Vì sao giáo viên nghỉ việc?: Nước mắt nhà giáo
Vì sao giáo viên nghỉ việc?: Nước mắt nhà giáo
Khi kết thúc chuyện, phụ huynh quên tắt điện thoại mà quay qua với người bên cạnh rằng: ‘Cô này đến ngày lễ tết phải có quà, chứ không nó đì con mình’. Bên kia đầu dây, cô giáo nghe hết câu chuyện, và nước mắt tuôn rơi…
Cách đây khoảng 10 năm, khi còn là bí thư Đoàn trường của một trường THPT ở TP. Đà Lạt, tôi thường được giao nhiệm vụ dẫn chương trình các buổi lễ lớn, đặc biệt trong lễ kỷ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11. Những lúc ấy, tôi thường trích dẫn câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.
Bằng những nỗ lực của toàn ngành, từ lãnh đạo đến từng giáo viên, hy vọng sẽ tìm lại sự vinh quang đích thực của nghề dạy học Đ.N.T |
Nghề giáo bị “méo mó” trong cách nhìn của xã hội
Cho đến khi trong một buổi cà phê, một thầy giáo lớn tuổi kể chuyện trong quán phở thầy ăn sáng hôm 20.11 năm ấy, ông chủ quán phở không tiếc lời mạt sát các giáo viên trường con ông ta đang học vì (ông ta cho rằng) đây là cái ngày “làm tiền, làm quà” của giáo viên. Đau đớn hơn, nhiều thực khách trong quán cũng tán đồng ý kiến đó. Nhìn người thầy già rít điếu thuốc lá, trầm ngâm, tôi, một giáo viên trẻ lúc bấy giờ, bỗng thấy hoang mang với nghề đã chọn.
Những năm sau đó, đi cùng với sự phát triển của xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, thì những tiêu cực, các góc khuất trong ngành giáo dục được bóc ra nhiều, trần trụi hơn bao giờ hết.
Các nhà giáo trong ánh mắt phán xét của xã hội bỗng trở nên “trần trụi” hơn bao giờ hết. Những hình ảnh thầy cô cặm cụi bên trang giáo án, đến lớp ngày nắng mưa mà trong các bài văn, bài thơ ngày xưa đã bị thay thế bởi những vụ mua bán điểm số, gạ tình, lạm dụng, bạo lực học đường… Những điều này đã làm nghề giáo bị “méo mó” trong cách nhìn của xã hội, của phụ huynh, và đương nhiên, trong cả các em học sinh nữa.
Nhiều phụ huynh chỉ đon đả, ngọt nhạt với giáo viên trước mặt, nhưng sau lưng, họ buông ra biết bao nhiêu lời cay nghiệt với người mà con họ, và cả họ, gọi là thầy, là cô.
Cô đồng nghiệp kể một câu chuyện mà rơm rớm nước mắt rằng, phụ huynh một học trò gọi điện chúc tết, rất vui vẻ, thân thiện, hẹn cô sẽ dẫn con đến nhà chúc tết cô. Nhưng khi kết thúc chuyện, phụ huynh đã quên tắt điện thoại mà quay qua với người bên cạnh rằng: “Cô này đến ngày lễ tết phải có quà, chứ không nó đì con mình”. Bên kia đầu dây, cô giáo nghe hết câu chuyện, và nước mắt tuôn rơi.
Ngọn lửa nghề cũng dần lụi tàn
Chưa nói đến chế độ đãi ngộ, lương bổng, hay áp lực công việc. Chỉ riêng việc bị “thất sủng”, ghẻ lạnh của xã hội, sự coi thường của nhiều phụ huynh, và học sinh chỉ vì “những con sâu trong ngành”, cũng đủ để các giáo viên có tự trọng, nhân cách và liêm sỉ cảm thấy chán nản, ngọn lửa nghề cũng dần lụi tàn. Thế nên, tôi cũng không thấy ngạc nhiên khi tỷ lệ giáo viên bỏ việc ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.
Năm 2022 là kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi ước mong những thầy cô đang dạy học, hay những em sinh viên sư phạm sẽ đốt lên trong mình ngọn lửa yêu nghề. Và bằng những nỗ lực của toàn ngành, từ lãnh đạo đến từng giáo viên, sẽ tìm lại sự vinh quang đích thực của nghề dạy học, với ánh hào quang là sự trung thực, sự tử tế, nhân cách cao thượng và đạo đức nghề nghiệp sáng ngời.
NGUYỄN HIỂU QUÂN
TNO