24/11/2024

Thời sự Dân sinh Bỏ sổ hộ khẩu: Ngày D đã cận kề…

Bỏ sổ hộ khẩu: Ngày D đã cận kề…

Trước giờ “khai tử” sổ hộ khẩu (ngày 1.1.2023), nhiều địa phương vẫn còn khá băn khoăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân trong bối cảnh không phải cán bộ, công chức nào cũng được cấp quyền truy cập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 

 

Nhiều thủ tục hiện cần xuất trình sổ hộ khẩu

Ông Võ Văn An, Chủ tịch UBND P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết một số thủ tục cần xuất trình bản chính sổ hộ khẩu như: khai sinh, khai tử, kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, làm hồ sơ hưởng chế độ bảo trợ xã hội… Lý do, nếu không có sổ hộ khẩu thì công chức phường không xác định được địa chỉ cư trú, thời gian cư trú.

Bỏ sổ hộ khẩu: Ngày D đã cận kề... - ảnh 1
Công an TP.HCM khuyến nghị người dân làm CCCD gắn chip để thuận tiện hơn khi giải quyết thủ tục hành chính NHẬT THỊNH

Trong các thủ tục được thực hiện tại UBND cấp xã, người dân và công chức quan tâm nhất là thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, bởi theo quy định, UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng phải tổng hợp và cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Theo quy trình, muốn xác nhận thì phải biết được người dân nhập khẩu lúc nào, cắt khẩu lúc nào, và 2 thông tin này chỉ thể hiện trên sổ hộ khẩu chứ không thể dựa vào mã số định danh cá nhân, xác nhận thông tin cư trú, giấy thu hồi sổ hộ khẩu. “Tuy nhiên, hiện nay do không thể truy cập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên công chức phường không biết được quá trình sinh sống của người dân từng ở những đâu. Những trường hợp này, công chức phường phải hỏi người dân có bản photocopy sổ hộ khẩu không, nếu không thì hướng dẫn người dân đi trích lục hoặc giao công an phường hỗ trợ trích lục”, ông An nói thêm.

Hiện nay do không thể truy cập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên công chức phường không biết được quá trình sinh sống của người dân từng ở những đâu. Những trường hợp này, công chức phường phải hỏi người dân có bản photocopy sổ hộ khẩu không, nếu không thì hướng dẫn người dân đi trích lục hoặc giao công an phường hỗ trợ trích lục.

Ông VÕ VĂN AN, Chủ tịch UBND P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM

Một bất cập khác là nhiều đơn vị chưa được đầu tư thiết bị đọc thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip nên công chức phải dùng ứng dụng Zalo để đọc. Thế nhưng ứng dụng này quét mã QR trên thẻ CCCD gắn chip chỉ hiện ra 7 trường thông tin cơ bản: số định danh cá nhân, số CMND, họ tên, năm sinh, giới tính, nơi thường trú, ngày cấp CCCD. “Cách làm này chỉ dùng để đối chiếu, so sánh khi có nghi ngờ chứ không có giá trị về mặt pháp lý”, phó chủ tịch UBND một phường ở TP.Thủ Đức nói và nhận định 7 trường thông tin nêu trên không giải quyết được nhiều.

Vị này cho biết thêm, khoản 7, Điều 24 Nghị định 87/2020 của Chính phủ quy định sau khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, sử dụng thống nhất trên toàn quốc thì cơ quan chức năng sẽ sử dụng dữ liệu này và không được yêu cầu nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Như vậy, người dân sẽ không phải mất công đi làm thủ tục xác nhận tình trạng độc thân nếu dữ liệu dân cư được liên thông. Tuy nhiên, hiện Bộ Tư pháp và Bộ Công an mới liên thông dữ liệu về mã số định danh cá nhân, còn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn chưa được liên thông.

Bỏ sổ hộ khẩu: Ngày D đã cận kề... - ảnh 2
Từ 1.1.2023, sổ hộ khẩu sẽ bị bãi bỏ trong các thủ tục hành chính NGỌC DƯƠNG

Dùng giấy tờ gì thay thế ?

