24/11/2024

Trường đại học siết chặt đào tạo tiếng Anh

Trường đại học siết chặt đào tạo tiếng Anh

Thay vì để người học chủ động hoàn thành các chứng chỉ tiếng Anh theo quy định, năm học 2022 – 2023, nhiều trường đại học có biện pháp siết chặt hơn việc đào tạo tiếng Anh cho sinh viên.

 

 

Nhiều trường chuyển tiếng Anh thành học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo. Có trường lại yêu cầu người học cần đạt được chuẩn tiếng Anh ngay trong quá trình học đại học (ĐH) thay vì đợi đến khi tốt nghiệp.

Trường đại học siết chặt đào tạo tiếng Anh - ảnh 1

 

Sinh viên có thể tham gia các câu lạc bộ để tăng cường tiếng Anh  LÊ THANH

Chuyển thành học phần bắt buộc

ĐH Quốc gia Hà Nội vừa ban hành Quy chế đào tạo bậc ĐH, trong đó có một điểm mới đáng chú ý liên quan đến việc dạy học ngoại ngữ. Theo quy định của ĐH này, sinh viên (SV) cần đạt chuẩn đầu ra trình độ tương đương bậc 3 hoặc bậc 4 tùy vào chương trình đào tạo áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN.

Quy chế này quy định học phần ngoại ngữ trong chương trình đào tạo là bắt buộc, SV phải học lấy điểm tích lũy và được tính vào điểm trung bình chung trong kết quả học tập của toàn khóa. Điều này khác biệt hoàn toàn so với quy chế đào tạo được ban hành năm 2014 khi quy định ngoại ngữ là một trong các học phần điều kiện. Kết quả đánh giá các học phần điều kiện không tính vào điểm trung bình chung học kỳ, điểm trung bình chung các học phần và điểm trung bình chung tích lũy và chỉ là điều kiện để xét tốt nghiệp.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết trước đây trường công bố chuẩn đầu ra tiếng Anh mà SV cần đạt được khi ra trường và “khoán” hẳn cho người học về chứng chỉ cần đạt được khi xét tốt nghiệp. Với cách làm cũ, SV không có tinh thần tự giác cao đã không hoàn thành được chuẩn ngoại ngữ. Có không ít SV hoàn thành các học phần khác với kết quả rất tốt nhưng không đạt chuẩn ngoại ngữ nên không tốt nghiệp được. Do vậy, theo GS Đình Đức, sự thay đổi này của trường vừa tạo thuận lợi hơn cho người học vừa nhằm tăng chất lượng đào tạo của nhà trường.

Quy định này nhằm kiểm soát tiến độ học tập để đạt được chuẩn đầu ra ngoại ngữ trước thời điểm xét tốt nghiệp.

Tiến sĩ PHẠM TẤN HẠ

(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM)

Thực tế này được nhìn thấy từ kết quả xét tốt nghiệp đợt tháng 6 năm nay của Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) với SV khóa 2018 và các khóa từ 2017 trở về trước. Theo danh sách trường công bố trên trang thông tin điện tử, đợt xét tốt nghiệp này chỉ có 323 SV đủ điều kiện tốt nghiệp. Hơn 900 SV còn lại chưa được tốt nghiệp, phần lớn do chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ và tỷ lệ SV tốt nghiệp chỉ đạt khoảng 25%. Đáng chú ý là có rất nhiều SV có điểm trung bình tích lũy xếp loại giỏi và xuất sắc nhưng chưa thể tốt nghiệp trong đợt này do nợ chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Tình trạng tương tự cũng được thấy ở Trường ĐH Luật TP.HCM trong đợt xét tốt nghiệp đợt 1 năm nay với SV lớp QTL42 và khóa 43 ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh và ngôn ngữ Anh. Trong số gần 1.800 SV, khoảng 30% chưa đủ điều kiện tốt nghiệp, phần lớn do chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ.

 

Tiếng Anh không đạt, chưa được đăng ký môn khác

Trong khi đó, ở hầu hết các trường ĐH, ngoại ngữ là một học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo từ trước tới nay. Thậm chí, nhiều trường tăng số tín chỉ môn học này để giúp SV hoàn thành được chuẩn đầu ra theo quy định chung bậc ĐH là bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho VN. Nhưng không chỉ là học phần bắt buộc, một số trường còn có quy định cứng về tiến độ cần đạt được ở môn ngoại ngữ theo từng giai đoạn học ĐH.

Ý KIẾN

Với chuẩn đầu ra tiếng Anh tương đương IELTS 5.5 điểm, em có thể tập trung ôn luyện trong khoảng thời gian từ 3 – 6 tháng để hoàn thành. Do vậy, cá nhân em cho rằng việc các trường yêu cầu SV phải học tiếng Anh bắt buộc trong từng học kỳ là không cần thiết. Nhưng nếu không bắt buộc học tiếng Anh trong chương trình, những SV không có nền tảng tiếng Anh tốt từ ban đầu cần có sự chủ động tốt để đạt được chuẩn đầu ra đúng tiến độ.

