Lược sử chiếc ghế: Ngồi xuống đây
Lược sử chiếc ghế: Ngồi xuống đây
Trải qua hàng ngàn năm, dù thành phần chính không mấy thay đổi, thiết kế ghế đã có quá trình cải tiến mạnh mẽ và vẫn đang tiếp diễn, tất cả nhằm mang lại trải nghiệm êm ái thoải mái cho người ngồi, nhất là cho dân công sở ngày ngày dán chặt vào những chiếc ghế văn phòng.
“Chiếc ghế là một vật thể cực kỳ phức tạp. Thiết kế một tòa nhà chọc trời gần như dễ dàng hơn” – kiến trúc sư nổi tiếng Ludwig Mies van der Rohe từng viết.
Còn theo kiến trúc sư người Mỹ Witold Rybczynski – tác giả cuốn sách khảo cứu về lịch sử của ghế, Now I Sit Me Down, ghế khác biệt với nhiều thiết kế công nghệ khác, ví dụ như chiếc smartphone thay đổi hằng năm, ở chỗ một mẫu ghế cũ vẫn có thể hữu dụng trong thời đại ngày nay.
Theo Rybczynski, mẫu ghế tựa xuất hiện sớm nhất trong lịch sử được ghi nhận từ một bức tượng gần 5.000 năm tuổi khai quật được ở biển Aegean (Hy Lạp). Bức tượng mô tả một nhạc công chơi đàn harp trên một chiếc ghế phòng ăn với lưng tựa thẳng.
Ghế klismos trên bia đá Xanthippos (Hy Lạp), khoảng 430-20 trước Công nguyên.
Ở thời kỳ này, ghế cũng đã xuất hiện trong văn hóa Ai Cập cổ đại như một chỉ dấu về địa vị xã hội: thường dân hầu hết ngồi trên ghế thấp hoặc nền đất, còn ghế tựa có chỗ nghỉ tay là thứ dành riêng cho giới tinh hoa.
Vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, người Hy Lạp sáng chế ra chiếc ghế kilsmos với bốn chân và tựa lưng cong. “Đây là một trong những chiếc ghế tựa đẹp nhất mọi thời đại” – Rybczynski mô tả. Kiến trúc sư này nhấn mạnh thêm rằng chiếc ghế mang biểu trưng của tinh thần dân chủ Hy Lạp, khi bích họa từ thời kỳ này cho thấy nam, nữ, vua chúa, thánh thần, nhạc công và công nhân cùng ngồi trên một kiểu ghế.
Cũng theo ông, các thiết kế tương xứng về độ thanh lịch với klismos chỉ bắt đầu xuất hiện hơn 2.000 năm sau, trong thời hoàng kim của ghế tựa – với các thiết kế của vua chúa Pháp hay nội thất hạng sang của người Trung Quốc.
Đến thời Trung Cổ, ghế lại một lần nữa được phân tầng theo giai cấp xã hội. Thường dân – đa số là nông dân – thường ngồi trên ghế băng hoặc ghế thấp. Mãi đến thế kỷ 19, ghế có tay và tựa lưng vẫn chỉ được sử dụng cho một số ít nhân vật trong hoàng gia, quan chức chính phủ cũng như giới học thuật.
Chiếc ghế văn phòng đầu tiên được sản xuất hàng loạt – Centripetal Office Chair do Thomas Warren thiết kế – ra mắt năm 1851, trông không quá khác một chiếc ghế hoàng gia theo phong cách Victoria.
Dù vậy, công năng văn phòng của thiết kế này vẫn được coi là một đột phá thời đại, với chân có gắn bánh xe, kèm lò xo và trục xoay 360 độ.
Vào thời điểm ra mắt, Centripetal không được chào đón nhiệt liệt ở các thị trường ngoài Mỹ – vì xã hội thời kỳ Victoria vẫn còn cho rằng việc có một chỗ ngồi dễ chịu là không đứng đắn.
Đến thế kỷ 20, kiến trúc sư và nhà thiết kế lừng danh Frank Lloyd Wright khi làm tòa nhà Larkin Building năm 1904 đã sáng tạo riêng mẫu ghế văn phòng cho công trình này: có thể điều chỉnh độ cao, nhằm giảm thiểu sai lệch tư thế ngồi cho các nữ văn thư.
Tuy vậy, ghế văn phòng Larkin cuối cùng lại không được nhóm này đón nhận nồng nhiệt, thậm chí còn bị gọi với cái tên “ghế tự sát” (suicide chair) do phần chân ngắn dễ gây ngã đổ.
Phải đến sau Thế chiến thứ 2, các kiến thức công thái học (ergonomic, môn khoa học nghiên cứu về thiết kế môi trường làm việc trong tương quan với sức khỏe thể-lý của người lao động) mới dần được đưa vào nội thất.
Cũng không quá khó hiểu: các nghiên cứu công thái học đóng một vai trò quan trọng trong thiết kế vũ khí chiến tranh, cụ thể là buồng lái máy bay và xe tăng.
