18/11/2024

Vụ ‘Tạp chí dỏm, tiền thưởng thật’: Vấn nạn đếm bài thưởng tiền

Vụ ‘Tạp chí dỏm, tiền thưởng thật’: Vấn nạn đếm bài thưởng tiền

Hiện nhiều trường đại học Việt Nam đang có chính sách “đếm bài báo thưởng tiền” một cách máy móc, dẫn đến nảy sinh vấn nạn đua nhau công bố quốc tế trên các tạp chí dỏm để kiếm tiền thưởng.

 

 

 

Vụ Tạp chí dỏm, tiền thưởng thật: Vấn nạn đếm bài thưởng tiền - Ảnh 1.

Theo các nhà khoa học, thực trạng công bố khoa học quốc tế trên các tạp chí dỏm để được nhận tiền thưởng hiện nay đang khá phổ biến trong giới nghiên cứu ở Việt Nam chứ không phải chỉ cá biệt ở trường nào.

Trong khi hiện nay phần lớn các trường, viện nghiên cứu ở Việt Nam thưởng tiền cho các bài báo căn cứ theo danh mục Scopus và ISI. Hội đồng giáo sư các cấp cũng dựa vào hai danh mục này để tính điểm hồ sơ các ứng viên giáo sư, phó giáo sư.

 

Chưa chắc đã là “khuôn vàng thước ngọc”

TS Dương Tú (Đại học Purdue, Mỹ) nhận định tình trạng chạy đua công bố quốc tế trên các tạp chí dỏm rộ lên mấy năm gần đây vì chuyện này liên quan đến chính sách phổ biến ở Việt Nam là đếm bài thưởng tiền, thậm chí liên quan đến việc xét chức danh giáo sư và phó giáo sư.

“Chính sách đếm bài báo thưởng tiền có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Các nhà nghiên cứu chạy theo số lượng để kiếm tiền thưởng bằng cách đăng nhiều bài chất lượng kém hay chia một bài báo lớn thành nhiều bài báo nhỏ để tăng số bài.

Một số người tìm cách đăng bài trên tạp chí săn mồi, tạp chí giả mạo để kiếm tiền thưởng nếu cơ quan chủ quản không nắm rõ chất lượng tạp chí. Một số trường thưởng tiền cho nhà nghiên cứu ở các đơn vị khác nhằm mua bài báo để thăng hạng” – ông Tú nói.

Theo ông Tú, không nên mặc định xem một tạp chí là uy tín chỉ bằng cách căn cứ thô sơ vào danh mục Scopus hay ISI. Hai danh mục này bao gồm hàng vạn tạp chí “thượng vàng hạ cám”, trong đó có không ít tạp chí đáng nghi vấn, thậm chí lẫn cả tạp chí săn mồi.

Do đó, các danh mục này không phải chuẩn mực hay “khuôn vàng thước ngọc” bảo chứng cho chất lượng tạp chí, lại càng không phản ánh chất lượng mỗi bài báo, mà chỉ là hàng rào kỹ thuật và mặt bằng tối thiểu về chất lượng tạp chí mà thôi.

“Khá nhiều tạp chí có chất lượng đáng ngờ tìm cách lọt được vào Scopus, từ đó bắt đầu đăng bừa bãi hàng ngàn bài báo để kiếm tiền và chấp nhận bị loại khỏi Scopus ngay sau đó. Để hạn chế vấn nạn đăng bài trên các tạp chí đáng ngờ kiểu này, cần bịt kẽ hở bằng cách quy định trong vòng 1 hoặc 2 năm sau khi đăng bài, nếu tạp chí bị loại khỏi Scopus thì bài không được tính” – ông Tú đề nghị.

GS.TSKH Phùng Hồ Hải (Viện Toán học – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng cho rằng đây là hệ quả tất yếu của quan điểm coi công trình khoa học như những sản phẩm thương mại thông thường.

