Những khoản thu gây choáng đầu năm học: Tiền điểm danh, xây… trạm biến áp
Những khoản thu gây choáng đầu năm học: Tiền điểm danh, xây… trạm biến áp
Trong hai ngày 24, 25-9 nhiều trường phổ thông đã tổ chức họp phụ huynh học sinh đầu năm học 2022-2023. Một trong các nội dung khiến nhiều phụ huynh bức xúc là trường đặt ra các khoản thu vô lý.
Có thể nói tiền điểm danh, tổ chức khai giảng, nước uống, vệ sinh, mua vở đồng phục đến tiền mua điều hòa, bàn ghế và cả… trạm biến áp đều trông chờ vào phụ huynh.
Phí điểm danh, tiền bàn ghế…
Một phụ huynh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Từ trước đến nay, điểm danh là việc làm của ban cán sự lớp và giáo viên chủ nhiệm. Năm nay chúng tôi nhận được thông báo phải đóng 12.000 đồng/tháng/học sinh khoản tiền điểm danh bằng máy. Điều đáng nói là tháng 9 chưa triển khai điểm danh bằng máy nhưng nhà trường vẫn thu khoản này cho cả tháng 9.
Chưa hết, mặc dù trường đã có phòng vi tính nhưng mỗi học sinh vẫn phải đóng 50.000 đồng/tháng tiền máy tính. Tính ra cả năm học mỗi học sinh đóng 450.000 đồng cho khoản này. Trường Nguyễn Công Trứ có khoảng hơn 2.000 học sinh, vậy mỗi năm trường chỉ thu khoản tiền máy tính thôi cũng gần 1 tỉ đồng”.
Tương tự, anh T. – phụ huynh một trường THCS nổi tiếng ở quận Gò Vấp – kể: “Mới đầu năm học, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đã kêu gọi phụ huynh đóng góp 300.000 đồng/người để ủng hộ nhà trường tổ chức lễ khai giảng. Tôi không đồng tình với khoản này vì con tôi đâu cần một buổi lễ rình rang, tốn kém, phô trương. Vậy nhưng cuối cùng vẫn phải đóng vì ban đại diện cha mẹ học sinh cập nhật từng ngày danh sách những học sinh đã đóng và chưa đóng quỹ trên group lớp”.
Trong khi đó, đầu năm học mới, việc được đề nghị đóng tiền mua bàn ghế cho học sinh lớp 1 Trường tiểu học Kỳ Trinh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Theo một phụ huynh, mỗi học sinh phải đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng, ngoài ra còn tiền mua rèm cửa, đóng quỹ cha mẹ học sinh. Tổng cộng, mỗi học sinh phải đóng gần 1 triệu đồng.
“Giáo viên chủ nhiệm lưu ý với phụ huynh nếu không đóng tiền mua bàn ghế, con không có chỗ ngồi học”, phụ huynh này cho biết.
Hải Phòng đầu năm học mới cũng có những vụ thu sai được phát hiện. Phụ huynh có con nhập học lớp 6 Trường THCS Núi Đối (Kiến Thụy, Hải Phòng) phải đóng 2 triệu đồng khi làm thủ tục nhập học. Nhưng lạ là khoản này không có phiếu thu cũng không được giải thích thu để làm gì. Với 170 học sinh lớp 6, khoản “không rõ lý do” này là 340 triệu đồng.
Khi có ý kiến phụ huynh, UBND huyện Kiến Thụy yêu cầu trường giải trình, bà Vũ Thị Thu Hường, hiệu trưởng trường này, mới cho biết do “một số phụ huynh nhờ trường mua sách vở, đồng phục và đóng bảo hiểm”.
Cũng tại Hải Phòng, một trường THPT ở quận Lê Chân đã quyên góp tiền xây… trạm biến áp, phục vụ việc cấp điện cho trường. Theo phản ảnh của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đã đưa ra mức tổng tiền của lớp phải đóng góp. Khi chia đều cho học sinh thì mỗi em phải đóng trên 700.000 đồng.