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết hiện có 14 văn bản quy định phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi giải quyết thủ tục hành chính. Sở Tư pháp đã phối hợp Công an TP.HCM báo cáo UBND TP.HCM xử lý 11 văn bản, gồm 2 nghị quyết của HĐND TP.HCM và 9 quyết định của UBND TP.HCM.

Từ giữa tháng 10.2022, UBND TP.HCM có văn bản hướng dẫn bộ phận tiếp nhận hồ sơ của các sở ngành, quận huyện triển khai 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Cụ thể, các phương thức gồm: thẻ CCCD gắn chip, thiết bị đọc mã QR Code trên thẻ CCCD gắn chip, thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD thông thường, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng VNeID, giấy xác nhận thông tin về cư trú, thông báo số định danh cá nhân.

 

Không có sổ hộ khẩu, rút bảo hiểm xã hội một lần được không ?

Trước thắc mắc nói trên của một số người dân, BHXH TP.HCM cho biết hồ sơ giải quyết trợ cấp BHXH một lần không cần sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú. Cụ thể, hồ sơ chỉ gồm: sổ BHXH (sổ loại 24, 46 trang hoặc tờ bìa sổ), các tờ rời sổ BHXH kèm theo, Mẫu số C15-TS (nếu có) và Đơn đề nghị theo Mẫu số 14-HSB.

Tùy từng trường hợp sẽ bổ sung thêm một số giấy tờ như đối với người ra nước ngoài để định cư; người mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, AIDS… Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ, người lao động cần cung cấp bản chính CMND hoặc thẻ CCCD hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh để đối chiếu.

Một thay đổi khác khi bỏ sổ hộ khẩu là liên quan đến việc tham gia BHYT hộ gia đình. Các cơ quan chức năng sẽ có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục khi mua BHYT hộ gia đình đối với những hộ đã bị thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc những hộ đăng ký thường trú, tạm trú sau ngày 1.7 (tức không được cấp sổ mới).

 

Phạm Thu Ngân

Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết đã có sự chuẩn bị để ngày 15.12 các thủ tục yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ được thực hiện bằng các phương thức khác để sau ngày 31.12.2022 thực hiện đồng bộ trên cả nước. Công an phường, xã có trách nhiệm đáp ứng việc cấp thông báo số định danh cá nhân (mẫu CT01) và xác nhận thông tin về cư trú (mẫu CT07, Thông tư 56/2021 của Bộ Công an) để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, công an và các ngành sẽ tiếp tục trang bị cơ bản về máy móc, điều chỉnh ứng dụng để người dân sử dụng thuận tiện.

Đối với tài khoản định danh điện tử, đến nay Công an TP.HCM đã cấp 1,2 triệu tài khoản. Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06 – Công an TP.HCM), cho hay tài khoản định danh điện tử có nhiều tính năng ưu việt, ngoài chức năng như CCCD vật lý thì còn tích hợp thông tin nhiều loại giấy tờ như: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, BHYT, BHXH. Các tài khoản được tích hợp ở mức độ 2 thì có thể dùng tài khoản định danh điện tử giao dịch mà không cần mang theo giấy tờ khác.

Bỏ sổ hộ khẩu: Ngày D đã cận kề... - ảnh 3
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND P.14, Q.5

Về tính bảo mật, lãnh đạo PC06 khẳng định tài khoản định danh điện tử là duy nhất và bảo mật tuyệt đối, được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật, thuật toán tiên tiến để nâng cao bảo mật, kẻ xấu khó có thể xâm nhập cơ sở dữ liệu để lấy cắp thông tin công dân. Đối với việc cài đặt ứng dụng VNeID, thượng tá Lãnh cho biết đây là ứng dụng công dân số quốc gia, do Bộ Công an xây dựng, phát triển, dùng để giao dịch hành chính trên môi trường điện tử và an toàn tuyệt đối. Các thông tin cá nhân không lưu trên thiết bị mà lưu trên hệ thống định danh điện tử nên không thể bị lấy cắp, truy cập trái phép từ các phần mềm độc hại trên điện thoại.

 

SỸ ĐÔNG

TNO