26/11/2024

‘Thuốc’ nào trị cua rơ phóng ‘vèo vèo’, vượt đèn đỏ?

‘Thuốc’ nào trị cua rơ phóng ‘vèo vèo’, vượt đèn đỏ?

Tập luyện thể thao tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, lợi dụng mục đích tốt này, một số người phóng xe đạp bất chấp luật giao thông, xem thường tính mạng mình và người khác. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online hiến kế trị căn bệnh ngông nghênh này.

 

Thuốc nào trị cua rơ phóng vèo vèo, vượt đèn đỏ? - Ảnh 1.

Một tốp xe đạp chạy “băng băng” trong làn ô tô, bất chấp nguy hiểm, sáng 20-9 – Ảnh: MINH HÒA

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, thời gian qua vào những lúc sáng sớm hay chiều muộn, một số tuyến đường lớn ở TP.HCM như: Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ… xuất hiện nhiều nhóm đi xe đạp thể thao với hình ảnh khá bắt mắt: loại xe “xịn sò”, trang phục nổi bật… không thua gì các cua rơ thứ thiệt.

Và càng gây chú ý hơn nữa khi phần lớn nhóm người này vô tư chạy xe đạp vào làn ô tô, lạng lách, dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ… Thậm chí, họ chạy thành đoàn trong làn ô tô bất chấp luật giao thông, nguy hiểm.

Không chỉ xe đạp chạy ngông nghênh vượt đèn đỏ, chạy vào làn ô tô…, dân chạy bộ cũng hay chạy ngoài lòng đường. Như khu vực Sala, họ chạy như thể là đường của họ. Muốn thể hiện tinh thần thể thao nhưng chưa thấy thể thao đâu, chỉ thấy vi phạm giao thông, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông thôi.

Trích ý kiến bạn đọc Trí

Quan sát thấy việc đạp xe thể thao kiểu này đã thành phong trào, nếu không có biện pháp chấn chỉnh sẽ gây thêm phiền toái cho người đi đường, bạn đọc Tuan Anh phản ảnh: “Tình trạng này diễn ra khắp nơi chứ không riêng gì Hà Nội hay TP.HCM. Tôi ở Vũng Tàu cũng thường xuyên gặp cảnh này trên đường 30-4. Xe đạp đi dàn hàng ngang lấn chiếm hết làn ô tô hay làn xe 2-3 bánh, rất khó chịu”.

Tập luyện thể thao tốt cho sức khỏe. Người tập luyện thể thao phong trào đầu tiên là có ý thức giữ gìn sức khỏe bản thân, tuy nhiên sao nhóm người này lại vô ý thức nơi công cộng?

Đi tìm đáp án cho câu hỏi này, bạn đọc Da Nang viết: “Tôi không hiểu từ bao giờ mà người đi xe đạp ngang nhiên đạp xe bất cứ làn đường nào họ thích. Chắc họ nghĩ xe đạp là xe thô sơ, công an giao thông không quan tâm tới nên mấy xe này làm loạn”.

“Người đi xe đạp thể thao thường lấn làn xe hơi và rất hiếm khi dừng xe chờ đèn đỏ. Có lẽ họ nghĩ rằng đang tập luyện, dừng sao đúng tinh thần thể thao, hoặc họ cho rằng xe đạp thể thao là xe ưu tiên?” – bạn đọc Longo thêm vào.

Là nạn nhân của những kiểu chạy xe ngông nghênh này, bạn đọc Hoangvu viết: “Tôi thường xuyên gặp cảnh này nên hiểu rất rõ. Mình chạy xe phía sau nhấn còi xin vượt nhưng bọn họ vẫn thản nhiên chạy dàn hàng ngang như không có chuyện gì xảy ra. Nhiều người bức xúc to tiếng chửi nhưng họ vẫn phớt lờ xem như đường dành riêng cho họ vậy”.

Ý thức quá kém khi tham gia giao thông, hoặc họ hiểu vì là xe đạp thể thao nên được ưu tiên? Từ đó, câu hỏi tiếp theo đặt ra: Vậy những cua rơ ngông nghênh kể trên là ai?

Về ý này, bạn đọc Nhân viết: “Toàn mấy bác trung niên, có điều kiện, chạy xe đắt tiền không đấy. Nhưng ý thức giao thông thua đứa trẻ lên ba”.

Theo bạn đọc này, sở dĩ họ dám chạy sai luật bởi luật chúng ta còn nhẹ với xe đạp. Việc này cũng có phần khách quan là trước đây những người kinh tế thấp, học sinh mới đi xe đạp. Tuy nhiên, với các cua rơ nên cho họ một điều riêng “tịch thu chiếc xe”. Có như vậy họ mới tởn.

Và theo một số bạn đọc, chỉ có sự nghiêm khắc của cảnh sát giao thông mới giúp các cua rơ ngông nghênh này “hiểu rõ vấn đề”.

Về ý này, bạn đọc An đề nghị: “Mức phạt cần hiệu chỉnh cho phù hợp với kinh tế người đi xe đạp. Ngày trước đi xe đạp do kinh tế không có điều kiện, ngày nay đi xe đạp còn đắt tiền hơn cái xe máy thấp cấp thì phải xử phạt nhiều tiền hơn họ mới sợ”.

Thêm vào, bạn đọc Lưu Huỳnh viết: “Đạp xe rèn luyện sức khỏe, bảo vệ môi trường là tốt, nhưng nên có ý thức. Đối với những người này thì xe của họ lên tới vài chục hoặc cả trăm triệu, phạt 200.000 đồng xem như muỗi đốt inox!”.

Tìm thuốc trị bệnh “ngông” của những cua rơ phong trào này, bạn đọc Quốc Tâm bổ sung: “Phải chụp hình, đăng báo, nêu gương “người xấu, xe xấu, ý thức xấu” thì may ra mới khá được. Chứ chế tài như này thì còn dài dài”.

Nhằm dung hòa để vừa có sân chơi của các cua rơ phong trào đồng thời không ảnh hưởng đến giao thông, bạn đọc Hùng Vượng đề nghị: “Cũng nên nghiên cứu để người dân đạp xe tập thể dục. Vào sáng sớm không có xe ô tô thì người dân đạp vào làn này có sao đâu. Kêu gọi người dân tập thể dục, đi xe đạp để khỏi ô nhiễm môi trường giờ đi phạt thì coi như thua”.

Bạn từng là nạn nhân của các cua rơ ngông nghênh? Theo bạn, làm cách nào để giải quyết triệt để vấn nạn này? Cần bổ sung giải pháp nào để người đạp xe thể thao có sân chơi nhưng không vi phạm luật giao thông?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế… kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected][email protected]. Cảm ơn bạn!

 

TR.D tổng hợp
TTO