Giá bảo hiểm lạc hậu, bệnh viện muốn tính đủ viện phí
Giá bảo hiểm lạc hậu, bệnh viện muốn tính đủ viện phí
Viện phí và thực hiện khám chữa bệnh từ xa như thế nào cho hiệu quả, đúng pháp luật là 1 trong 2 vấn đề được bàn kỹ nhất tại hội thảo về dự thảo Luật khám chữa bệnh sửa đổi do Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 9-8.
Viện phí hiện hành được điều chỉnh từ cách đây gần 10 năm hiện đã bị các bệnh viện công kêu là “nhiều dịch vụ lỗ vốn”, yêu cầu bệnh viện tự chủ nhưng viện phí mới cho thu 4/7 yếu tố cấu thành, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định vào viện phí hiện hành.
Chính vì vậy việc điều chỉnh viện phí lần này là bắt buộc để gỡ bớt áp lực cho bệnh viện công, nhưng tăng thế nào để tăng được cả chất lượng dịch vụ ở bệnh viện công, điều mà ngành y tế đã hứa trong các lần điều chỉnh viện phí trước đây nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của người dân.
Điều chỉnh sớm hơn, không chờ luật?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết phí một lượt siêu âm ổ bụng tại bệnh viện ông hiện nay là 43.900 đồng, với mức phí này ông Cơ cho rằng thu hết khấu hao của một máy siêu âm cũng không đủ chi phí mua máy, chưa tính đến nhân lực khám chữa bệnh, chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng bệnh viện…
Một giám đốc bệnh viện khác cũng chia sẻ so với viện phí của bệnh viện tư thì viện phí bệnh viện công (giá bảo hiểm chi trả) đã rất lạc hậu, bất hợp lý, với các bệnh viện tự chủ thì thu không đủ bù chi, không đủ nguồn lực chi lương và thu nhập tăng thêm cho y bác sĩ, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”, y bác sĩ lành nghề nối nhau rời khu vực công lập, vì thế cần viện phí tính đúng tính đủ.
Theo các ý kiến tại hội thảo, vấn đề viện phí có mặt trong dự thảo luật, nhưng có lẽ sẽ điều chỉnh sớm hơn theo các quy định hiện hành mà không chờ luật. Cụ thể nguyên tắc tính viện phí mới đã được các ngành chức năng thông qua sẽ theo hướng tách các vật tư, thuốc, chi phí thường xuyên có biến động giá, sẽ được chi trả theo hướng thực thanh thực chi khi sử dụng dịch vụ. Phần dịch vụ (phẫu thuật, thủ thuật, chăm sóc y tế…) sẽ được tính riêng.
“Giả sử bệnh viện mua test giá 800.000 đồng/que, khi khám chữa bệnh vẫn thu 800.000 đồng của người bệnh, bệnh viện hoàn toàn không được thu thêm với vật tư, thuốc, nhưng chi phí quản lý, bảo quản, mua sắm, sử dụng trong suốt thời gian que test đó ở bệnh viện lại chưa được tính và bệnh viện vẫn phải chi phí” – ý kiến tại hội thảo cho biết.
Với cách tính này, viện phí sẽ có khoản dành riêng cho dịch vụ, phần chi lương và thu nhập tăng thêm cho y bác sĩ sẽ lớn hơn. Nhưng với mức phí bảo hiểm y tế bằng 4,5% lương cơ bản hiện nay, tăng viện phí cũng phải tính đến cân đối quỹ, hiện Bộ Y tế đã giao Viện Chiến lược và chính sách y tế khảo sát chi phí quản lý, từ đó phân bổ vào giá.
Công tư “phân bì” nhau
Trong hơn 1 năm nay, khi bệnh viện công cùng lúc gặp nhiều áp lực, nhân lực ồ ạt rời khu vực công lập, mua sắm thuốc, thiết bị khó khăn, nhiều lãnh đạo bệnh viện công “phân bì” với bệnh viện tư, cho rằng cơ chế với bệnh viện tư thuận lợi hơn.
Tuy nhiên tại hội thảo ngày 9-8, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Đệ lại cho rằng bệnh viện tư khó khăn hơn rất nhiều, phải đầu tư thiết bị, lo nhân lực, mặt bằng mà vẫn không được tự định giá dịch vụ. “Hãy để cho bệnh viện tư tự định giá rồi niêm yết công khai cho người bệnh biết, báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi thực hiện. Y tế là dịch vụ cho con người, giá cao là người bệnh chọn bệnh viện khác ngay, bệnh viện tư để giá cao quá thì chỉ ngồi nhìn chứ không có bệnh nhân đâu” – ông Đệ nói.
Ông Đệ nhấn mạnh đến yếu tố quản lý bệnh viện, quản lý giá đầu vào và quản lý chi phí cho mỗi dịch vụ. “Chúng tôi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm thiết bị thường chi phí thấp hơn loại tương tự mà bệnh viện công đầu tư. Phải nâng trách nhiệm quản lý, thu chi, nếu không, nước cứ chảy đi đâu đó mà không về chỗ trũng đâu” – ông Đệ nói.
Dự thảo Luật khám chữa bệnh sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới. Sẽ có nhiều đổi mới được chờ đợi để gỡ khó cho bệnh viện, nhưng chính bệnh viện cũng phải năng động gỡ khó cho mình là vậy.
1 bệnh viện 3 loại viện phí
Tại các bệnh viện công hiện có tới 3 loại viện phí: viện phí “dịch vụ theo yêu cầu, tự nguyện”, viện phí theo khung liên bộ Y tế – Tài chính (do bảo hiểm y tế chi trả) và viện phí theo mức của địa phương do HĐND duyệt.