Hiệu trưởng trường này cho biết đã có kế hoạch xây dựng trạm biến áp, xin ý kiến Sở GD-ĐT để được vận động, tài trợ kinh phí với mức 1 tỉ đồng và được phê duyệt. Nhưng theo xác minh của Sở GD-ĐT Hải Phòng thì trường đã tiến hành vận động khi chưa được sở phê duyệt và cách làm thì có xu thế “cào bằng” trái với nguyên tắc tự nguyện và yêu cầu tạm dừng việc vận động.
Quỹ phụ huynh gây “choáng”
Tại các cuộc họp phụ huynh, một nội dung không thể thiếu là bàn về mức thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh trường và quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
“Tôi đồng ý là phải có quỹ mới hoạt động được. Nhưng các anh chị trong ban đại diện cha mẹ học sinh thường đặt ra mức thu quá cao, mới đầu năm đã đóng 1,5 triệu đồng cho quỹ lớp. Đành rằng quỹ này chủ yếu là phục vụ con em mình và chăm lo cho những thầy cô giáo giảng dạy con em mình.
Nhưng trong một trường, trong một lớp chắc chắn sẽ có phụ huynh khó khăn. Khi đi họp tôi thấy mọi thứ trong lớp học nhìn vẫn còn tốt nhưng ban đại diện nói cần phải sơn lại cho đẹp, cần mua bảng mới, cần thay khóa cửa, phòng học đã có máy lạnh mà yêu cầu phải mua thêm quạt, bóng đèn còn tốt nhưng nói rằng phải thay bóng đèn mới cho con em mình đỡ hại mắt…” – chị N.T., phụ huynh một trường tiểu học nổi tiếng ở TP.HCM, bày tỏ.
Anh H. – phụ huynh một trường THCS ở quận Bình Thạnh – chia sẻ: “Điều khiến chúng tôi bất bình nhất chính là việc thu quỹ theo kiểu “đổ đồng”. Ai không đóng hoặc chưa có điều kiện đóng là ban đại diện cha mẹ học sinh đưa hẳn tên học sinh lên group Zalo của lớp. Làm như vậy khác nào truy đuổi và ép buộc phụ huynh phải đóng quỹ cho bằng được?”.
Một bảng kê chi tiết các khoản thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) trong học kỳ 1 gồm 11 nội dung với tổng số tiền lên đến 2,447 triệu đồng khiến nhiều người “choáng” vì cách “chơi sang” của trường.
Ngoài các khoản có dính dáng đến hoạt động của học sinh, có những khoản chi nằm trong “vùng cấm” của Bộ GD-ĐT như chi cho hoạt động thăm hỏi giáo viên, nhân viên khi ốm đau, việc hiếu của cán bộ giáo viên, phụ huynh học sinh với mức 60 triệu đồng; chi hỗ trợ, tặng hoa ngày 20-10 là 200 triệu đồng, chi quà tri ân thầy, cô dịp 20-11 là 750 triệu đồng, chi hỗ trợ nhà trường chúc mừng thầy cô đầu năm dương lịch là 100 triệu đồng, chi tiền bưu thiếp, in phong bì cho cả năm học 15 triệu đồng…
Một học kỳ thu gần 2,5 tỉ đồng, cả năm học sẽ là gần 5 tỉ đồng. Mỗi phụ huynh sẽ đóng góp khoảng 700.000 đồng/học kỳ. Khoản tiền trên được xây dựng sau khai giảng năm học mới, có nghĩa thời điểm phụ huynh đã đăng ký nhập học cho con vào trường.
Theo quy định, các trường tư thục có quyền thỏa thuận với cha mẹ học sinh về khoản thu, nhưng phải công bố công khai trước khi tuyển sinh. Một khoản thu “khủng” được thông báo khi học sinh đã nhập học là cách làm ép phụ huynh vào thế chỉ có thể “chi”.
