23/12/2024

WHO: 25 triệu trẻ em chưa tiêm đủ các vắc xin phòng bệnh trong năm 2021

WHO: 25 triệu trẻ em chưa tiêm đủ các vắc xin phòng bệnh trong năm 2021

WHO và UNICEF cảnh báo về số lượng trẻ em được tiêm các vắc xin thiết yếu giảm đáng báo động.

 

 

WHO: 25 triệu trẻ em chưa tiêm đủ các vắc xin phòng bệnh trong năm 2021 - Ảnh 1.

Một y tá đang tiêm vắc xin định kỳ cho trẻ em tại một trung tâm y tế địa phương ở Manila, Philippines – Ảnh: REUTERS

Hãng tin CNN ngày 15-7 cho biết tỉ lệ bao phủ vắc xin vẫn đang có xu hướng giảm trên phạm vi toàn thế giới trong năm 2021, và số lượng trẻ em chưa hoàn thành tiêm chủng các loại vắc xin thiết yếu cao nhất trong 30 năm qua.

Theo những dữ liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố hôm 14-7, trên thế giới hiện có đến 25 triệu trẻ em chưa tiêm đủ các liều vắc xin phòng ngừa bệnh.

Từ năm 2019-2021, tỉ lệ trẻ em tiêm đầy đủ 3 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) đã giảm đến 5 lần, tỉ lệ bao phủ vắc xin này giảm xuống còn 81%.

“Tổng cộng có đến 25 triệu trẻ em vẫn chưa hoàn thành tiêm chủng đầy đủ, nhiều hơn 2 triệu trẻ so với năm 2020 và nhiều hơn 6 triệu trẻ so với số liệu của năm 2019”, báo cáo cho biết.

Điều này cho thấy số lượng trẻ em có nguy cơ bị mắc các bệnh đã có vắc xin phòng ngừa sẽ có khả năng tăng dần trong tương lai. Đặc biệt trong số này có đến 18 triệu trẻ chưa được tiêm bất kỳ liều vắc xin nào, đa phần các trẻ sống ở những quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Số trẻ tiêm vắc xin HPV cũng giảm 25% so với năm 2019, trong khi số trẻ tiêm mũi 1 vắc xin ngừa sởi giảm đến 81% trong năm 2021. WHO cảnh báo đây là mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Tất cả các khu vực đều giảm tỉ lệ bao phủ vắc xin, trong đó tỉ lệ bao phủ vắc xin DTP3 giảm mạnh nhất ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Có nhiều lý do khiến tỉ lệ bao phủ vắc xin thiết yếu ở trẻ em bị giảm, như trẻ sống trong các khu vực đang xảy ra xung đột hoặc ở những nơi có điều kiện khó khăn, cơ hội tiếp cận thông tin về vắc xin chưa cao và các vấn đề liên quan đến COVID-19.

Bà Catherine Russell, giám đốc điều hành UNICEF, cho biết: “Năm ngoái chúng ta đều đoán trước về tình trạng gián đoạn trong công tác tiêm chủng cho trẻ em do ảnh hưởng của COVID-19, thế nhưng tình trạng này tiếp tục kéo dài liên tục cho đến nay”.

Theo bà, COVID-19 không phải là một lý do hợp lý để biện minh cho sự sụt giảm này. “Chúng ta cần phải tiêm chủng đầy đủ cho hàng triệu trẻ em hoặc cả nhân loại sẽ phải chứng kiến nhiều đợt bùng phát các loại dịch bệnh khác nhau ở trẻ nhỏ, tất cả sẽ chỉ khiến áp lực lên hệ thống y tế vốn đã căng thẳng nay sẽ càng căng thẳng hơn”, bà Catherine nhấn mạnh.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Việc lập kế hoạch ngăn ngừa và điều trị COVID-19 vẫn nên đi đôi với việc tiêm chủng các bệnh nguy hiểm khác như sởi, viêm phổi và tiêu chảy”.

Các thành viên của Chương trình Tiêm chủng toàn cầu 2030 cho rằng để có thể tối ưu hóa những lợi ích của vắc xin, chính phủ và các tổ chức y tế tại các quốc gia trên toàn thế giới phải nhanh chóng giải quyết những tồn tại trong tiêm chủng.

Các nước cần tăng cường hoàn thành đủ các mũi tiêm, đẩy mạnh việc tuyên truyền về các lợi ích của việc tiêm chủng cho tất cả người dân và ưu tiên phát triển y tế và hệ thống giám sát dịch bệnh.

UYÊN PHƯƠNG
TTO