Làm sao thực phẩm trong tủ lạnh giữ độ tươi, an toàn và giá trị dinh dưỡng?
Làm sao thực phẩm trong tủ lạnh giữ độ tươi, an toàn và giá trị dinh dưỡng?
Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần đưa thực phẩm vào tủ lạnh thì chúng sẽ được bảo quản tươi ngon. Tuy nhiên, việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách cần chú ý an toàn và tuỳ loại nên đặt ở ngăn mát hay ngăn đông cho phù hợp.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – chủ tịch Liên chi hội dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM – cho rằng khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách thì sẽ giữ được độ tươi ngon, đảm bảo các giá trị dinh dưỡng.
Ngược lại nếu bảo quản không đúng cách, thực phẩm bị hư thối, nhiễm khuẩn, khi ăn vào có thể gây tổn thương đường tiêu hóa, ngộ độc cấp tính, thậm chí có thể gây ung thư nếu sử dụng thực phẩm không an toàn trong thời gian dài.
Do đó cần chú ý bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách. Cụ thể, những thực phẩm có thể bảo quản ngăn mát tủ lạnh gồm rau, sữa, bơ, trứng, thức ăn đã nấu chín…
– Với rau có lá, nên cắt sạch phần gốc, không để dính nước và bọc trong túi ni lông thì có thể để 5 ngày vẫn đảm bảo được giá trị dinh dưỡng. Thức ăn đã được nấu chín, dự kiến ăn ngay trong ngày phải cất vào hộp đựng thực phẩm.
– Các loại rau thân mềm có nhiều nước như mồng tơi thì nên sử dụng trong vòng 3 ngày thì sẽ đảm bảo được lượng vitamin trong rau vẫn còn. Cà chua nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, nếu cất giữ trong tủ lạnh sẽ làm hỏng lớp màng bên trong, làm thay đổi hương vị, cà chua sẽ bị nhạt, mất giá trị dinh dưỡng.
– Với trứng nên để trong tủ lạnh ở ngăn để trứng, có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 5 độ C trong vòng 30-45 ngày (với điều kiện không được rửa trứng qua nước). Trứng đã để trong tủ lạnh khi lấy ra môi trường bên ngoài phải sử dụng luôn để đảm bảo giá trị dinh dưỡng.
Ở ngăn đông phải đảm bảo nhiệt độ dưới -15 độ C. Các loại thịt cá, hải sản nên chia thành từng phần nhỏ đủ lượng ăn trong ngày, có thể bảo quản ngăn đông một tháng mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng.
Khi sử dụng, rã đông thực phẩm bằng cách cho thực phẩm từ ngăn đá xuống ngăn mát để làm tăng nhiệt độ từ từ, sau đó mang ra ngoài nhiệt độ phòng thì thực phẩm sẽ tan đá và không bị mất chất dinh dưỡng.
Đối với hoa quả thì bảo quản ở ngăn riêng, không để táo chung với các loại quả khác vì khí ethylene trong táo tỏa ra khiến các loại quả khác nhanh chín hơn.
Riêng chuối không nên bảo quản tủ lạnh vì dễ thâm, nhũn thì mất giá trị dinh dưỡng. Nếu để trong tủ lạnh phải bọc cuống lại để chuối được tươi lâu hơn.
Bác sĩ Diệp lưu ý thêm, nguyên tắc sử dụng thực phẩm là thực phẩm nào mua trước thì sử dụng trước. Thực phẩm tươi sống nhiều nước như tôm, cá nên ăn trước. Mỗi ngày nên ăn đầy đủ, đa dạng thực phẩm từ các nhóm chất dinh dưỡng.
“Mỗi gia đình cần có ý thức thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách không tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh quá nhiều. Khi nghi ngờ thực phẩm không an toàn thì không nên sử dụng”, bác sĩ Diệp khuyến cáo.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương… mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.