Chấm dứt lạm thu trong trường học có khó không?
Chấm dứt lạm thu trong trường học có khó không?
Diễn đàn “Làm gì để chấm dứt lạm thu?” của báo Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của cán bộ quản lý giáo dục và lãnh đạo trường để gợi mở giải pháp cho vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM:
Phải xử thật nghiêm
Trong bối cảnh kinh phí nhà nước cấp cho giáo dục còn hạn hẹp như hiện nay, các trường không thể không thực hiện xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, điều khiến cho nhiều phụ huynh bức xúc chính là cách làm của các trường: kêu gọi xã hội hóa nhưng lại quy định mức đóng thấp nhất hoặc chia đều trên đầu học sinh trong trường, trong lớp.
Thậm chí, khi phụ huynh phản ảnh lên cơ quan cấp trên thì hiệu trưởng trả lời “do ban đại diện cha mẹ học sinh thu tiền và tiến hành mua sắm chứ trường không biết”.
Tôi cho rằng hiệu trưởng chính là người quản lý cao nhất tại một ngôi trường. Do đó, hiệu trưởng phải quản lý sát sao ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp muốn thực hiện công trình gì trong năm học, kế hoạch thực hiện của họ ra sao, có phù hợp với thực tế và đúng quy định hay không…
Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm về các khoản thu trong nhà trường, kể cả các khoản như quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh trường, lớp. Quỹ này phụ huynh tự thu nhưng phải báo cáo với ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm lớp chứ không thể muốn làm gì thì làm.
Vấn đề thứ hai là cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu phát hiện có trường làm không đúng quy định thì phải xử lý thật nghiêm đồng thời công khai cách xử lý đó để răn đe, làm gương cho những trường khác. Đừng để tình trạng cứ đến đầu năm học thì tình trạng lạm thu lại rộ lên, phụ huynh lại xôn xao bàn tán, gây mất niềm tin của người dân đối với ngành GD-ĐT.
Một cựu hiệu trưởng trường tiểu học nổi tiếng ở quận 7, TP.HCM:
Quy định chưa sát với thực tế
Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD-ĐT quy định các khoản ủng hộ của phụ huynh không mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường. Điều này không phù hợp với thực tế. Hiện nay chúng ta đang trong quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Việc hiện đại hóa trang thiết bị dạy học là yêu cầu cấp thiết. Vậy nếu không cho vận động từ phụ huynh thì chúng tôi vận động đối tượng nào?
Trường tôi trước đây có một số phụ huynh đề nghị tài trợ bảng tương tác cho lớp nhưng cả ban giám hiệu đều băn khoăn, lo lắng. Vụ việc tài trợ diễn ra suôn sẻ thì không sao, nhưng nếu có đơn thư kiện cáo coi như trường đã lạm thu. Còn nếu ban giám hiệu chần chừ, không cho phụ huynh làm thì coi như bỏ lỡ cơ hội hiện đại hóa cơ sở vật chất nhà trường.
Quy định chi tiết các khoản, mức thu trong trường
Sau chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về chấm dứt lạm thu, hàng chục tỉnh thành cũng ban hành các văn bản chấn chỉnh lạm thu và quy định khá chi tiết từng khoản thu, mức thu trong các nhà trường.
Tỉnh Nam Định quy định chi tiết về các khoản thu dịch vụ, trong đó có cả tiền chăm sóc trẻ ngày thứ bảy, dạy kỹ năng sống trong trường mầm non và tiểu học, tiền dạy học thêm các môn văn hóa, tiền thuê người nấu ăn bán trú…
Sở GD-ĐT Ninh Bình yêu cầu các trường phải dự toán thu chi, tổ chức công khai, thống nhất và thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh. Tỉnh này cũng cắt giảm tối đa chi phí dịch vụ hỗ trợ giáo dục chưa cấp bách, đồng thời phân kỳ các khoản thu để phù hợp với khả năng đóng góp của phụ huynh.
Hà Nội cũng vừa có quy định nhắc lại nội dung các văn bản pháp lý về thu chi tiền trong nhà trường, đồng thời yêu cầu các nhà trường giãn các khoản thu và không thu gộp một lần vào đầu năm học. (VĨNH HÀ)