Biến Hà Nội xấu cả kilomet thành đẹp từng centimet
Biến Hà Nội xấu cả kilomet thành đẹp từng centimet
Nhiều kiến trúc sư, hoạ sĩ, nhà nghiên cứu đã cùng thảo luận với mong muốn giúp không gian công cộng ở Hà Nội trở nên phong phú hơn, đẹp hơn.
Thành công từ phố cổ
TS-KTS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), vẫn nhớ những ngày trên phố Đào Duy Từ còn là một tụ điểm ma túy. “Nếu đi qua đây những năm 1980 sẽ ngửi thấy mùi thuốc phiện vì chỗ này là một ổ buôn bán thuốc phiện. Trước đó nó là rạp Lạc Việt bị cháy. Sau đó, TP tập trung vào việc biến địa điểm thành không gian công cộng, mở rộng những chức năng khác nhau”, ông Long chia sẻ tại tọa đàm về thiết kế công cộng cho Hà Nội diễn ra hôm qua (10.8).
Mẫu hàng rào từ song cửa Hà Nội cũ của nhà thiết kế Diego Cortizas del Valle ASHUI CUNG CẤP |
Tụ điểm ma túy ngày nào giờ chính là Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ. Những hoạt động văn hóa cho cộng đồng được tổ chức liên tiếp tại đây. Trung tâm này giờ đây là một không gian công cộng có hoạt động đều đặn.
Ông Phạm Tuấn Long cho biết ở Q.Hoàn Kiếm, các thiết chế đô thị được xây dựng rất đầy đủ. Chính vì thế, việc giãn dân rất khó. “Vì thế, chúng tôi quyết định nếu không tổ chức tốt không gian đi bộ cho người dân, sẽ tạo bức xúc cho chính người sống chật chội. Nên chúng tôi chọn đầu tư cải tạo không gian công cộng và nâng cấp thiết chế văn hóa”, ông Long nhớ lại.
Phố đi bộ hồ Gươm được ấp ủ ý tưởng nhiều năm cho tới khi ra đời vào 2016. Khi triển khai phố đi bộ, có tới 54 cửa hàng xung quanh ở Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng. Những cửa hàng chuyên bán va li Trung Quốc cũng chuyên lấn vỉa hè. “Chính vì vậy, chúng tôi quyết định cứ tổ chức, cứ cấm đường rồi việc cải tạo chỉnh trang nâng cấp sau, chứ chờ chỉnh trang thì không biết đến bao giờ mới tổ chức được. Đây là một quyết định sáng suốt của TP thời điểm đó”, ông Long nhớ lại. Giờ đây, các tuyến phố đi bộ đã cho thấy giá trị văn hóa và cả kinh tế. Phố Tạ Hiện thời điểm bắt đầu chỉnh trang tiền thuê một ki ốt 50 m2 mới 5 triệu đồng/tháng thì tới 2020 đã lên tới 50 – 70 triệu đồng/tháng. Phương án không gian phố đi bộ hồ Gươm cũng được giải thưởng đặc biệt của Hội Quy hoạch VN.
Ông Long cũng cho biết tới đây Q.Hoàn Kiếm tiếp tục nghiên cứu mở rộng không gian đi bộ, các khu dịch vụ ăn uống. Lãnh đạo quận xác định Hoàn Kiếm là trung tâm văn hóa. “Chúng tôi đang muốn tạo dựng Hoàn Kiếm thành quận nghệ thuật, quận văn hóa. Chúng tôi đang tạo môi trường để văn nghệ sĩ trí thức quay lại để tạo các thiết chế văn hóa tốt hơn. Trong năm nay giải phóng mặt bằng xung quanh đền Bà Kiệu, tháng sau cải tạo vườn hoa Con cóc. Sau đó, chúng tôi tiến ra sông Hồng, rà soát để phát triển không gian công cộng. Tại sao ra nước ngoài chụp ảnh chỗ nào cũng đẹp, mà chúng ta cứ phải chọn điểm check in, vì ta phải tránh chỗ xấu, chọn chỗ đẹp”, ông Long nói.
Những không gian công cộng giàu tính nghệ thuật sẽ thu hút người dân YÊN THẾ |
Để Hà Nội đẹp từng centimet
Nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn cho biết thiết kế không gian công cộng cũng chính là một trong những đề bài của Tuần lễ thiết kế sáng tạo VN 2022. Theo đó, đề bài là “Hanoi Design City – Hà Nội đẹp từng centimet”. Ông Tuấn giải thích về đề bài này, việc thiết kế cần theo xu hướng là “giảm cứng hóa, tăng xanh”. Các thiết kế không gian công cộng cho Hà Nội cũng cần tăng cường vật liệu giảm khí thải carbon.
Thêm vào đó, cuộc thi cũng đánh giá cao ý tưởng để KTS, nghệ sĩ, người dân, tổ dân phố tham gia thiết kế, nói cách khác là kết nối sự tham gia của người dân vào tạo dựng không gian công cộng.
Ông Tuấn cũng đưa ra nhiều ví dụ về thiết kế không gian công cộng mà ông mong mỏi sẽ có tương tự tại Hà Nội. Chẳng hạn, tại Hà Lan có những thiết kế bồn tiểu công cộng có trồng cây ở trên. Những thiết kế xanh này được đặt nhiều nơi và đã làm giảm 70% nạn tiểu bậy trên đường phố.
Ông Lê Việt Hà, một thành viên Ban tổ chức Tuần lễ thiết kế VN, lại đưa ra ví dụ về hàng rào của cố nhà thiết kế Tây Ban Nha, ông Diego Cortizas del Valle. Theo đó, từ ý tưởng thiết kế tận dụng chấn song cửa cũ Hà Nội, ông đã dùng chúng làm làm hàng rào. Hoàn toàn có thể dùng những hàng rào giàu màu sắc văn hóa này để ngăn đường ở phố đi bộ.
TS Trần Hậu Yên Thế lại chia sẻ về dự án không gian công cộng mà anh đang phối hợp với nhóm “Cùng dính” thiết kế cho Hà Nội. Đó là một cây cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, sẽ được vẽ sao cho người đi có cảm giác như đi vào thủy cung, vì phía bên kia cầu là sông Hồng. “Hà Nội bây giờ đang xấu từng kilomet, nên sẽ phải làm đẹp lại từng centimet”, ông Thế nói.
TRINH NGUYỄN
TNO