Những chiếc ghế văn phòng công thái học đầu tiên được sản xuất đại trà năm 1970 – nổi bật nhất là Ergon Chair, chiếc ghế đã trở thành tiêu chuẩn của không gian văn phòng, được Wiiliam Stumpf thiết kế cho công ty nội thất Herman Miller năm 1976.
Đến năm 1994, Stumpf lại cho ra mắt Aaron Chair – một thiết kế ấn tượng khác mà nay đã trở thành khuôn thước cho ghế “công thái học” được giới game thủ lẫn dân văn phòng ngày nay ưa chuộng.
Điểm nổi bật của Aaron Chair nằm ở thiết kế “thác nước” hỗ trợ đường cong thắt lưng, cũng như phần tay và chiều cao có thể điều chỉnh tùy ý muốn.
Với thiết kế có phần đồ sộ và công năng ấn tượng, Aaron Chair còn được biết đến với cái tên “cỗ máy cho việc ngồi”.
Đến nay, ghế công thái học thậm chí đã có nhiều bước tiến xa hơn thiết kế của Wiiliam Stumpf: từ vật liệu thông thoáng khí, độ nghiêng lưng điều chỉnh được đến phần đệm đỡ có khả năng vừa khít lưng, đầu và cổ, những chiếc ghế này đã cải thiện cuộc sống của hàng triệu lao động tri thức trên toàn thế giới.
MR Chair – thiết kế của Mies van der Rohe (1927) lấy cảm hứng từ ghế đung đưa (rocking chair).
Trên các trang bán hàng qua mạng, rất dễ tìm thấy hàng ngàn mẫu ghế công thái học với đa dạng màu sắc, mẫu mã đến giá cả. Tuy nhiên, có một vấn đề không đổi: kiểu dáng của các mẫu này không thoát được sự cứng nhắc có phần công nghiệp.
Trong giai đoạn làm việc từ xa dài hơi vì COVID-19, giới văn phòng, đặc biệt là những người sống trong không gian nhỏ, thiếu phòng làm việc riêng, lập tức nhận ra họ không muốn một “cỗ máy ngồi” choán không gian nhà mình.
“Bạn không thể lấy một chiếc ghế từ văn phòng và cố tân trang nó thành một chiếc ghế gia đình. Hình thái và kích thước của chúng là quá khác biệt” – Greg Allison, kỹ sư Công ty nội thất công thái học Humanscale, nói với trang Quartz.
Thách thức của các nhà thiết kế và sản xuất ghế văn phòng hiện nay là làm sao để chiếc ghế văn phòng trở nên phù hợp hơn với không gian gia đình, trong bối cảnh định nghĩa “văn phòng” vẫn còn đang được viết lại hằng ngày.
Triển lãm 200 năm lịch sử ghế của Vitra Design Museum
Chiếc ghế văn phòng (dù không nhất thiết được đặt ở văn phòng) trong tương lai có thể sẽ nhẹ và dễ di chuyển hơn để phù hợp nếp làm việc trong thời đại mới: người lao động di chuyển liên tục giữa các cuộc họp, nghỉ ngơi, làm việc đứng, thậm chí chăm sóc nhà cửa khi đang làm việc từ xa.
Dù vậy, việc ngồi vẫn sẽ là tư thế thống trị và chiếc ghế cũng sẽ vẫn làm nhiệm vụ tối căn bản của nó. Theo Greg Allison, chiếc ghế của tương lai sẽ phục vụ cả hai nhu cầu đứng và ngồi cùng lúc.
“Hãy tưởng tượng tư thế đứng, nhưng bạn có thể ngả người vào một thứ hết sức vừa tầm. Tôi tưởng tượng ra một chiếc ghế mà bạn có thể sà vào và để tư thế của mình thật thoải mái” – anh chia sẻ.
“Hãy nghĩ đến Ludwig Mies van der Rohe” – Allison nhắc đến nhà thiết kế với các mẫu ghế theo phong cách hiện đại còn được dùng tới ngày nay.
“[Các mẫu ghế này] cùng làm chung một việc, theo cùng một hướng: tái tưởng tượng chiếc ghế gia đình thành ghế công sở. Giờ chúng ta đang đi ngược lại … Cái quan trọng nhất vẫn là nhu cầu của người dùng ở mỗi thời điểm”
Thiết kế ghế văn phòng ngày càng quan tâm đến cột sống của người tiêu dùng, cũng bởi đau thắt lưng (đau lưng vùng thấp – low back pain) đã trở thành một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất trong cuộc sống hiện đại, mà một nguyên nhân phổ biến là cách ngồi của chúng ta.
Rất có khả năng bạn đang ngồi đọc bài viết này. Ngồi không sao cả, miễn là bạn đã không ngồi liên tục trong một giờ qua mà không đứng lên ít nhất một lần.
