Tự chủ đại học và học phí: Để trăm dâu không đổ đầu… học phí
Tự chủ đại học và học phí: Để trăm dâu không đổ đầu… học phí
Tăng nguồn thu từ các hoạt động khoa học công nghệ, tài trợ sẽ giúp giảm áp lực tài chính lên người học trong khi vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả của trường.
Cả nước hiện có tổng cộng 141/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2, điều 32 Luật giáo dục ĐH (không tính các trường ĐH thuộc khối công an, quân đội; các trường ĐH quốc tế).
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và đào tạo, nguồn thu từ các dịch vụ khác chiếm tỉ lệ rất thấp, chủ yếu nguồn thu của nhà trường vẫn là nguồn học phí. Nghị định 81 là cơ sở để nhiều trường ĐH tăng học phí, trong số này nhiều trường tăng kịch trần.
Tác động tiêu cực
PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy – trưởng ban kế hoạch tài chính ĐH Quốc gia TP.HCM – nhận định mặt trái của việc tăng học phí trong các trường ĐH công lập tự chủ có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ ĐH.
Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của đất nước cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng học phí. Hiện nay, với cùng một mức chi trả học phí, người học bắt đầu giảm lựa chọn học các ngành khoa học cơ bản để theo học các ngành mang tính “hot”, bởi vì cơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn.
Ông Lê Trường Tùng – chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT – cho rằng tài chính của trường ĐH có thể đến từ nhiều nguồn, từ học phí người học (tự đóng hoặc vay tín dụng), từ ngân sách nhà nước, từ hiến tặng, từ các nguồn thu qua hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ và đầu tư.
“Việc quá nhấn mạnh yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ, trong bối cảnh các nguồn thu khác hạn chế sẽ dẫn đến một nền giáo dục ĐH xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học. Nền giáo dục này sẽ như thế nào và đi về đâu?” – ông Tùng đặt vấn đề.
Trong khi đó, theo TS Ellie Phương Nguyễn – giảng viên ĐH bang Oklahoma, Hoa Kỳ, nguồn thu các trường ĐH ở Mỹ không chỉ đến từ học phí mà từ rất nhiều nguồn như: đóng góp từ cựu sinh viên và các nguồn từ thiện để lập quỹ đầu tư cho trường.
Trường càng có danh tiếng và cựu sinh viên thành công thì nguồn này càng lớn, lên đến vài trăm triệu hay vài chục tỉ đôla như Havard. Ngoài ra còn có tiền hỗ trợ từ liên bang tùy vào trường công hay tư, tiền đóng vào từ quỹ nghiên cứu của giáo sư…
Đa dạng nguồn thu
Máy cắt vớt lục bình có lẽ là sản phẩm nghiên cứu, chuyển giao và thương mại hóa tốt nhất của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đến thời điểm này. Đó không chỉ là thành quả nghiên cứu khoa học mà còn là sản phẩm giúp giải quyết các vấn đề của cộng đồng cũng như gia tăng nguồn thu cho trường. Từ đặt hàng hai máy ban đầu của UBND TP.HCM, đến nay sản phẩm này của trường đã qua nhiều lần cải tiến, nâng cấp và được thương mại hóa rộng rãi. Nhiều đơn vị, tỉnh thành đã đặt mua.
Ở thời điểm hiện tại, giá mỗi máy dao động từ 3 đến 5 tỉ đồng, phí đào tạo 100 triệu đồng. Trong khi đó, giá nhượng quyền công nghệ và bản vẽ thiết kế cũng có giá 3 tỉ đồng. PGS.TS Trịnh Ngọc Nam – trưởng phòng quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – cho biết đây là sản phẩm nghiên cứu, chuyển giao và thương mại thành công nhất của trường.
Theo PGS.TS Lâm Quang Vinh – trưởng ban khoa học công nghệ ĐH Quốc gia TP.HCM, mỗi năm các trường, đơn vị thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đã chuyển giao công nghệ với doanh thu hàng trăm tỉ đồng. Riêng năm 2017 đạt hơn 249 tỉ đồng, năm 2016 đạt hơn 257 tỉ đồng. Số liệu năm 2017 cho thấy gần 60% doanh thu đến từ dịch vụ kỹ thuật cho công nghiệp, 25% từ dịch vụ tư vấn, 9% từ chuyển giao công nghệ, 2% từ đào tạo, 5% còn lại từ các dịch vụ khác.