Trường này cũng đang thu học phí ở mức cao. Ngoài học phí và quỹ cha mẹ học sinh còn có nhiều khoản chi khác cũng thuộc hàng “VIP” cho các hoạt động giáo dục, tổ chức bán trú… Nhiều phụ huynh sốc vì tưởng rằng những khoản đóng góp được thông báo công khai trước đó đã rất cao thì có nghĩa trường sẽ không thu thêm các khoản phát sinh khác.
Tại Hà Nội, nhiều trường công lập chưa tổ chức họp phụ huynh nhưng đã có những yêu cầu khiến phụ huynh “phải chi”. Ví dụ, một số trường phát sinh thêm các loại đồng phục. Ngoài đồng phục mùa hè, mùa đông (áo khoác), đồng phục thể dục, nhiều trường còn yêu cầu phụ huynh mua đồng phục áo ghi lê, áo len, com lê, tất chân, với tổng số tiền lên tới hơn triệu đồng/combo. Có các trường tiểu học yêu cầu phụ huynh mua “vở đồng phục”.
Một số phụ huynh có con học tiểu học ở quận Cầu Giấy, Hoàng Mai cho biết đã mua vở đồng phục với mức giá 8.000-9.000 đồng/cuốn và phải mua từ 20-30 cuốn. Tham khảo những chia sẻ của các phụ huynh tại Hà Nội thì nhiều người cho biết đang hồi hộp chờ, dự đoán các khoản thu đầu năm cũng không hề giảm so với các năm trước.
“Ngoài các khoản thu bắt buộc và cần thiết như học phí, bảo hiểm y tế, quỹ Đoàn, Đội, tiền phục vụ bán trú, tiền học 2 buổi/ngày, tiền học phẩm cho trẻ mầm non, tiền đồng phục, phù hiệu (với học sinh đầu cấp)… còn phải nộp rất nhiều khoản dưới hình thức tự nguyện: nước uống, vệ sinh, thiết bị khử trùng, phiếu bài tập in, sổ liên lạc điện tử, tiền mua bảng chống lóa, bảng tương tác, máy chiếu, điều hòa, rèm cửa… – một phụ huynh có hai con học tiểu học và THCS tại Hà Nội cho biết về những khoản thu từng đóng góp.
Nhà trường nói gì?
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Phan Hồ Hải – hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ – giải thích: “Các khoản tiền trên là trường dự trù kinh phí để thông tin đến phụ huynh chứ chúng tôi chưa thu gì cả. Năm nay Trường Nguyễn Công Trứ triển khai công tác điểm danh giáo viên, học sinh bằng camera, kể cả khi học sinh đeo khẩu trang thì máy vẫn quét được và báo thông tin về phòng quản lý học sinh.
Ngoài ra, máy này còn có tác dụng phòng chống bạo lực học đường, tức là nếu có chuyện học sinh có nguy cơ xô xát với nhau hoặc đang xô xát với nhau thì học sinh khác có thể ấn nút báo động (được lắp đặt ở các hành lang lớp học). Thông tin này sẽ được truyền ngay cho nhà trường để xử lý kịp thời”.
Về tiền máy tính, ông Hải cho hay: “Đúng là nhà trường có phòng máy tính nhưng máy đã hư hỏng gần hết. Để đảm bảo các điều kiện thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, trường quyết định thuê máy tính mới cho ba phòng máy, mỗi phòng 45 máy tính. Chi phí thuê chia ra theo đầu học sinh khối 10, 11, 12 là 50.000 đồng/tháng/em”.
Tuy nhiên, phụ huynh Trường Nguyễn Công Trứ vẫn thắc mắc: “Theo quy định các nhà trường công lập không được thu khoản tiền cơ sở vật chất, khoản máy tính chính là dùng cho cơ sở vật chất nhà trường. Để triển khai chương trình lớp 10 mới, các trường đều được cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị dạy học. Vậy tại sao Trường Nguyễn Công Trứ vẫn thu khoản này?”.
