Vương quốc Phù Nam: Những phát lộ bất ngờ về Nền Chùa
Vương quốc Phù Nam: Những phát lộ bất ngờ về Nền Chùa
Sau các cuộc khảo sát 1944 – 1946, Louis Malleret đã xếp Nền Chùa vào di tích văn hóa Óc Eo; thậm chí còn có vị trí như là một “tiền cảng” của “thành phố cảng Óc Eo”.
Di tích Nền Chùa có tên gọi khác là Tà Keo, có nghĩa là “Ông Ngọc”, nay thuộc khu vực ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Lâm, H.Hòn Đất, Kiên Giang, nằm cách khu di tích Óc Eo – Ba Thê 12 km về phía tây nam, cách TP.Rạch Giá 12 km về phía bắc.
Quanh khu di tích trước đây là vùng tràm thiên nhiên, sau đó trở thành vùng trồng lúa. Vào những năm 1923 – 1941 đã tìm thấy hai pho tượng thần bằng đá sa thạch. Cho đến năm 1944, trong khi nghiên cứu địa hình vùng di tích Óc Eo và vùng lân cận, Louis Malleret đã nhận thấy con Lung Lớn có dòng chảy tiếp tục theo hướng đông bắc – tây nam về phía vịnh biển Rạch Giá và mất dấu vết khoảng 15 km cách bờ biển hiện nay, tại điểm có di tích Nền Chùa. Louis Malleret đã khảo sát 3 đợt, 2 đợt tại hiện trường và 1 đợt quan sát bằng máy bay vào năm 1946, phát hiện nhiều loại hình di chỉ trong khu di tích.
|
Khai quật di tích Nền Chùa năm 2018 – 2019 tìm thấy nhiều dấu tích cọc gỗ kiến trúc ĐẶNG VĂN THẮNG |
Năm 1981, các nhà khảo cổ học Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ đã tiến hành cuộc khảo sát kiểm chứng hiện trường di tích này và lên kế hoạch thực hiện khai quật di tích Nền Chùa.
Năm 1982, 1983, hai đợt khai quật di tích Nền Chùa được triển khai. Bên cạnh các phế tích kiến trúc còn có 19 ngôi mộ trong khu di tích được tìm thấy trong các gò đất – đá nằm tại các điểm có tên gọi là Bà Chúa Xứ A, Bà Chúa Xứ B, Gò Phật Nổi, Gò Nền Chùa, Tà Keo trong phạm vi diện tích chiều dài bắc – nam 1.500 m; chiều dài đông – tây 500 m.
Hầu hết các ngôi mộ đều phân bố bên bờ các đường lung cổ, được chôn riêng trên từng gò (các nhà nghiên cứu xếp là loại hình di chỉ mộ gò) hoặc chôn chung trong một gò có diện tích 2.000 m2. Di tích mộ đều thuộc loại hình hỏa táng, chôn trong các huyệt hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình phễu. Bên trong các huyệt được đắp nện cẩn thận, gồm 2 phần có cấu trúc khác nhau. Phần lớn được đắp nện bằng một hoặc nhiều lớp đất có màu sắc khác nhau; phần trên được tấn đá khối lớn và cát trắng mịn.
Tại trung tâm các ngôi mộ có huyệt hình vuông thường có một hộc hình trụ bốn cạnh xây bằng gạch, bằng đá hoặc ghép bằng gỗ. Cũng có số ít mộ không xây hộc, hoặc chỉ có một lỗ nhỏ được tạo bằng cách dùng cây có đầu vót nhọn chọc vào lớp đất sét nện. Trong các hộc thường được lấp đầy cát và có trường hợp còn chôn theo những hạt đá quý, di vật bằng vàng hoặc mảnh gốm, than tro, xương mủn nát.
Hiện vật gốm đặc sắc trang trí hình người phát hiện tại Nền Chùa – hiện vật Bảo tàng Kiên Giang LƯƠNG CHÁNH TÒNG |
Tổng số có 33 di vật được tìm thấy trong các ngôi mộ, trong đó có 28 di vật vàng, 1 di vật kim loại màu đen và 4 viên đá quý. Ngoài ra, tại khu vực lòng lung lớn và rạch quanh di tích, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy các loại hình đồ trang sức (nhẫn, hạt chuỗi), con dấu, tiền kim loại.
Trong chương trình nghiên cứu khu di tích Óc Eo – Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang) từ năm 2017 – 2020 của Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, Viện Nghiên cứu Kinh thành được giao phụ trách khai quật di tích Nền Chùa, PGS-TS Lại Văn Tới cho biết: “Trong diện tích khai quật 3.733 m2 tại khu di tích Nền Chùa năm 2018 – 2019 của Viện Nghiên cứu Kinh thành, đã phát hiện được 3 loại hình di tích và tầng văn hóa cư trú dày chứa gốm và nhiều cột gỗ”.
Căn cứ vào di tích, di vật phát hiện được và một số đồ gốm cho chỉ định về niên đại, kết hợp với nghiên cứu so sánh, các nhà nghiên cứu cho rằng di tích Nền Chùa có niên đại khoảng từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 6 – 7, hoặc có thể kéo dài sang nửa đầu thế kỷ thứ 8.
Huy hiệu huyền bí phát hiện tại Nền Chùa – hiện vật Bảo tàng Kiên Giang LƯƠNG CHÁNH TÒNG |
Nền Chùa là trung tâm dân cư và tôn giáo
Trái ngược với nhận định của L.Malleret về khu di tích Nền Chùa, từ năm 1944 – 1946, khi ông tiến hành nhiều cuộc khảo sát bằng máy bay và cho rằng “cũng như Óc Eo, di chỉ Tà Keo (Nền Chùa) đã bị phá hủy và phải xem như mất hẳn đối với khoa học”, những phát hiện khảo cổ học tại đây trong những năm qua, đặc biệt là kết quả khai quật lần từ 2018 – 2019 cho thấy di tích Nền Chùa còn rất nhiều tiềm năng khai quật, nghiên cứu khảo cổ học.
Với 1.060 cột gỗ, thanh ngang (xà) cùng với một số mặt bằng kiến trúc ở khu B, G và những dấu tích cư trú ổn định, những dụng cụ, nguyên liệu, phế liệu liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán trao đổi… đã khẳng định sự tồn tại một vùng tập trung dân cư sinh sống trong kiến trúc nhà sàn sử dụng cột gỗ ven Lung Lớn/Lung Giếng Đá ở Nền Chùa.
Một phát hiện mới, thú vị của đợt khai quật này là đã tìm được 217 cột gỗ trong diện tích gần 1.000 m2 của lòng và ven bờ hai hồ nước thiêng. Cùng với lớp đất văn hóa màu xám đen lẫn gốm phân bố trên bờ hồ, đây rõ ràng là dấu vết cư trú kiểu nhà sàn sử dụng nhiều cột gỗ, thanh ngang ở ven hồ nước lớn.
Từ trước đến nay, chúng ta mới phát hiện và suy đoán về kiểu kiến trúc nhà sàn ven lung, kênh, lạch nước lớn. Song kiểu cư trú như thế ở ven hồ tại Nền Chùa là phát hiện mới nhất cho đến nay.
Kết quả khai quật năm 2018 – 2019 đã chứng minh Nền Chùa là khu di tích có quy mô lớn, là nơi tập trung nhiều dấu tích cư trú ổn định, lâu dài và cùng với nó là hệ thống các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng được xây dựng và quy hoạch khá quy chuẩn trong phạm vi không nhỏ.
(còn tiếp)
LƯƠNG CHÁNH TÒNG
TNO