22/11/2024

Giáo viên khốn khổ vì phụ huynh ‘canh’ camera: Cần bảo vệ quyền riêng tư trẻ em

Giáo viên khốn khổ vì phụ huynh ‘canh’ camera: Cần bảo vệ quyền riêng tư trẻ em

Nhiều chủ trường mầm non và các nhà làm giáo dục cho biết quan điểm của họ là không trực tuyến camera lớp học.

 

 

Điều này nhằm đảm bảo quyền riêng tư, hình ảnh, không gian riêng của cô và trẻ trong môi trường giáo dục – nơi mà giá trị của mỗi người đều cần được bảo vệ và tôn trọng.

 

Chỉ có camera an ninh

Cô Phan Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Canada – Việt Nam (CVK) tại TP.HCM, cho biết trường chủ trương không sử dụng camera trong lớp học vì đó là nơi diễn ra sinh hoạt hằng ngày của các học sinh (HS), hẳn nhiên cũng có hàng loạt những khoảnh khắc riêng tư.

Trong lớp học, thay vì có camera, hệ thống phòng học được thiết kế để có thể quan sát thông nhau giữa các khu vực giúp giáo viên có thể quan sát an toàn tuyệt đối trẻ cả ngày.

Trường chỉ có camera an ninh, lắp ở một số khu vực thuộc khuôn viên trường học như hành lang, sân chơi, các khu vực bị khuất, khó quan sát… Khi triển khai camera an ninh, trường có chính sách rõ ràng và thông báo cho giáo viên và HS, phụ huynh về lý do tại sao camera được lắp và khẳng định ưu tiên của nhà trường là bảo vệ sự an toàn cho tất cả trẻ, giáo viên và nhân viên.

“Thay vì biến lớp trở thành nơi công cộng, cần soi xét, canh chừng cho cả giáo viên và trẻ, chúng tôi tập trung vào việc xây dựng sự kết nối của trẻ: kết nối với bản thân giúp trẻ tìm thấy hạnh phúc và sự tự tin bên trong; kết nối với thiên nhiên giúp trẻ gần gũi và trân trọng cuộc sống; kết nối với bạn bè, với người lớn để các trẻ cảm thấy yêu đời và có thêm niềm vui khi cho và nhận”, cô Hà nói.

Giáo viên khốn khổ vì phụ huynh 'canh' camera: Cần bảo vệ quyền riêng tư trẻ em - ảnh 1

 

Khoảnh khắc hạnh phúc của trẻ em Trường Sài Gòn Nhỏ – Little Saigon Kindergarten, TP.HCM NGUYỄN CHI

Chị Nguyễn Thị Kim Chi, nhà sáng lập Hệ thống trường mầm non Sài Gòn Nhỏ – Little Saigon Kindergarten (TP.HCM), cho biết trường thành lập từ năm 2016 đến nay, cơ sở đầu tiên không lắp camera. Khi trường phát triển thành hệ thống thì mới lắp đặt camera nhưng chỉ để nội bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho các bé, đây cũng là một kênh quản lý nội bộ, đảm bảo các quy trình, chương trình, giờ giấc sinh hoạt của bé để xây dựng chương trình đào tạo, giúp các cô nâng cao chuyên môn.

Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực giáo dục mầm non, chị Chi nêu rõ quan điểm không trực tuyến camera lớp học tới phụ huynh. “Cần phải đảm bảo quyền riêng tư, hình ảnh, không gian riêng của cô và trẻ trong môi trường giáo dục mà ở đó giá trị của mỗi người đều được bảo vệ và tôn trọng. Tiếp đến là đảm bảo chất lượng của trường dành cho trẻ, để các cô làm việc đầy năng lượng với trẻ mà không bị các tác nhân bên ngoài tác động làm ảnh hưởng đến chất lượng đó như việc phải nghe điện thoại riêng trong giờ làm việc với trẻ, phản hồi những mong muốn không chính đáng từ phụ huynh. Và đồng thời việc này cũng giúp bảo vệ tài sản của trường, cả tài sản hữu hình và vô hình như chương trình, quy trình độc đáo của từng trường”, chị Chi chia sẻ.

Giáo viên khốn khổ vì phụ huynh 'canh' camera: Cần bảo vệ quyền riêng tư trẻ em - ảnh 2
Nhiều chủ trường mầm non và các nhà làm giáo dục cho rằng không nên trực tuyến camera lớp học  THÚY HẰNG

Phải bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em

Từ góc độ người làm giáo dục, chị Trần Thị Lệ Hằng, sáng lập “Kỷ luật yêu thương” – tổ chức đào tạo phụ huynh và giáo viên, và cũng từng có nhiều năm làm hiệu trưởng một trường mầm non song ngữ, cho hay chị ủng hộ phương án không lắp camera trong lớp cũng như không để phụ huynh theo dõi camera trực tuyến. Theo chị Hằng, điều này không chỉ tốt cho giáo viên mà còn có lợi cho tất cả các trẻ, vì chúng ta đang bảo vệ quyền riêng tư của trẻ.

