23/12/2024

Ông Nguyễn Lân Hiếu: Thay sách giáo khoa mới đến năm thứ 4 vẫn còn lúng túng, hạn chế

Ông Nguyễn Lân Hiếu: Thay sách giáo khoa mới đến năm thứ 4 vẫn còn lúng túng, hạn chế

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho rằng mục tiêu tích hợp các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới nghe rất hay, phù hợp với xu hướng chung thế giới nhưng thực tế triển khai có rất nhiều bất cập, khó khăn với trường, giáo viên.

 

 

 

Ông Nguyễn Lân Hiếu: Thay sách giáo khoa mới đến năm thứ 4 vẫn còn lúng túng, hạn chế - Ảnh 1.

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế – xã hội ngày 22-10, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đã đề cập đến nhiều vấn đề của ngành giáo dục.

Ông nói chương trình giáo dục phổ thông mới đến nay đã thay sách giáo khoa đến năm thứ 4 và năm nay thẩm định sách giáo khoa mới của lớp 4, 8, 11. Tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều lúng túng, hạn chế trong ứng dụng sách giáo khoa mới.

Ông dẫn chứng hiện nay đang tiến hành tích hợp các môn khoa học tự nhiên gồm vật lý, hóa học, sinh học và một quyển sách giáo khoa lại chia thành ba thành phần cứng rất cơ học.

“Mục tiêu nghe rất hay, phù hợp với xu hướng chung thế giới nhưng thực tế triển khai có rất nhiều bất cập, khó khăn với nhà trường, giáo viên”, đại biểu Lân Hiếu nói.

Ông nêu thêm với môn khoa học tự nhiên, có ba phương thức dạy học. Phương thức 1 là dạy song song môn vật lý 1 tiết/tuần, hóa học 1 tiết/tuần và sinh học 2 tiết/tuần đối với lớp 6, lớp 7. Việc dạy song song như vậy không bảo đảm được mạch kiến thức và không có ý nghĩa trong việc tích hợp, vẫn như cũ.

Phương thức thứ 2 là dạy theo tuyến tính, tức chủ đề sinh học thì giáo viên sinh học dạy, chủ đề vật lý do giáo viên vật lý dạy, chủ đề hóa học do giáo viên hóa học dạy, với thời lượng tổng cộng 4 tiết/tuần.

Phương thức này đảm bảo mạch kiến thức nhưng thời khóa biểu của trường thay đổi liên tục nên giáo viên rất lúng túng trong việc bố trí, gây rối cho việc tổ chức, thực hiện. Hầu như rất ít trường có thể thực hiện được.

Phương thức thứ 3 là phân công một giáo viên đã có chứng chỉ giảng dạy cả ba môn. Việc này thuận lợi cho nhà trường, giáo viên dễ chấm nhưng bất cập là không có giáo viên nào trong thời gian rất ngắn có thể đảm bảo đủ kiến thức ba môn để dạy cho học sinh.

“Vì vậy cả ba phương thức này đều rất rối khiến giáo viên quá tải, thiệt thòi cho học sinh. Học xong các chủ đề hóa học đầu lớp 7 trong năm tuần rồi không học nữa, đến lớp 8 mới học tiếp tục. Như vậy làm sao học sinh có thể học liền mạch, nhớ được và không thể so sánh, tốt hơn cách học ngày xưa”, ông Hiếu nêu.

Từ thực tế này, ông Hiếu đặt ra câu hỏi về quy trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 liệu đã đúng và đã thực hiện đủ mẫu để đánh giá đầy đủ các tác động, lệ lụy của chương trình.

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu mà chúng ta chạy theo cách này, chạy theo các “deadline” để làm một cách không thận trọng dễ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh. Mỗi năm học mới có 1,5 – 2 triệu học sinh vào lớp 1, tương ứng với từng ấy gia đình. Chỉ cần một sự không cẩn trọng sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn tới toàn thể xã hội”, ông Hiếu nói thêm.

Ông cũng chỉ ra nhiều vấn đề khác cần gấp rút điều chỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện như trang thiết bị trường học, giáo viên dạy các môn tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc – tưởng dễ tìm nhưng vì yêu cầu có bằng sư phạm nên không đủ giáo viên đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, với mức lương thấp như hiện nay khó có thể tuyển được những giáo viên chất lượng, bảo đảm cho việc học theo chương trình mới một cách toàn thể, đào tạo học sinh toàn diện.

Một vấn đề khác được ông Hiếu đặt ra là việc mua sắm đấu thầu tập trung đã gây không ít khó khăn trong mua sắm cho các trường…

Bước sang năm 2023, ông Hiếu đề nghị có những thay đổi tích cực để giáo dục ổn định, phát triển.

THÀNH CHUNG
TTO