02/01/2025

ĐTC Phanxicô – Bài Giáo lý Đối tượng của biện phân: Sự phiền muộn

Nếu chúng ta biết cách vượt qua nỗi cô đơn và phiền muộn bằng sự cởi mở và ý thức, chúng ta có thể thoát ra trong khi được củng cố về mặt nhân bản và thiêng liêng.

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

TIẾP KIẾN CHUNG

Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô
Thứ Tư, 26 tháng 10 năm 2022

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Về Sự Biện phân
Bài 7. Đối tượng của biện phân: Sự phiền muộn

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Như chúng ta đã thấy trong các bài giáo lý trước, biện phân chủ yếu không phải là một thủ tục hợp luận lý; nó tập chú vào các hành động, và các hành động cũng có một hàm ý xúc cảm, điều này phải được nhìn nhận, bởi vì Thiên Chúa nói với trái tim. Như vậy, chúng ta đi vào phương thức xúc cảm đầu tiên, đối tượng của sự biện phân, tức là sự phiền muộn. Nó có nghĩa gì?

Sự phiền muộn (desolation) được định nghĩa như sau: “Sự tối tăm của linh hồn, sự xáo trộn bên trong, sự thôi thúc hướng tới những điều thấp kém và trần thế, sự bồn chồn do nhiều kích động và cám dỗ khác nhau: do đó linh hồn nghiêng về sự ngờ vực, không có hy vọng và không có tình yêu, và linh hồn thấy mình lười biếng, lãnh đạm, buồn bã, như thể bị tách rời khỏi Đấng Tạo Dựng và Chúa của nó” (Thánh Inhaxiô thành Loyola, Linh Thao, 317). Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về nó. Tôi tin rằng bằng cách này hay cách khác, chúng ta đã trải qua điều này, sự phiền muộn. Vấn đề là làm thế nào để đọc được nó, vì nó cũng có một điều gì đó quan trọng để nói với chúng ta, và nếu chúng ta vội vàng loại bỏ nó, chúng ta có nguy cơ đánh mất nó.

Không ai muốn trở nên phiền muộn, buồn bã: điều này đúng. Tất cả chúng ta đều mong muốn một cuộc sống luôn vui vẻ, hạnh phúc và viên mãn. Tuy nhiên, ngoài việc không thể – bởi vì nó không thể – điều này cũng sẽ không tốt cho chúng ta. Thật vậy, sự thay đổi từ một cuộc sống có xu hướng chiều theo thói xấu có thể bắt đầu từ một tình huống buồn bã, hối hận về những điều người ta đã làm. Từ nguyên của chữ này, “hối hận”, rất đẹp: sự hối hận của lương tâm, tất cả chúng ta đều biết điều này. Hối hận: theo nghĩa đen, chính là lương tâm cắn rứt [trong tiếng Ý là mordere], không cho phép hòa bình. Alessandro Manzoni, trong cuốn The Betrothed, đã mô tả tuyệt vời cho chúng ta về sự hối hận như một cơ hội để thay đổi cuộc đời của một con người. Đó là cuộc đối thoại nổi tiếng giữa Đức Hồng Y Federico Borromeo và Người Vô Danh, người, sau một đêm khủng khiếp, đã cho thấy mình bị đánh bại bởi vị Hồng Y, người đã nói với anh ta bằng những lời đáng ngạc nhiên: “Bạn có một số tin tốt cho tôi; tại sao bạn lại ngần ngại nói nó ra? ” Người kia nói, “Tin tốt?. Tôi đang có địa ngục trong linh hồn […]. Hãy nói cho tôi biết, hãy nói cho tôi biết, nếu ngài biết, ngài có thể mong đợi tin vui nào từ một người như tôi”. “‘Thiên Chúa đã chạm vào trái tim bạn, và đang kéo bạn đến với chính Người’, vị Hồng Y đã trả lời một cách bình thản” (Ch. 23). Thiên Chúa chạm vào trái tim, và một điều gì đó đến với anh chị em trong nội tâm, nỗi buồn, sự hối hận về điều gì đó, và đó là lời mời gọi anh chị em khởi hành trên một nẻo đường mới. Người của Thiên Chúa biết cách nhận ra một cách sâu xa những gì đang chuyển động trong trái tim.

Điều quan trọng là học cách đọc được nỗi buồn. Tất cả chúng ta đều biết nỗi buồn là gì: tất cả chúng ta. Nhưng chúng ta có biết làm thế nào để diễn giải nó? Chúng ta có biết nó có ý nghĩa như thế nào đối với tôi không, nỗi buồn hôm nay đó? Trong thời đại của chúng ta, nó – nỗi buồn – thường bị coi là tiêu cực, như một căn bệnh cần tránh bằng mọi giá, nhưng thay vào đó nó có thể là một hồi chuông báo động không thể thiếu cho cuộc sống, mời gọi chúng ta khám phá những cảnh quan phong phú và màu mỡ hơn mà tính nhất thời và chủ trương thoát ly đời không cho phép. Thánh Tôma định nghĩa nỗi buồn như một nỗi đau của linh hồn: giống như dây thần kinh đối với cơ thể, nó chuyển hướng sự chú ý của chúng ta đến một mối nguy hiểm có thể xảy ra, hoặc một lợi ích bị coi thường (xem Summa Theologica I-II, q. 36, a.1). Vì vậy, nó không thể thiếu đối với sức khỏe của chúng ta; nó bảo vệ chúng ta khỏi làm hại bản thân và những người khác. Sẽ nghiêm trọng và nguy hiểm hơn nhiều nếu không cảm thấy điều này, và cứ tiếp tục. Đôi khi nỗi buồn hoạt động như một đèn giao thông: “Dừng lại, dừng lại! Nó màu đỏ, kìa. Dừng lại”.