“Tôi đi tới một số quốc gia phát triển có nền giáo dục hiện đại trên thế giới thì không đâu lắp camera trong lớp và “share link” thoải mái cho tất cả phụ huynh như thế cả. Như thế là vi phạm quyền cá nhân của từng trẻ. Bạn đòi hỏi xem camera trong lớp học là đang thiếu hiểu biết về quyền trẻ em”, chị Lệ Hằng nói. Một phụ huynh đang xem camera trực tuyến, phụ huynh đó không chỉ xem hình ảnh của riêng con họ mà còn nhìn thêm mười mấy, hai mươi bé khác. Họ có thể chụp màn hình, chia sẻ video tới những đâu, vì mục đích nào, không ai biết trước, quyền của con em bị xâm phạm mà phụ huynh không hề hay biết.

 

Sở GD-ĐT nói gì ?

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc có nên để phụ huynh xem camera, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc này không nên, ảnh hưởng quyền riêng tư của trẻ khác và ảnh hưởng sinh hoạt cá nhân của cô và trẻ.

“Việc lắp camera để trường giám sát là phần lớn, còn trực tuyến cho phụ huynh xem là không nên. Ở nước ngoài, con nhà người ta bị người khác nhìn cũng là không thích, là vi phạm quyền riêng tư rồi. Đồng ý là trường có camera nội bộ để quản lý, nhưng chỉ khi nào phụ huynh cần xem, nhà trường sẽ để phụ huynh xem chứ không xem trực tuyến. Khi chia sẻ hình ảnh camera trực tuyến tới khắp nơi như vậy quyền riêng tư của trẻ không được đảm bảo, nó rất nguy hiểm, không an toàn cho trẻ em”, bà Điệp nói

Ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia về hướng nghiệp, nghề nghiệp và khởi nghiệp, tác giả sách Hướng nghiệp 4.0, cho biết chưa bao giờ ông ủng hộ việc cho mọi phụ huynh được theo dõi camera trực tuyến trong lớp học của con.

“Điều này gây áp lực cho giáo viên, và vi phạm quyền riêng tư của trẻ em. Lắp camera ở sân chơi, hành lang, cầu thang… để đảm bảo sự an toàn của trẻ là cần thiết, nhưng không phải chia sẻ khắp nơi cho phụ huynh. Hình ảnh từ các camera nội bộ này được lưu ở đâu, khi có vấn đề gì thì gặp ai để được trích xuất, nếu có hacker và hình ảnh các bé bị lợi dụng vì mục đích khác thì ai chịu trách nhiệm”, ông Vũ Tuấn Anh nói.

Còn cô Phan Thị Thu Hà cho hay trường học hạnh phúc là nơi mọi người được làm việc hạnh phúc, tin tưởng và tôn trọng nhau. Việc được tin tưởng để thực hiện công việc mà không cần có sự giám sát liên tục qua camera là quyền lợi của các cô giáo. “Chúng tôi hiểu được nguyên nhân phản đối giám sát video trong trường học và sự xâm phạm quyền riêng tư của HS, giáo viên. Ngoài ra còn có một điều không thể không nói đến chính là tầm quan trọng của sự minh bạch. Khi nhà trường lắp đặt camera, giáo viên và HS có thể cảm thấy như đang bị theo dõi và không được tin tưởng. Từ đó, có khả năng cư xử, hành động, diễn xuất không đúng với bản tính, bản năng vốn có. Vậy thì tính minh bạch và con người thật sẽ không còn. Đôi khi, điều đó hoàn toàn không tốt”, cô Hà thẳng thắn.

 

Quy định sử dụng camera của các nước

Luật pháp các nước trên thế giới cho phép lắp đặt camera an ninh (CCTV) trong trường học để giám sát những khu vực không gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư cá nhân như hành lang, sân trường, thư viện…

Chẳng hạn, ở Mỹ, CCTV được sử dụng tại 91% trường học công lập toàn quốc nhằm đảm bảo an toàn, giám sát hành vi không phù hợp của HS và phòng chống bạo lực học đường…, theo báo cáo của Trung tâm quốc gia về thống kê giáo dục (NCES, Mỹ). Đối với CCTV được lắp đặt trong lớp học, chính quyền mỗi bang có quy định riêng. Các học khu phải trưng cầu ý kiến và được sự đồng thuận của phụ huynh mới có thể lắp đặt CCTV trong lớp học.

Quy định và luật pháp của các nước có thể khác nhau nhưng đa số không cho phép phụ huynh tiếp cận video từ CCTV trong khu vực chung tại trường. Nếu phụ huynh muốn xem thì phải yêu cầu, lý do cụ thể và có sự đồng ý của nhà trường. Bên cạnh đó, chỉ những phụ huynh của HS trong cùng một lớp mới được xem video trực tiếp từ CCTV đặt trong lớp.

Phúc Duy

 

THUÝ HẰNG

TNO