24/11/2024

4 biến thể phụ của Omicron đang lây nhanh ở Việt Nam, nguy hiểm cỡ nào?

4 biến thể phụ của Omicron đang lây nhanh ở Việt Nam, nguy hiểm cỡ nào?

Thời gian qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày, ngày 16 và 18-8 con số này vọt lên trên dưới 3.000 ca, cao nhất trong 3 tháng gần đây. Ngày 17-8, cả nước ghi nhận 3 ca tử vong, cao nhất trong nhiều ngày trở lại đây.

4 biến thể phụ của Omicron đang lây nhanh ở Việt Nam, nguy hiểm cỡ nào? - Ảnh 1.

Các y bác sĩ tại Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay tại Việt Nam đang có 4 biến thể phụ của Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.12.1 và BA.2.74) với khả năng lây lan nhanh hơn chủng gốc. Vậy người dân cần phải làm gì để phòng chống biến thể mới này?

 

Đừng quá lo lắng!

Tại Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 Hà Nội, tuần qua số lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng trở lại, trong khi có thời điểm địa chỉ này chỉ còn vài ca bệnh. Theo đại diện bệnh viện, hiện bệnh viện duy trì điều trị cho khoảng 35-37 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân có bệnh lý nền, chuyển nặng.

Ông Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM), cho biết trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện có xu hướng gia tăng, trước đây thường chỉ có 1 bệnh nhi nằm điều trị/ngày thì ngày 18-8 đã có tới 6 bệnh nhi. Trong 6 bệnh nhi này có 1 bệnh nhi phải thở ôxy dòng cao.

Theo ông Tiến, hiện những bệnh nhi này chưa được xác định có bị nhiễm biến chủng mới hay không, nhưng có vấn đề rõ ràng là biến chủng mới dễ lây lan, ở trẻ em biến chủng mới có thể gây ra tình trạng suy hô hấp. Do biến chủng mới liên tục xuất hiện, hiện thế giới cũng chưa ghi nhận hết được những nguy hiểm của biến chủng này gây ra ở trẻ em, các bác sĩ khi tiếp nhận ca bệnh đều phải điều trị và theo dõi sát sao.

Trao đổi Tuổi Trẻ, ông Trần Đắc Phu – cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) – nhận định số ca mắc mới được thông báo hiện nay vẫn thấp hơn so với thực tế.

“Nhiều người xét nghiệm dương tính nhưng triệu chứng nhẹ không khai báo; hoặc những người không có triệu chứng nên không xét nghiệm nhưng vẫn tồn tại trong cộng đồng và là nguồn lây. Vì vậy số ca mắc thông báo thấp hơn thực tế.

Bên cạnh đó, virus có thể tồn tại lâu dài, có thể tiến hóa theo chiều hướng nhẹ đi và lưu hành lâu dài như cúm mùa. Tuy nhiên, virus cũng có thể xuất hiện biến chủng nặng hơn hoặc vô hiệu hóa vắc xin, thực tế đang diễn biến phức tạp, khó lường”, ông Phu nói.

Về biến chủng phụ BA.2.74 vừa được phát hiện, theo ông Phu, đây vẫn là biến chủng của chủng gốc Omicron, vì vậy người dân không quá lo lắng. “Đến nay chưa có kết luận rõ ràng về biến chủng phụ này. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, các biến chủng phụ mới này lây lan nhanh và có lẩn tránh miễn dịch”, ông Phu cho hay.

Giám sát ca bệnh, tiêm chủng vắc xin

Gần đây Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện củng cố đơn vị điều trị COVID-19, sẵn sàng kích hoạt bệnh viện dã chiến 13, khi số ca mắc và ca nặng tăng. Trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chuẩn bị nguồn nhân lực để kích hoạt bệnh viện dã chiến này khi có yêu cầu, đồng thời xây dựng các tình huống tương ứng với các kịch bản về số ca nặng cần thu dung, điều trị

Sở cũng yêu cầu tất cả bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở khám chữa bệnh rà soát nguồn nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân… Các cơ sở tăng cường sàng lọc, phân luồng, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 để cách ly điều trị và chăm sóc, hạn chế lây lan.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong. Đặc biệt bộ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin cho những người có nguy cơ chuyển nặng cao.

Theo ông Phu, để phòng chống dịch hiệu quả vẫn cần duy trì 2 biện pháp. Thứ nhất, ngành y phải tiếp tục giám sát đánh giá tác động, đánh giá đúng nguy cơ để đáp ứng phù hợp. Thứ hai là tổ chức việc dự phòng cá nhân, người dân không chủ quan lơ là, dẫn tới bệnh lây lan nhanh. Vẫn cần thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ. Ngoài ra, phải bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương là người già, người bệnh nền, người suy giảm miễn dịch.

Ông Phu cũng nhận định COVID-19 không biến mất, có thể trở thành bệnh cúm mùa, vì thế người dân không nên chủ quan mà lơ là các biện pháp phòng dịch. Thời gian qua ghi nhận nhiều ca tái nhiễm, thậm chí có người nhiễm lần thứ 3, thứ 4.

“Hiện vắc xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, tránh việc bệnh tăng nặng, chống quá tải hệ thống y tế, giảm tỉ lệ tử vong. Đặc biệt vắc xin vẫn có giá trị với các biến thể mới. Do vậy những ai chưa tiêm hoặc trì hoãn tiêm, khi được tiêm nên tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại theo đúng chỉ định của Bộ Y tế”, ông Phu khuyến cáo.

Trước xu hướng trẻ em mắc bệnh COVID-19 tăng, sắp tới ngày tựu trường, ông Tiến khuyên các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi chích ngừa vắc xin phòng COVID-19.

 

TP.HCM: 170 ca/ngày

Trong ngày 17-8, qua hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã phát hiện có 170 ca mắc mới (trong đó đã bổ sung 22 ca mắc mới từ các ngày trước).

Số ca nhập viện trong ngày là 34 ca, số ca đang điều trị tại bệnh viện 211 ca.

Không có ca tử vong trong ngày, tính đến hiện tại có 20.488 ca tử vong cộng dồn.

DƯƠNG LIỄU – THÙY DƯƠNG
TTO