Chúa Nhật I Mùa Vọng A 2023: Mùa Vọng Vĩnh Hằng

Chúa Nhật I Mùa Vọng A 2023

Mùa Vọng Vĩnh Hằng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Khi chúng ta bắt đầu năm phụng vụ mới với Mùa Vọng là bắt đầu một cuộc hành trình mới trong đức tin với niềm hy vọng Chúa đến trong cuộc đời của mình. Các bài Thánh Kinh hôm nay đều diễn tả những lần Chúa đến và mời gọi chúng ta luôn cảnh giác để gặp được Người.

1. Ba lần Chúa đến

Giáo Hội thường nhắc nhở ta về 3 lần Chúa đến. Lần đến thứ nhất, trong quá khứ, cách đây hơn 2000 năm, khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người qua mầu nhiệm Nhập Thể để đến với muôn loài bằng cuộc giáng sinh tại Bêlem. Người đến để cứu độ khi hoà giải tất cả với Chúa Cha bằng tình yêu. Người đã yêu thương cho đến chết trên thập giá và sống lại để đem lại cho muôn vật muôn loài niềm hy vọng tuyệt vời.

Lần đến thứ hai đang thực hiện trong hiện tại. Chúa đến với mỗi người chúng ta mang theo ơn lành, tình yêu, quyền năng để ta thể hiện niềm hy vọng cứu độ đó cho muôn loài đang sống với ta trong cuộc đời trần thế.

Lần đến thứ ba thực hiện trong tương lai. Người sẽ đến trong vinh quang với tất cả thần thánh để chia sẻ tình yêu và hạnh phúc vĩnh hằng cho tất cả như muôn loài vẫn trông mong. Tuy nhiên, lần Chúa đến này rất bất ngờ nên đòi hỏi ta phải tỉnh táo và cảnh giác như lời Chúa Giêsu nhắc nhở: “Vậy anh em hãy tỉnh táo, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến. Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,42-44).

Audio - Chờ đợi Chúa đến

2. Cuộc đời chúng ta là một Mùa Vọng Vĩnh Hằng

Như thế, có thể nói rằng toàn bộ đời ta là một Mùa Vọng Vĩnh Hằng bởi vì lúc nào ta cũng sống trong niềm hy vọng rằng Chúa đến với ta để giải thoát ta khỏi bị lệ thuộc vào vật chất, không gian và thời gian.

Chúa đến để nối kết những điểm của thời gian: quá khứ, hiện tại, tương lai. Thời gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất cùng với không gian, trong đó vật chất vận động, phát triển không ngừng. Chúng ta có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người yêu, bạn bè sống ở những khoảng thời gian khác nhau. Khi vượt qua thời gian là chúng ta sẽ gặp gỡ được tất cả những người ấy trong Chúa. Đó phải là một niềm vui vô cùng lớn lao và chúng ta luôn hy vọng sẽ đạt được niềm vui này.

Chúa còn đến để nối kết mọi không gian xa cách. Không gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất, trong đó vật chất to nhỏ, dài ngắn khác nhau, vật này ở cách xa vật kia, nước này ở cách xa nước nọ… Không gian ấy trải rộng ra cả vũ trụ bao la với hàng trăm ngàn thiên hà, mỗi thiên hà có hàng trăm triệu ngôi sao. Khi Chúa đến, Ngài sẽ nối kết tất cả những không gian xa cách đó để làm cho chúng xích lại gần nhau và hoà nhập trong nhau!

Lúc đó chúng ta không còn xa lạ vì người Bắc, kẻ Nam, không còn phân biệt chủng tộc vì là người Việt Nam, Hoa Kỳ hay Trung Quốc nữa vì tất cả đều là anh chị em ruột thịt của nhau trong đại gia đình Thiên Chúa. Chúng ta hy vọng được nối kết trọn vẹn với nhau, không còn lo sợ vì những cuộc chiến tranh như đang xảy ra ở Ucraina hay vật giá leo thang do xung đột kinh tế nữa. Thánh Phaolô đã đã từng gợi ý: “Anh em không còn là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ nhưng tất cả chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28).

C:\Users\tingu\Documents\ViberDownloads\0-02-0a-46cdd4ae9ccc119fed927a1803d273e35777abd8f7484b6b25d99d33610d4217_9d1a581aef977543.jpg

Nhiều bộ phim ngày nay kể về những người “xuyên không”, vượt khỏi những giới hạn của vật chất, không gian và thời gian. Nhưng đó chỉ là những chuyện giả tưởng và ảo tưởng. Còn chúng ta có thể thực hiện ngay từ bây giờ với ơn Chúa như nhiều vị thánh đã minh chứng cho ta.

Vậy Mùa Vọng chính là thời điểm dẫn ta đi vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa để Ngài đưa ta vượt qua những ngăn cản của vật chất, hoà nhập vào thời gian vĩnh hằng và vào không gian kỳ diệu của Ngài. Ta có bao giờ mơ ước điều đó không?

