Giải mã ‘Tân quái’, thể loại văn học ‘Kỳ quái mới’ ở phương Tây có gì lạ?
Giải mã ‘Tân quái’, thể loại văn học ‘Kỳ quái mới’ ở phương Tây có gì lạ?
Theo Wikipedia, thể loại văn học Kỳ quái mới hay Tân quái (The New Weird) xuất hiện trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2005, bao gồm những đặc điểm của tiểu thuyết kỳ quặc (weird fiction) và tiểu thuyết giả tưởng suy đoán (speculative fiction).
Nói đến Tân quái, giới nghiên cứu cho rằng M.John Harrison, nhà văn – nhà phê bình người Anh, là người đã tạo ra thuật ngữ New Weird (Kỳ quái mới) trong phần giới thiệu tiểu thuyết The Tain của China Miéville do nhà xuất bản PS phát hành vào năm 2002. The Tain là tác phẩm kể về Sholl, một người đàn ông sống ở London ngay sau cuộc tấn công kinh hoàng của những sinh vật bất thường.
M.John Harrison, nhà văn – nhà phê bình người Anh, là người đã tạo ra thuật ngữ “New Weird” (Kỳ quái mới) trong phần giới thiệu tiểu thuyết The Tain của China Miéville
KEVIN NIXON (THEGUARDIAN.COM) |
Borne là tiểu thuyết mới nhất, phát hành năm 2017 của nhà văn người Mỹ Jeff VanderMeer. Tác phẩm này thuộc thể loại Tân quái, liên quan đến bối cảnh thành phố hậu khải huyền bị công nghệ sinh học tàn phá AMAZON.COM |
Thế nào là New Weird?
Có nhiều định nghĩa khác nhau về thể loại Tân quái này, song điểm dễ nhận ra là “sự pha trộn văn hóa đường phố hiện đại với thần thoại cổ đại” (M.John Harrison).
Trong phần giới thiệu về tuyển tập The New Weird, nhà phê bình văn học người Mỹ Jeff VanderMeer giải thích đây là “một loại tiểu thuyết thành thị, một thế giới bình thường đánh đổ những ý tưởng lãng mạn hóa về địa điểm trong tưởng tượng truyền thống, phần lớn là chọn mô hình thế giới hiện thực phức tạp…, có thể kết hợp các yếu tố của khoa học viễn tưởng và giả tưởng”.
Thuật ngữ New Weird biểu thị một xu hướng, không dùng để chỉ một nhóm tác giả cố định, không có tuyên ngôn chung, phạm vi phong cách và nội dung rộng, và các tác giả được nhắc đến có thể… không thấy mình là một phần của “phong trào” này.
Chính xác hơn, Kỳ quái mới là thuật ngữ do các nhà phê bình văn học phát minh để mô tả khuynh hướng được nhận thức là một phần quan trọng của các văn bản văn học.
China Miéville, nhà văn Anh, nổi tiếng với thể loại văn học Kỳ quái mới qua tiểu thuyết The Tain (năm 2002)
BOSTONREVIEW.NET |
Trong một cuộc tranh luận, nhà văn China Miéville nhấn mạnh rằng “New Weird – giống như hầu hết các thể loại văn học – là một khoảnh khắc, một gợi ý, một lời trêu chọc, một sự can thiệp, một thái độ, trên hết là một cuộc tranh luận”. Bà Robin Anne Reid, một giáo sư văn học và ngôn ngữ, lưu ý rằng thể loại này có xu hướng phá vỡ các rào cản giữa giả tưởng, khoa học viễn tưởng và kinh dị siêu nhiên.
Những nhà văn viết thể loại Tân quái
Hầu hết các tiểu thuyết gia của thể loại Tân quái là những tác giả viết truyện kinh dị hoặc giả tưởng, đáng chú ý là Kirsten J.Bishop, một nhà văn nữ người Úc nổi tiếng với tác phẩm The Etched City (2003), đã được đề cử Giải thưởng Văn học Giả tưởng Thế giới cho tác phẩm hay nhất; nhà văn Mỹ Paul Di Filippo với tiểu thuyết A Year in the Linear City (2002), Jeffrey Ford với The Annals of Eelin-Ok (2005) và những nhà văn Anh như Justina Robson, Storm Constantine, China Miéville cùng nhiều người khác…
Trong tiểu thuyết của thể loại Tân quái có chất kinh dị giả tưởng của nhà văn Mỹ H.P.Lovecraft, cụ thể là trong tác phẩm Perdido Street Station của China Miéville phát hành năm 2000, khá thành công về phương diện thương mại.
Những tác phẩm tiêu biểu của thể loại Kỳ quái mới
AMAZOM.COM, THEONYXENIGMA.BLOGG.SE , SUBTERRANEANPRESS.COM |
Trên mạng có một số trang giới thiệu về New Weird, riêng Thư viện công cộng Des Moines của thành phố Des Moines, bang Iowa, nước Mỹ dành hẳn một không gian riêng cho Tân quái, có nhiều tác phẩm về thể loại này, với phần tóm tắt cốt truyện và ảnh bìa sách.
Nhìn chung, Tân quái hay Kỳ quái mới, với tư cách là một thể loại văn học, xuất hiện để vượt qua những rào cản có thể tồn tại giữa các thể loại.
VƯƠNG TRUNG HIẾU
TNO