Có nên tiêm vắc xin HPV cho người bị sùi mào gà?
Có nên tiêm vắc xin HPV cho người bị sùi mào gà?
Việc tiêm vắc xin phòng ngừa HPV trên đối tượng bị sùi mào gà giúp bảo vệ khỏi các chủng chưa bị nhiễm, tuy nhiên quyết định tiêm sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá lợi ích, nguy cơ, chi phí, cũng như mong muốn của người bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Văn Lợi Em, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết nhiễm HPV là một trong những nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (Sexually Transmitted Infections – STIs) phổ biến nhất và đang ngày càng gia tăng.
80% phụ nữ nhiễm HPV ít nhất một lần trong suốt đời sống tình dục
Theo kết quả báo cáo của Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), trên toàn thế giới có khoảng 6,6% phụ nữ độ tuổi từ 15 đến 74 bị nhiễm HPV và khoảng 80% phụ nữ nhiễm HPV ít nhất một lần trong suốt đời sống tình dục của họ. Nam giới được coi là nguồn mang HPV không triệu chứng và là điều kiện làm lây lan HPV trong cộng đồng. Tỷ lệ nhiễm ở nam giới là 1-73%, trong đó tỷ lệ nhiễm trên nhóm MSM (Cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới) lên đến 64%.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, ước tính khoảng 80% đối tượng từng phơi nhiễm HPV ít nhất một lần trong suốt đời sống tình dục của họ.
Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, thống kê năm 2020 cho thấy số lượt bệnh nhân khám STIs là hơn 62.000 lượt, tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2010. Trong đó, sùi mào gà chiếm cao nhất với hơn 40.000 lượt khám. Ước tính có khoảng 20% là sùi mào gà ở hậu môn. Ghi nhận một số trường hợp sùi mào gà trong khoang miệng.
Nửa cuối năm 2021, do bùng phát Covid-19 với nhiều hình thức giãn cách xã hội, số lượng bệnh nhân đến khám sùi mào gà giảm mạnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp cận các dịch vụ y tế dành cho nhóm bệnh nhân này. Tuy vậy, sùi mào gà vẫn thuộc top những bệnh lí phổ biến nhất được thăm khám và chẩn đoán ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM.
Sô bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu do nhiễm HPV lây truyền qua đường tình dục tăng dục tăng mạnh từ 2017 – 2020 BSCC |
Gánh nặng bệnh tật liên quan đến HPV
Vi rút HPV (Human papillomarius) gây bệnh sùi mào gà là loại nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới. Vi rút này lây truyền qua đường quan hệ tình dục và tiếp xúc da với da với mức độ lây nhiễm khá cao.
Theo bác sĩ Lợi Em, uớc tính có khoảng hơn 600.000 ca ung thư liên quan đến HPV được chẩn đoán hằng năm ở nam và nữ. Trong đó, có hơn 32.000.000 ca sùi mào gà được chẩn đoán hằng năm ở nam và nữ.
Do các chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung ở các nước đang phát triển ngày càng phổ biến nên số ca bị loạn sản cổ tử cung biệt hóa thấp và biệt hóa cao được phát hiện ngày càng nhiều làm gia tăng gánh nặng bệnh tật liên quan đến HPV lên gấp 60 lần.
Một bệnh nhân bị sùi mào gà ở khoang miệng BSCC |
Vắc xin phòng ngừa HPV có tác dụng gì với người bệnh sùi mào gà?
Vắc xin phòng ngừa HPV đã được chứng minh có vai trò hiệu quả trong việc ngăn ngừa sùi mào gà, các tổn thương tiền ung và các loại ung thư liên quan đến HPV. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin được ghi nhận đạt mức cao nhất ở người chưa có quan hệ tình dục, tức là chưa từng tiếp xúc với vi rút.
Về lí thuyết, việc tiêm vắc xin phòng ngừa HPV trên đối tượng bị sùi mào gà ngoài việc giúp bảo vệ khỏi các chủng chưa bị nhiễm, còn có thể làm tăng tốc độ đào thải, điều trị và phòng ngừa tái nhiễm. Tổng hợp các bằng chứng lâm sàng trên y văn cho thấy vắc xin phòng ngừa HPV có thể giúp ngăn ngừa tiến triển thành sang thương sùi mào gà và các tổn thương tăng sinh trong thượng bì ở các đối tượng dương tính với HPV nhưng chưa biểu hiện triệu chứng.
Tuy nhiên, các bằng chứng lại cho thấy việc tiêm vắc xin phòng ngừa hầu như không giúp giảm nguy cơ tái phát hoặc tái nhiễm cùng chủng ở những đối tượng đã bị sùi mào gà. Ngoài ra, các bằng chứng chứng minh hiệu quả điều trị sùi mào gà của vắc xin còn khá yếu, nên vẫn chưa được chấp thuận bởi các tổ chức y khoa trên thế giới.
Theo bác sĩ Lợi Em, việc tiêm vắc xin phòng ngừa HPV trên đối tượng bị sùi mào gà có thể giúp ngăn ngừa bị mắc các chủng HPV chưa bị nhiễm, nhưng hầu như không có tác dụng dự phòng tái phát và tác dụng điều trị cũng vẫn còn chưa rõ ràng. Quyết định tiêm ngừa vắc xin sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá lợi ích, nguy cơ, chi phí, cũng như mong muốn của người bệnh.
LÊ CẦM
TNO