Các chuyên gia tin rằng lối sống hiện ngồi nhiều, vận động ít làm gia tăng áp lực lên cột sống, khiến chứng đau lưng ngày càng phổ biến. Trong hơn 70 năm qua, tính chất công việc của chúng ta có sự thay đổi lớn: chuyển từ công việc cần vận động nhiều sang việc ít cần vận động hơn.
Theo Đại học Johns Hopkins, các loại công việc liên quan đến hoạt động thể chất hiện chỉ chiếm chưa đến 20% lực lượng lao động ở Mỹ. Hiệp hội Tim mạch Mỹ cũng chỉ ra các loại công việc ít vận động đã tăng 83% kể từ năm 1950.
Năm 2018, tạp chí y khoa Lancet công bố loạt ba bài báo do một nhóm lớn các chuyên gia quốc tế thực hiện khẳng định đau lưng là “triệu chứng vô cùng phổ biến”, ảnh hưởng đến tất cả mọi người, ở mọi độ tuổi. Tại một thời điểm bất kỳ, có khoảng 540 triệu người trên thế giới bị đau lưng.
Theo Hiệp hội Thần kinh cột sống Hoa Kỳ, 80% dân số sẽ bị đau lưng ở một thời điểm nào đó trong đời. Đau lưng làm Mỹ mất hơn 264 triệu ngày làm việc mỗi năm, khiến người Mỹ tiêu tốn ít nhất 50 tỉ USD cho chi phí y tế.
Phân tích 13 nghiên cứu cho thấy trung bình một người ngồi khoảng hơn nửa ngày và nhân viên văn phòng ngồi khoảng 15 giờ mỗi ngày làm việc. Ngồi nhiều liên quan đến khả năng mắc bệnh tim, tiểu đường.
Ít vận động cũng góp phần làm tăng cân, một yếu tố khác gây đau lưng. Làm việc tại nhà đồng nghĩa ngồi nhiều hơn và vận động cũng ít đi vì tất cả hoạt động gói gọn trong bốn bức tường.
Ngồi quá nhiều có hại cho chúng ta vì nhiều lý do. Khi ngồi, lưu thông máu giảm và máu có xu hướng dồn lại ở chân. Các nhóm cơ chính không hoạt động trong khi các nhóm cơ khác bị căng và co cứng.
Cơ mông là một trong những nhóm cơ lớn nhất, mạnh nhất trong cơ thể chúng ta. Khi ngồi, nhóm cơ này không được hoạt động, trong khi các nhóm cơ khác gồm cơ Psoas (cơ nằm sâu trong vùng xương chậu và là một phần của cơ gập hông nối lưng dưới với đùi trên) và cơ gân kheo bị áp lực.
Khi ngồi làm việc, hầu hết mọi người ngồi với tư thế cúi đầu về phía trước hoặc nhìn xuống, vai hướng vào trong và lưng trên khom, cong hoặc gập về trước. Những tư thế này gây căng thẳng lên các cơ dựng cột sống, nhóm cơ giúp chúng ta đứng thẳng.
Ngồi nhiều cũng ức chế cơ bụng, làm thay đổi tư thế ở cổ và lưng trên, ảnh hưởng đến chuỗi chuyển động của cơ thể. Ngồi lâu sẽ tạo ra và kéo dài một chu kỳ có hại. Đầu tiên ngồi nhiều gây ức chế và yếu cơ, yếu cơ dẫn đến những thay đổi trong tư thế ngồi. Tư thế ngồi kém lại gây đau lưng nhiều hơn.
Cách dễ thực hiện để cải thiện tình trạng đau lưng và sức khỏe của chúng ta nói chung là vận động nhiều hơn mỗi ngày và có tư thế ngồi đúng. Lời khuyên là nên ngồi thẳng đầu, không ngoẹo sang một bên. Tránh cong lưng và nếu có thể, hãy ngả ghế về phía sau một chút để giúp giảm bớt áp lực lên cột sống với hai bàn chân đặt chắc chắn, rộng bằng vai trên sàn.
Và dù tư thế ngồi có tốt đến đâu, hãy thường xuyên đứng lên, vươn vai và đi lại. Bạn nên đứng lên vận động sau mỗi 20-30 phút. Động tác đơn giản này sẽ có tác động tích cực đến lưng và giúp tăng lưu lượng máu đến lưng và chân.
Đau lưng có thể khiến chúng ta sợ vận động và chọn nằm nghỉ ngơi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nằm nghỉ làm cơn đau lưng tệ hơn và càng khiến chúng ta càng sợ vận động.
Nhưng không vận động thì cơn đau lưng càng xấu đi. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, thể dục, chứ không phải thuốc giảm đau, là cách điều trị tốt nhất với đau lưng. Nếu có thể, hãy đi bộ 10.000 bước chân hay ít nhất 30 phút mỗi ngày và thực hiện khoảng 3-5 lần mỗi tuần.