Giải thích về việc “mua bàn ghế”, bà Nguyễn Thị Thủy, hiệu trưởng Trường Kỳ Trinh, cho biết tiền bàn ghế, bảng là thuộc khoản thu tự nguyện và nói phụ huynh nào không đồng tình thì chọn cho con mình môi trường học tập khác. Cách ứng xử của nhà trường khiến nhiều phụ huynh bức xúc, gửi thư phản ảnh cho báo chí.
Trong cuộc giải trình về sự việc với UBND huyện Kỳ Anh và Phòng GD-ĐT huyện này, hiệu trưởng cho biết đã làm đủ quy trình, chủ trương không thu cào bằng và dự kiến xin hiện vật (bàn, ghế và bảng), nhưng chính phụ huynh nhất trí chọn nhà cung cấp nên đã chia tiền từng học sinh dựa trên sĩ số học sinh/lớp.
Lãnh đạo huyện và Phòng GD-ĐT cũng chỉ phê bình trường về “thái độ” vì trường trưng ra đủ minh chứng về việc “tự nguyện”. Đằng sau câu chuyện này còn nhiều băn khoăn. Vì sao trường học không có bàn ghế để phụ huynh phải quyên góp mới có chỗ ngồi học, trong khi trách nhiệm trong việc này trước hết không phải của phụ huynh.
Những khoản nhà trường được thu
– Học phí
– Bảo hiểm y tế học sinh (thu hộ)
– Quỹ Đoàn, Đội (thu hộ)
– Tiền dạy thêm, học thêm trong nhà trường (theo điều 7 thông tư 17/2012, đây là khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh)
– Tiền quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu (bắt buộc với
học sinh đầu cấp và theo nhu cầu với học sinh các lớp khác)
– Tiền phục vụ bán trú
– Tiền học 2 buổi/ngày
– Tiền học phẩm cho học sinh mầm non.
* Ông Lê Ngọc Điệp (nguyên trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM):
Đừng để phụ huynh nghĩ trường “giật dây”
Trong bối cảnh như hiện nay, việc xã hội hóa giáo dục là nhu cầu tất yếu. Trên thực tế trường nào thực hiện xã hội hóa tốt thì phát triển mạnh.
Tuy nhiên, việc xã hội hóa theo kiểu giao hết cho ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện. Trong đó việc thu tiền tài trợ nhưng thu theo kiểu cào bằng, thu theo kiểu ép buộc, kích động phụ huynh phải đóng… đã khiến cho phụ huynh mất niềm tin vào nhà trường.
Tôi tự đặt câu hỏi tại sao các trường không đặt thùng quyên góp để phụ huynh hỗ trợ theo sức của mình (dĩ nhiên trước đó cần trình bày cụ thể về ý nghĩa, tác dụng, kinh phí… của công trình mà nhà trường kêu gọi phụ huynh ủng hộ).
Nhiều nước tiên tiến họ cũng đang làm theo cách này và khá hiệu quả. Đừng để phụ huynh hiểu sai rằng nhà trường “giật dây” để cho ban đại diện cha mẹ học sinh lạm thu – nghe rất đau lòng!
Khoản nào hội phụ huynh không được thu?
Thông tư 55/2011 ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh đã có những quy định nhằm ngăn ngừa tình trạng các nhà trường sử dụng ban đại diện cha mẹ học sinh làm bàn tay nối dài để lạm thu.
Thông tư này có quy định ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu trường trong việc để xảy ra lạm thu những khoản trái quy định. Hiệu trưởng không thể “đổ cho phụ huynh tự nguyện” còn mình không biết, không liên quan vì các khoản thu, nội dung thu phục vụ hoạt động hay mua sắm hiện vật cho trường phải được hiệu trưởng đồng ý.
Thông tư trên cũng quy định rõ những khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu gồm các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như: tiền bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, đảm bảo an ninh nhà trường; tiền trông coi phương tiện giao thông của học sinh; tiền vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc trang thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục khác…