23/11/2024

Nhận biết để ngăn chặn hành vi tự sát

Nhận biết để ngăn chặn hành vi tự sát

Ý tưởng tự sát thường được ‘nuôi dưỡng’ qua thời gian dài, không phải bột phát. Vì vậy, nếu được quan tâm, nhận biết, hành vi này có thể được ngăn chặn.

 

 

 

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 703.000 người trên toàn thế giới chết vì tự sát mỗi năm. Khảo sát cộng đồng ở 21 quốc gia, WHO cho biết tỷ lệ toan tự sát trong 12 tháng khoảng 0,3 – 0,4% và trong suốt cuộc đời khoảng 3%.

Chia sẻ về nguyên nhân thường gặp dẫn đến tự sát, Th.S-BS Vũ Sơn Tùng, Phó trưởng phòng Điều trị rối loạn cảm xúc – Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết tự sát có rất nhiều nguyên nhân, có thể bắt nguồn từ stress trong cuộc sống gia đình (chuyện tình cảm, bố mẹ chia ly…); vấn đề kinh tế (làm ăn thua lỗ, nợ nần…) hoặc một số bệnh lý (như trầm cảm, rối loạn do sử dụng chất kích thích, rối loạn tâm thần phân liệt, hoang tưởng bị hại, bị theo dõi…). Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tự sát gồm: tiền sử toan tự sát, bất hạnh thời thơ ấu, sự tuyệt vọng, bệnh lý nội khoa, đau mạn tính… Nguy cơ tự sát gia tăng ở những người mà trong gia đình đã có người tự sát.

Nhận biết để ngăn chặn hành vi tự sát - ảnh 1
Chúng ta cần nhận biết và quan tâm nhiều hơn khi người thân có những vấn đề về tâm lý cần được hỗ trợ SHUTTERSTOCK

Rối loạn tâm thần là nguy cơ cao

Theo Viện Sức khỏe tâm thần, rối loạn tâm thần là một yếu tố dự báo mạnh mẽ về tự sát. Hơn 90% bệnh nhân (BN) toan tự sát bị rối loạn tâm thần và 95% BN tự sát hoàn thành được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. Mức độ nghiêm trọng của bệnh tâm thần có liên quan đến nguy cơ tự sát.

Các rối loạn tâm thần thường liên quan đến tự sát bao gồm: trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, nghiện rượu hoặc lạm dụng chất gây nghiện khác, tâm thần phân liệt rối loạn nhân cách, các rối loạn lo âu như rối loạn hoảng sợ, rối loạn stress sau sang chấn… Trong các yếu tố này, trầm cảm có mối tương quan mạnh nhất với tự sát. Trong số những BN trầm cảm, tiền sử toan tự sát có mối tương quan mạnh mẽ nhất với cảm giác vô dụng, không có giá trị.

Chuyên gia của Viện Sức khỏe tâm thần cũng lưu ý: Yếu tố bệnh lý mạn tính, trong đó bệnh mạn tính gây những khuyết tật trong sinh hoạt có thể làm gia tăng khả năng tự sát. Hoặc các rối loạn có khả năng gây chết như ung thư và nhiễm HIV cũng đã từng được ghi nhận liên quan hành vi tự sát.

 

Ảnh hưởng từ phương tiện truyền thông

Theo Viện Sức khỏe tâm thần, những thông tin của các phương tiện truyền thông về các trường hợp tử vong do tự sát cũng có thể liên quan đến sự gia tăng các vụ tự sát trong dân số sau đó.

Một đánh giá có hệ thống đã kiểm tra trên 31 nghiên cứu ở 14 quốc gia về các trường hợp tử vong do tự sát xảy ra trước và sau khi truyền thông đưa tin về tự sát, thời gian theo dõi trung bình truyền thông đưa tin trong 21 ngày.

Theo Viện Sức khỏe tâm thần, người có ý tưởng, hành vi tự sát được xác định là một trong những cấp cứu tâm thần. Do đó với những trường hợp này cần nhập viện ngay để theo dõi giám sát 24/7, đặc biệt là những trường hợp trầm cảm có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Trường hợp chưa có điều kiện để đưa người bệnh đến bệnh viện ngay thì cần có người ở sát bên cạnh 24/7.

Đặc biệt, khi thấy người bệnh đang rơi vào trạng thái kích động, đòi tự sát cao độ thì nên lập tức “hạ nhiệt” bằng những lời yêu thương, giúp họ có cảm giác được bao bọc, che chở. Tuyệt đối không được để người bệnh bị thêm các yếu tố kích động tinh thần. Ngoài ra, khi BN được ra viện thì vẫn cần điều trị củng cố, tránh tái phát.

Kết quả cho thấy, sau khi có báo cáo về các vụ tự sát của người nổi tiếng thì nguy cơ tự sát tăng 13%. Truyền thông đưa tin chi tiết về phương pháp tự sát (treo cổ, nhảy cầu…) thì nguy cơ tăng 30% số vụ tự sát bằng phương pháp tương tự.

Các chuyên gia khuyến nghị truyền thông đưa tin về tự sát nên sàng lọc cẩn thận và có trách nhiệm, tránh yếu tố giật gân và gây ra những ảnh hưởng không đáng có.

Ngoài ra, nguy cơ tự sát gia tăng ở những người sống một mình, mất người thân hoặc trải qua một mối quan hệ đổ vỡ trong vòng 1 năm. Kỷ niệm ngày mất đi một mối quan hệ đáng kể cũng là thời điểm gia tăng nguy cơ.

 

Ngăn ngừa tự sát

Theo Th.S-BS Vũ Sơn Tùng, thông thường khoảng 60% người có ý tưởng tự sát sẽ chuyển từ ý tưởng sang kế hoạch và từ kế hoạch sang toan tự sát ngay trong năm đầu tiên khi bắt đầu có ý định. Ý tưởng tự sát không phải bột phát mà được “nuôi dưỡng” qua thời gian dài.

Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác nếu thấy người nhà, người thân, người ta quan tâm và gần gũi có dự trữ thuốc (như paracetamol, thuốc hạ huyết áp…); mua dây điện, dây thừng (khi nhà không cần)…; nhận thấy họ ủ rũ nhiều hơn, buồn rầu, bế tắc, không thiết tha với các hoạt động xung quanh… Lúc này, cần đưa họ đi gặp bác sĩ có chuyên môn để có thể khai thác tốt hơn và can thiệp kịp thời. Không chủ quan để người bệnh ở nhà tự điều trị.

 

LIÊN CHÂU

TNO