tính thường xuyên dẫn đến bệnh tiến triển nặng hơn. Để hạn chế nguy cơ hình thành các đợt diễn biến cấp tính trên nền bệnh mãn tính ngoài việc duy trì một lối sống khoa học, người bệnh cần thường xuyên theo dõi và kiểm tra sức khỏe. Đặc biệt, người cao huyết áp cần theo dõi huyết áp thường xuyên để đề phòng nguy cơ đột quỵ”, bác sĩ Đáng cho hay.

Bên cạnh đó, để phòng đột quỵ – một trong những bệnh lý nguy hiểm thường gia tăng người mắc vào mùa đông, bác sĩ Tạ Đức Thao, khoa đột quỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khuyến cáo phòng ngủ nên kín gió, giữ đủ ấm cho cơ thể. Chú ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt. Nên uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh, không tắm trễ cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37oC là phù hợp nhất. Đặc biệt, người cao huyết áp cần theo dõi huyết áp thường xuyên để đề phòng nguy cơ đột quỵ.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo thông thường nhiệt độ xuống thấp vào buổi sáng và ban đêm. Người cao tuổi không nên dậy sớm để tập thể dục. Thay vào đó có thể tập thể dục trong nhà, nơi kín gió để phòng nhiễm lạnh. Người lớn tuổi không nên tắm và gội đầu cùng một thời điểm khi trời lạnh, mà nên tắm riêng, khi cơ thể ấm lại thì gội đầu hoặc ngược lại.

“Nhiều bệnh nhân do ngại thời tiết lạnh không kiểm tra, theo dõi bệnh mãn tính thường xuyên dẫn đến bệnh tiến triển nặng hơn. Để hạn chế nguy cơ hình thành các đợt diễn biến cấp tính trên nền bệnh mãn tính ngoài việc duy trì một lối sống khoa học, người bệnh cần thường xuyên theo dõi và kiểm tra sức khỏe”, bác sĩ Đáng cho hay.

 

Cách phòng bệnh cho trẻ khi trời lạnh

Theo Bệnh viện Nhi trung ương, các bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa đông lạnh là các bệnh cảm lạnh, đau mắt đỏ, bệnh đường hô hấp (viêm họng, mũi, xoang, viêm phế quản, viêm phổi…), bệnh tay chân miệng và tiêu chảy.

Để phòng tránh bệnh cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần mặc ấm cho trẻ, giữ môi trường ổn định, kín gió, đội mũ, quàng khăn khi ra ngoài. Vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh phòng ở, đồ chơi. Ăn uống đủ chất, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cho trẻ tập thể thao, vận động nơi kín gió, tránh đưa trẻ đến nơi đông người. Đồng thời, tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tuyệt đối cha mẹ không tự ý sử dụng thuốc điều trị.

Trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như tím tái, bỏ bú, bú kém, không ăn uống được, ngủ li bì khó đánh thức, co giật, thở có tiếng rít… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và xử lý kịp thời.

 

Bệnh truyền nhiễm hay gặp trong mùa đông – xuân

Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải – trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em Bệnh viện Nhi trung ương, các bệnh truyền nhiễm hay gặp trong mùa đông – xuân gồm: sởi, quai bị, cúm… Trong đó, bệnh sởi nổi lên năm 2014 – 2015 và nhờ chiến dịch tiêm ngừa toàn quốc tiến hành ngay sau dịch nên số mắc đã giảm mạnh những năm gần đây.

Tuy nhiên dịch cúm thì đều đặn xuất hiện hằng năm và thường tăng mạnh vào thời điểm thời tiết lạnh, ẩm, có mưa phùn (trước và sau Tết Nguyên đán). Theo bác sĩ Hải, thời điểm này khí hậu lạnh và ẩm khiến vi rút tồn tại lâu hơn trong môi trường, lây lan dễ dàng hơn. Bác sĩ cũng khuyến cáo hiện đã có vắc xin ngừa cúm, các gia đình xem xét tiêm ngừa để phòng bệnh, nhất là cho người già, trẻ em, phụ nữ chuẩn bị có thai…

HỒNG HÀ

DƯƠNG LIỄU
TTO