Tính riêng tại Trường ĐH Bách khoa, mỗi năm doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ, thực hiện đề án khoảng 150 tỉ đồng trong tổng số 700 tỉ doanh thu của trường. PGS.TS Trần Thiên Phúc – phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết khi tự chủ, các trường bị cắt kinh phí từ Nhà nước nên việc tăng học phí là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tăng như thế nào tùy thuộc vào mỗi trường.
“Trường xác định tăng nguồn thu từ nhiều nguồn khác để bù vào đảm bảo các hoạt động của trường, không phải tăng học phí quá nhiều. Phần học phí tăng thêm kia sẽ quay trở lại phục vụ sinh viên, đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo” – ông Phúc nói.
Ngoài học bổng do các trường ĐH thành viên vận động trực tiếp từ cựu sinh viên, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, ĐH Quốc gia TP.HCM còn vận động các chương trình học bổng thông qua quỹ phát triển của ĐH này. Từ năm 2019-2022, quỹ đã huy động được tổng cộng 113,38 tỉ đồng. Quỹ đã tài trợ, cấp học bổng và cho sinh viên vay lãi suất 0%. Thời gian vay tối đa 8 năm, giá trị vay bằng học phí tại cơ sở đào tạo. Sinh viên ra trường 1 năm sau mới bắt đầu trả tiền vay.
Tinh giản chương trình đào tạo
Những năm qua, Trường ĐH Văn Hiến thực hiện chính sách hỗ trợ một phần học phí cho thí sinh trúng tuyển nhập học vào trường – Ảnh: V.H.
Trong bối cảnh nhiều trường chưa đa dạng được nguồn thu để giảm gánh nặng lên việc tăng học phí, ông Hoàng Ngọc Vinh – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và đào tạo – cho rằng trường ĐH cần cải thiện năng suất và hiệu quả quản lý, khi đó giảm chi phí.
“Chương trình đào tạo quyết định chi phí lao động của giảng viên và cán bộ quản lý, chi phí không gian, chi phí cơ hội, chi phí năng lượng, vật tư… Nếu chương trình không được thiết kế tinh giản, lược bớt những môn học không giúp cải thiện cơ hội việc làm cho sinh viên mà hạch toán tính vào chi chí là không công bằng. Trước mắt cần rà soát lại chuẩn đầu ra và cấu trúc lại chương trình để giảm chi phí cho nhà trường và thực chất là giảm học phí cho người học” – ông Vinh đề xuất.
Trong khi đó, tiến sĩ xã hội học Lê Minh Tiến cho rằng việc tăng học phí ĐH chắc chắn tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục ĐH. Ông Tiến kiến nghị Nhà nước dù trao cho các trường ĐH tự chủ nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ tài chính cho các trường. Nhà nước cũng có thể lập một quỹ cho các trường ĐH vay với lãi suất thấp để đầu tư, khi đó áp lực hay biên độ tăng học phí của các trường sẽ giảm và điều này cũng giảm áp lực học phí lên vai người học.
Có lộ trình cắt giảm ngân sách
Để giảm áp lực tài chính cho sinh viên, ông Nguyễn Ninh Thụy đề xuất cần có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường ĐH tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường ĐH đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm), để đảm bảo việc tăng học phí của các trường ĐH tự chủ phải theo lộ trình.
Huy động nguồn hiến tặng
Theo ông Lê Minh Tiến, điểm yếu của các trường ĐH Việt Nam là khả năng thu hút được nguồn tài chính từ hiến tặng từ cựu sinh viên và doanh nghiệp quá khiêm tốn. Nếu có thì chủ yếu đến từ các mối quan hệ cá nhân của lãnh đạo các trường chứ chưa trở thành một chiến lược, một chính sách xuyên suốt của các trường.
Để làm được điều này thì dĩ nhiên, các trường phải có sự minh bạch về tài chính và phải có trách nhiệm giải trình trước xã hội. Các trường có thể ký kết hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp hỗ trợ tài chính và các trường hỗ trợ lại bằng cách đào tạo nhân lực hoặc các khóa ngắn hạn cho doanh nghiệp và ưu tiên chuyển giao công nghệ, những kết quả nghiên cứu mới của các trường cho doanh nghiệp…
“Để học phí không đè nặng người học”
Đây là chủ đề của tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 18-8 với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo, chuyên gia giáo dục, đại diện các trường ĐH. Tọa đàm nhằm chia sẻ các giải pháp tăng nguồn thu cho các trường từ các hoạt động ngoài học phí để giảm áp lực lên việc tăng học phí, giảm gánh nặng tài chính cho người học cũng như các chính sách hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên.
Từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi email tới [email protected] để đặt câu hỏi hoặc chia sẻ quan điểm, góc nhìn, giải pháp với các khách mời của tọa đàm.