22/12/2024

Hai kịch bản sau khi bão Nalgae vào Biển Đông

Hai kịch bản sau khi bão Nalgae vào Biển Đông

Chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định khi vào Biển Đông, khả năng cao bão Nalgae sẽ đi lên phía bắc, hướng về đất liền Trung Quốc, sau đó đổi hướng, di chuyển về vùng biển phía tây của bắc Biển Đông.

 

Hai kịch bản sau khi bão Nalgae vào Biển Đông - Ảnh 1.

Vị trí và hướng di chuyển bão Nalgae

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7h sáng 29-10, tâm bão Nalgae đang ở trên khu vực miền trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12.

Dự báo sáng mai 30-10, bão Nalgae đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 7 trong năm nay.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), cho biết sau khi di chuyển vào Biển Đông, bão Nalgae sẽ chịu tác động tương tác với không khí lạnh.

Đồng thời, trên các tầng khí quyển độ cao 3.000 – 5.000m, bão Nalgae sẽ chịu sự chi phối của hai khối khí áp cao cận nhiệt đới, nhánh phía đông và phía tây. Vì vậy sau khi vào Biển Đông, hướng di chuyển của bão còn có nhiều biến động.

“Khả năng cao nhất hiện nay là khi vào Biển Đông bão đổi hướng di chuyển lên phía bắc đi theo hướng bắc tây bắc, chủ yếu tác động đến khu vực vùng biển phía đông của vùng biển bắc và giữa của Biển Đông, xác suất của kịch bản này chiếm tỉ lệ 70-80%.

Một khả năng khác cũng có thể xảy ra nhưng với xác suất thấp hơn (khoảng 20-30%) là bão Nalgae sau khi đi vào Biển Đông, có thời gian di chuyển lên phía bắc, sau đó sẽ đổi hướng, di chuyển về vùng biển phía tây của bắc Biển Đông. Đối với kịch bản này, khi vào gần kinh tuyến 115 độ đông, bão Nalgae cũng sẽ tương tác với khối không khí lạnh và cường độ cũng sẽ suy yếu dần” – ông Hưởng nhận định.

Như vậy rất ít khả năng bão Nalgae ảnh hưởng tới đất liền Việt Nam.

Theo ông Hưởng, những lưu ý trước mắt đối với cơn bão Nalgae là các hoạt động tàu thuyền ở vùng biển phía đông của bắc và giữa Biển Đông.

Từ ngày 29-10, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6-7.

Vùng biển phía đông của khu vực bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, biển động rất mạnh. Vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông, sóng biển cao 5-7m.

CHÍ TUỆ
TTO