Mặt khác, đối với những người mong làm điều tốt, nỗi buồn là một trở ngại kẻ cám dỗ dùng để mưu toan làm nản lòng chúng ta. Trong trường hợp này, người ta phải hành động theo cách hoàn toàn trái ngược với những gì đã được đề xuất, quyết tâm tiếp tục những gì người ta đã đặt kế hoạch để làm (xem Linh Thao, 318). Hãy nghĩ đến công việc, học hành, cầu nguyện, một cam kết đã được dấn thân: nếu chúng ta bỏ rơi chúng ngay khi chúng ta cảm thấy chán nản hoặc buồn bã, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành được bất cứ điều gì. Đây cũng là một kinh nghiệm chung cho đời sống thiêng liêng: Tin Mừng nhắc nhở chúng ta, con đường dẫn đến sự tốt lành hẹp và dốc, nó đòi hỏi phải chiến đấu, tự chinh phục. Tôi bắt đầu cầu nguyện, hoặc hiến thân cho một công việc tốt lành, và kỳ cục thay, ngay lúc đó nhiều điều xuất hiện trong đầu đòi phải được làm gấp – để tôi không còn cầu nguyện hay làm việc thiện nữa. Tất cả chúng ta đều trải qua điều này. Điều quan trọng là đối với những ai muốn phục vụ Chúa, đừng để mình bị phiền muộn dẫn ra sai lạc. Và điều này… “Nhưng không, tôi không muốn, thật là nhàm chán…” – hãy cẩn thận. Thật không may, một số người quyết định từ bỏ đời sống cầu nguyện, hoặc sự lựa chọn họ đã chọn, hôn nhân hoặc đời sống tu trì, bị thúc đẩy bởi sự phiền muộn, mà trước tiên không dừng lại để xem xét trạng thái tâm trí này, và đặc biệt là không có sự giúp đỡ của một người hướng dẫn. Một quy tắc khôn ngoan nói rằng không nên thay đổi khi bạn đang ở trong tình trạng phiền muộn. Chính thời gian sau đó, thay vì tâm trạng lúc này, sẽ cho thấy sự tốt đẹp hay cách khác của những lựa chọn của chúng ta.

Điều đáng lưu ý là trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đẩy lùi các cám dỗ với thái độ cương quyết (x. Mt 3:14-15; 4: 1-11; 16: 21-23). Các thử thách tấn công Người từ mọi phía, nhưng luôn luôn tìm thấy nơi Người sự kiên định, quyết tâm làm theo ý muốn của Chúa Cha, chúng đã thất bại và không còn cản trở con đường của Người nữa. Trong đời sống thiêng liêng, thử thách là một thời điểm quan trọng, như Kinh Thánh nhắc nhở một cách minh nhiên khi nói: “Khi bạn đến để phục vụ Chúa, hãy chuẩn bị cho mình để đón thử thách” (Hc 2: 1). Nếu anh chị em muốn đi con đường tốt đẹp, hãy chuẩn bị cho mình: sẽ có trở ngại, sẽ có cám dỗ, sẽ có lúc buồn bã. Giống như khi một giáo sư kiểm tra một sinh viên: nếu ông ta thấy rằng sinh viên đó biết những điều cốt yếu của môn học, ông ta không nhấn mạnh: sinh viên đã vượt qua việc kiểm tra. Nhưng anh ta phải vượt qua việc kiểm tra.

Nếu chúng ta biết cách vượt qua nỗi cô đơn và phiền muộn bằng sự cởi mở và ý thức, chúng ta có thể thoát ra trong khi được củng cố về mặt nhân bản và thiêng liêng. Không thử thách nào nằm ngoài tầm với của chúng ta; không thử thách nào lớn hơn những gì chúng ta có thể làm. Nhưng đừng trốn chạy thử thách: hãy xem xem thử nghiệm này có nghĩa gì, tôi buồn, điều này có nghĩa là gì: tại sao tôi buồn? Lúc này tôi đang ở trong trạng thái phiền muộn, điều này có nghĩa gì? Tôi đang ở trong tình trạng phiền muộn và không thể tiếp tục, điều này có nghĩa gì? Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng không ai bị cám dỗ ngoài khả năng của mình, vì Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta và với Người ở bên cạnh, chúng ta có thể chiến thắng mọi cám dỗ (x. 1Cr 10,13). Và nếu chúng ta không vượt qua được ngày hôm nay, chúng ta đứng dậy vào lúc khác, chúng ta bước đi và chúng ta sẽ vượt qua nó vào ngày mai. Nhưng chúng ta không được chết dí – có thể nói như vậy – chúng ta không được tiếp tục bị đánh bại bởi một khoảnh khắc buồn bã, phiền muộn: hãy tiến về phía trước. Xin Chúa chúc phúc cho con đường này của đời sống thiêng liêng, vốn luôn là một cuộc hành trình, hãy can đảm lên!

Bản dịch Việt ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://www.vietcatholicnews.org/