“Nguồn gốc sâu xa của tình trạng này là tư duy của các nhà lãnh đạo, quản lý coi thường vai trò của khoa học, coi thường sự đóng góp của các nhà khoa học cho xã hội. Nếu không sửa từ gốc thì mọi giải pháp chỉ là vá víu. Khi động cơ công bố của nhà khoa học chỉ là để có mấy trăm triệu tiền thưởng, thù lao thì không còn khoa học trong đó nữa” – ông Hải nhấn mạnh.

 

Chỉ nên thưởng bài đăng trên tạp chí danh tiếng

Là một nhà khoa học có rất nhiều bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế danh tiếng ngành y trong nhiều năm qua, ông Hồ Mạnh Tường – trưởng Trung tâm nghiên cứu HOPE – HRC Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM) – cho rằng việc nhận diện tạp chí khoa học quốc tế mạo danh hoàn toàn không khó.

“Tạp chí không có thứ hạng cao nhưng thuộc các hội nghề nghiệp chuyên môn, uy tín thì ít làm bậy hơn các tạp chí không thuộc cơ quan tổ chức khoa học chính thống. Do vậy, các nhóm nghiên cứu có uy tín sẽ chọn lọc tạp chí khoa học rất kỹ khi quyết định gửi bài báo để công bố. Đây là cơ chế quan trọng nhất để tránh gửi bài tạp chí dỏm. Còn những cách khác đều khó kiểm soát và vô chừng” – ông Tường nói.

Ông Tường kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học – công nghệ cần sớm biên soạn danh mục các tạp chí khuyến cáo đăng bài, trong đó mỗi ngành xây dựng danh mục riêng. Danh mục này có thể cập nhật định kỳ hoặc đột xuất để công bố rộng rãi cho cán bộ khoa học các ngành biết và xem đây là căn cứ pháp lý để xác định tạp chí giả mạo.

“Theo tôi, các trường đại học vẫn cần có chính sách xét thưởng tác giả có bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế nhưng chỉ nên xét thưởng những bài đăng trên tạp chí uy tín, danh tiếng thế giới được xếp hạng Q1.

Vì hiện ở các nước, những trường có thứ hạng cao chỉ chấp nhận một số tạp chí trong nhóm Q1, không phải tất cả. Các trường đại học có thứ hạng trung bình trên thế giới thường ít chấp nhận Q2″ – ông Tường cho biết thêm.

 

Cần xây dựng danh mục tạp chí

Theo ông Hồ Mạnh Tường, Quỹ Nafosted đã xây dựng danh mục các tạp chí khuyến cáo đăng bài. Danh mục này cần cập nhật thường xuyên danh sách tạp chí quốc tế dạng săn mồi, có tai tiếng về chất lượng và có vấn đề về ngụy tạo trích dẫn. Trên cơ sở đó, mỗi trường đại học tùy theo trình độ phát triển có thể ban hành danh mục riêng và chính sách thưởng dựa theo danh mục đó.

 

Thay đổi toàn bộ nhân sự hội đồng thẩm định

Liên quan đến vụ nhiều giảng viên, cán bộ Trường ĐH Tài chính – Marketing công bố bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế nhưng sau đó các tạp chí bị loại khỏi danh mục Scopus, thậm chí nằm trong danh mục cảnh báo tạp chí giả mạo, lãnh đạo nhà trường cho hay Đảng ủy, ban giám hiệu trường đã có nhiều cuộc họp, đồng thời trường cũng đã yêu cầu các cá nhân và bộ phận liên quan giải trình.

“Sau sự việc trên, nhà trường quyết định trước mắt vẫn tiếp tục thực chính sách khen thưởng đối với bài báo khoa học quốc tế đến hết năm 2022 và rà soát xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ mới.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khách quan, ngày 14-10 vừa qua trường đã có quyết định đổi mới hội đồng thẩm định và xét duyệt bài báo. Thành viên hội đồng này có năm người, trong đó có bốn chuyên gia ngoài trường và một người trong trường là thư ký” – đại diện nhà trường cho hay.

TRẦN HUỲNH
TTO