25/11/2024

Bị rắn độc cắn, dùng miệng hút tại vết thương có an toàn không?

Bị rắn độc cắn, dùng miệng hút tại vết thương có an toàn không?

Sau khi bị rắn cắn, mọi người không nên rạch vết thương và dùng miệng để hút nọc độc ra ngoài. Vì khi bị cắn, nọc rắn đã đi vào cơ thể. Không những vậy, người hút nọc độc còn có thể gặp nguy hiểm.

 

 

Lúc bị rắn cắn, biểu hiện thường gặp của nạn nhân là hoảng sợ. Thay vì vậy, hãy bình tĩnh và tránh xa con rắn, quan sát nó để ghi nhớ kích thước, màu sắc và hình dạng của nó để mô tả lại cho bác sĩ, theo chuyên trang sức khỏeHealthline (Mỹ).

Bị rắn độc cắn, dùng miệng hút tại vết thương có an toàn không? - ảnh 1
Dùng miệng hút tại vết thương do rắn cắn không giúp loại bỏ hiệu quả nọc độc mà còn gây nguy hiểm cho người hút SHUTTERSTOCK

Các loại rắn độc dù khác nhau nhưng các biểu hiện của vết cắn là khá giống như như sưng tấy, đỏ, đau dữ dội, khó thở, nôn mửa, tê liệt… Và nhiều người chon rằng hút nọc rắn từ vết thương có thể giúp loại bỏ chất độc.

Tuy nhiên, tiến sĩ Diane Calello, Phó giáo sư y học cấp cứu tại Trường Y khoa Rutgers New Jersey (Mỹ), cho biết hút nọc rắn từ vết thương vừa không hiệu quả vừa có thể gây nguy hiểm. Nếu trong miệng người hút có vết thương hở thì nọc độc sẽ xâm nhập vào máu và cực kỳ nguy hiểm.

Trong số các dụng cụ sơ cứu khi bị rắn cắn thì có thiết bị hút để lấy bớt chất độc ra ngoài. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Annals of Emergency Medicine đã kiểm tra tính hiệu quả của thiết bị này. Các tác giả sử dụng nọc độc giả trong nghiên cứu. Kết quả cho thấy thiết bị chỉ loại bỏ được 0,04% đến 2% lượng nọc độc giả. Đây là bằng chứng cho thấy thiết bị hoạt động không thực sự hiệu quả.

Thay vì vậy, khi bị rắn độc cắn, điều đầu tiên cần làm là phải bình tĩnh để giảm nhịp tim, giữ vị trí bị cắn thấp dưới tim. Cách này sẽ làm chậm sự lây lan của nọc rắn theo đường máu khắp cơ thể. Hãy gọi ngay cấp cứu hoặc nhờ người khác đưa đến bệnh viện ngay lập tức để được điều trị bằng huyết thanh kháng nọc.

Trong thời gian chờ được cứu chữa, nạn nhân hãy tháo các trang sức nếu nó ảnh hưởng đến vết thương đang sưng tấy. Khi đến bệnh viện, hãy mô tả kích thước, màu sắc và đặc điểm của con rắn cho bác sĩ để chọn huyết thanh phù hợp.

Những điều mọi người không nên làm sau khi bị rắn cắn là chườm lạnh vết thương, dùng vật sắt nhọn rạch vết thương để hút máu, không dùng vải hay bất kỳ vật gì cột chặt phía trên vết rắn cắn, không ngâm vết thương trong nước hay rượu vì những cách này sẽ gây tổn thương thêm, theo Healthline.

NGỌC QUÝ

TNO