3. Để đạt được niềm hy vọng vĩnh hằng này, ta cần phải làm gì?

Các bài Thánh Kinh hôm nay nói cho chúng ta về việc Chúa sẽ đến. Qua Bài đọc I (x. Is 2,1-5), tiên tri Isaia nói rằng: Chúa sẽ quy tụ tất cả mọi dân tộc, và giúp cho họ cảm nghiệm được hoà bình. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau. Tất cả sẽ cùng bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa. Niềm hy vọng đó đã được thực hiện khi Đức Giêsu đến lần đầu tiên và Người sẽ đến trong vinh quang để hoàn thành tất cả những gì Isaia loan báo.

Qua Bài đọc II (x. Rm 13,11-14), Thánh Phaolô mời gọi ta chuẩn bị cho cuộc Chúa đến bằng cách: “loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tuông. Nhưng ta hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô”, nghĩa là mang lấy những tâm tình của Chúa Kitô và hành động như Người. Sống như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ cảm nghiệm được Chúa Giêsu đang đến trong cuộc đời của mình. Người chính là bộ áo đặc biệt giúp ta xuyên không để bước vào không gian và thời gian kỳ diệu của thế giới tâm linh.

Nhiều người đang lo sợ không biết bao giờ sẽ xảy ra tận thế, nhất là trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ucraina với kho vũ khí hạt nhân của các nước. Nhưng ta biết rằng vũ trụ chắc chắn sẽ có tận cùng vì nó là vật chất và bắt nguồn từ hư không. Thiên Chúa đã dựng nên tất cả vũ trụ này, tạo thành loài người chúng ta và đặt vào trong trái đất, ban cho ta tình yêu, hạnh phúc, ơn cứu độ để một ngày nào đó, tất cả cùng với vũ trụ trở về nguồn gốc của mình là Thiên Chúa, và hoà nhập vào sự sống vĩnh hằng của Ngài. Khi đó, không còn vật chất bị tội lỗi biến đổi nên ta không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian nữa.

Nhưng trước khi tận thế, có lẽ mỗi người phải vượt qua ngưỡng cửa của cái chết. Ai cũng lo sợ mình chết là sẽ phải xa cách những người thân yêu, sẽ bỏ lại tài sản mình kiếm được, sẽ mất đi mọi kiến thức mình thu nhận trong cuộc sống thế trần. Ta còn lo sợ phải chịu cuộc phán xét hết sức công minh của Chúa cho đời sống đầy tội lỗi của mình, khi nghĩ đến hoả ngục, luyện ngục với bao hình khổ khủng khiếp…

Thật ra, cái chết không phải là điều đáng cho ta lo sợ vì xa cách, mất mát, nhưng là một cuộc lên đường trở về nhà Cha, một cuộc thăng hoa để biến đổi tất cả những gì ta có, ta làm, ta đạt được trong trần thế này thành vĩnh hằng, vô tận, tuyệt đối, nhờ được gắn bó với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Nhập Thể và Vượt Qua của Người. Nhờ cái chết, ta bước vào thời gian vĩnh hằng, nên dù tận thế có xảy ra vài chục tỷ năm sau này, nó cũng không xa cách với ta. Do đó, các nhà thần học xác định tận thế trùng hợp với cái chết của mỗi người, và cuộc phán xét riêng cũng xảy ra đồng thời với cuộc phán xét chung.

Có người tính toán rằng gia đình nhân loại lúc đó có vài trăm tỷ người thì lấy đâu ra chỗ đủ rộng để Chúa phán xét mọi người. Nhưng khi con người không còn lệ thuộc vào vật chất thì tất cả đều được quy tụ trong không gian mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì thế, khi ta không để cho vật chất tiền của giam hãm, trói buộc ta vào trong thời gian và không gian của nó theo lòng tham và lòng dục của con người, là ta sẽ cảm nhận ngay được Chúa đang đến với mình.

Khi đến lần thứ nhất Người đã thực hiện điều đó trong con người của mình để đem thân xác hữu hạn của con người vào không gian vô tận và thời gian vĩnh hằng của Thiên Chúa. Khi đến lần thứ hai Người đưa mỗi người chúng ta hoà nhập với Người để biến đổi những gì của ta thành của Người. Khi đến lần thứ ba Người đưa toàn thể vũ trụ vạn vật vào trong sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu của Thiên Chúa. Cả ba lần Chúa đến đều hoà nhập nơi Đức Giêsu nên Thánh Phaolô mới quả quyết rằng: “Chúa Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8).

Lời kết

Hôm nay suy nghĩ về Mùa Vọng Vĩnh Hằng, chúng ta được mời gọi để luôn luôn sống trong niềm vui, bình an và mong chờ Chúa đến trong từng giây phút của cuộc đời.