L.U.P (SV chương trình chất lượng cao Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM)

Các trường ĐH có những biện pháp siết chặt hơn việc học tiếng Anh với SV là cần thiết, bởi thực tế số lượng không nhỏ SV không thể tốt nghiệp đúng hạn do nợ chuẩn này. Đây sẽ là điều kiện ràng buộc cần thiết với những SV không có nền tảng tiếng Anh tốt, từ đó giúp các bạn có động lực hơn trong việc học để đạt chuẩn đầu ra. Còn với những SV giỏi ngoại ngữ, các trường đều có những quy định miễn học và thi với học phần này trong chương trình chính khóa.

Nguyễn Duy Kiên (SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết trường quy định ngoại ngữ là học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo cho SV hệ chính quy tập trung với thời lượng 10 tín chỉ. Trừ những trường hợp đủ điều kiện miễn học và thi, SV còn lại phải tham gia học ngoại ngữ không chuyên và tham dự kỳ kiểm tra trình độ cuối kỳ, nếu đạt mới được đăng ký học bậc tiếp theo. Đáng chú ý, trường này yêu cầu sau 4 học kỳ, SV phải đạt trình độ A2 theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu mới được đăng ký học tiếp năm thứ 3. “Quy định này nhằm kiểm soát tiến độ học tập để đạt được chuẩn đầu ra ngoại ngữ trước thời điểm xét tốt nghiệp”, tiến sĩ Hạ cho hay.

Với chuẩn đầu ra tiếng Anh tương đương IELTS 5.0 – 6.0 tùy chương trình đào tạo, Trường ĐH Kinh tế – Luật cũng có quy định khá chặt về việc học tiếng Anh trong chương trình chính khóa. Theo đó, trường đưa ra chuẩn tiếng Anh SV phải đạt trong quá trình học tại nhiều thời điểm: trước khi bắt đầu học kỳ 1 năm nhất, trước khi bắt đầu học kỳ 1 năm 2 và trước khi xét tốt nghiệp. Nếu SV không đạt được chuẩn tiếng Anh trong quá trình học sẽ bị giới hạn số tín chỉ đăng ký, cụ thể chỉ được đăng ký tối đa 12 tín chỉ/học kỳ. Điểm trung bình các học phần chính khóa được quản lý liên tục trong suốt quá trình đào tạo, được tính vào tín chỉ trung bình học kỳ để xét học bổng và thể hiện trên bảng điểm tốt nghiệp như một khối kiến thức chuyên biệt thể hiện khả năng tiếng Anh của sinh viên.

Trường đại học siết chặt đào tạo tiếng Anh - ảnh 2
Sinh viên có nhiều cách để trau dồi kỹ năng học tiếng Anh LÊ THANH

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng có quy định chuẩn trình độ tiếng Anh trong từng giai đoạn học của SV từ năm 2021. Cụ thể, để bắt đầu học phần tiếng Anh đầu tiên, SV chương trình chuẩn ĐH chính quy phải có điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh hoặc điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12 từ 5 trở lên. Điều kiện để SV đăng ký học tiếp các học phần của học kỳ 5 là phải đạt học phần tiếng Anh phần 1 và 2. Tiếp đó, người học cần đạt học phần tiếng Anh 3 và 4 mới được đăng ký học tiếp học phần của học kỳ 7 (đăng ký khóa luận tốt nghiệp hoặc học kỳ doanh nghiệp). Nếu không đạt được chuẩn tiếng Anh trong quá trình học, SV bị giới hạn số tín chỉ đăng ký ở mức tối đa 10 tín chỉ/học kỳ.

SV chương trình đại trà Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM từ khóa 2019 trở đi cũng cần có chứng chỉ tương đương TOEIC 350 điểm sau 2 học kỳ đầu tiên kể từ thời điểm nhập học. Sau 4 học kỳ, SV cần đạt TOEIC 400, sau 6 học kỳ đạt mức 450 điểm trước khi đạt chuẩn đầu ra theo quy định ở thời điểm xét tốt nghiệp.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lại đưa ra lộ trình trong 5 học kỳ đầu SV phải hoàn tất 12 tín chỉ tiếng Anh, có thể học tại trung tâm phát triển ngôn ngữ của trường hoặc ở các trung tâm bên ngoài. Đợt tốt nghiệp tháng 8 của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trong số 3.848 SV thì cũng chỉ có 1.171 người tốt nghiệp đúng tiến độ. Hơn 2.600 SV còn lại tốt nghiệp trễ do nợ môn, nợ điểm rèn luyện và đặc biệt là nợ chuẩn đầu ra tiếng Anh.

 

HÀ ÁNH

TNO