Triệt tiêu văn mẫu, cần bắt đầu từ tiểu học
Triệt tiêu văn mẫu, cần bắt đầu từ tiểu học
Với sự thay đổi chương trình, sách giáo khoa, việc dạy và học môn ngữ văn trong nhà trường phổ thông của các khối lớp 6, 7 và 10 đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên những lớp theo chương trình cũ vẫn theo lối dạy văn mẫu.
Hai chương trình, hai cách dạy khác nhau
Yêu cầu của Bộ GD-ĐT về việc kiểm tra đánh giá phải lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đã thúc đẩy việc dạy học văn “lột xác” nhiều hơn trong năm học này ở các lớp theo chương trình mới. Không còn cảnh học sinh vùi đầu vào kiến thức bài học mà chú trọng đến kỹ năng làm bài; triệt tiêu dần việc học sinh ôm đồm tài liệu để học tủ. Giáo viên cũng mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy, giờ học văn ít còn buồn tẻ, “ru ngủ” học trò như trước đây.
Tinh thần dạy học theo hướng đổi mới cần thực hiện ngay từ cấp tiểu học ẢNH MINH HỌA ĐÀO NGỌC THẠCH |
Với những khối lớp đã áp dụng hình thức cuốn chiếu theo chương trình mới thì đã khởi sắc. Còn những khối lớp chưa đến lộ trình thay đổi (khối 8, 9, 11, 12) thì phần lớn vẫn “đóng băng” như cũ. Vẫn học gì thi nấy theo sách giáo khoa, vẫn tài liệu, văn mẫu. Đề thi thì cứ năm nào cũng như năm nào, chỉ luân phiên thay đổi câu hỏi, bài học. Chủ trương của Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường nên thay đổi cách ra đề theo các khối lớp 6, 7, 10. Song hầu hết các trường chưa mạnh dạn đổi mới.
Tình trạng này chắc chắn còn kéo dài thêm 2 năm nữa. Phải đến năm 2025, khi khối 9 và 12 học chương trình mới thì mới thay đổi. Giáo viên nào đang dạy cùng lúc 2 chương trình cũ và mới sẽ cảm nhận rõ sự khác biệt này!
Phải chuẩn bị cho học sinh thay đổi
Điều đáng nói là học sinh các khối theo chương trình cũ, nếu không được chuẩn bị trước sẽ gặp khó khăn khi việc học chương trình mới ở lớp trên. Đây là một thực tế của học sinh lớp 10 năm nay. Ở lớp 9 năm ngoái, các học sinh học theo chương trình cũ, năm nay lên lớp 10 theo chương trình mới cái gì cũng ngạc nhiên, khó khăn khi làm đề kiểm tra văn bản ngoài sách giáo khoa. Phần lớn học sinh cứ thói quen cũ là trông nhờ vào văn mẫu. Vì vậy hiệu quả học tập khó cao.
Rút kinh nghiệm nên với học sinh lớp 5 chuẩn bị lên lớp 6 năm nay cần chuẩn bị để các em không lúng túng khi lên lớp 6 học chương trình mới. Trong đó có việc kiểm tra đánh giá môn văn theo hướng mở, chú trọng kỹ năng hơn là kiến thức, triệt tiêu văn mẫu và làm quen dần với đề kiểm tra lấy ngữ liệu văn bản ngoài chương trình.
Học sinh tiểu học xuống sân trường, quan sát làm văn tả cảnh NGỌC TUẤN |
Tinh thần này đã được nhiều giáo viên tiểu học chú trọng. Chẳng hạn trong cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm mới đây, cô Lê Thị Thanh Hà (chủ nhiệm và dạy lớp 5 của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình, TP.HCM) lưu ý với phụ huynh chuẩn bị cho con làm bài văn kiểm tra giữa học kỳ 1. “Ba mẹ cần hướng dẫn kỹ năng cho các con biết cách tìm ý và viết bài văn miêu tả ở nhà. Tuyệt đối không cho các con học thuộc văn mẫu. Giáo viên chấm điểm cho những bài văn do chính các em viết, chứ không chấm văn mẫu được các em học thuộc ghi lại. Hay dở, dài ngắn chưa quan trọng, mà quan trọng đó là bài làm của chính các em”, cô Hà dặn dò
Cô Lê Thị Thanh Hà cũng có cách dạy học trò viết văn rất sáng tạo và thực tiễn. Chẳng hạn, với đề tài miêu tả quang cảnh, cô đã cho học sinh xuống sân trường, ngồi theo từng nhóm và vừa quan sát khung cảnh vừa viết bài. Trong tiết học, cũng phát huy kỹ năng thuyết trình cho học sinh, cô Hà chia sẻ.
Cách dạy học tích cực trên cần được chú trọng, nhân rộng trong nhà trường hiện nay. Nó giúp cho học sinh dễ dàng thích ứng với việc đổi mới chương trình cho các năm sau. Phụ huynh cũng không phải mất thêm tiền mua tài liệu cho con và là điều kiện tiên quyết để triệt tiêu văn mẫu vốn tồn tại từ bấy lâu nay.
TRẦN NGỌC TUẤN
TNO