Lần đầu xuất hiện môn khoa học ở lớp 4, 5
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, có những môn học lần đầu xuất hiện đòi hỏi phải có phương pháp giáo dục mới.
Lần đầu xuất hiện môn khoa học ở lớp 4, 5
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, có những môn học lần đầu xuất hiện đòi hỏi phải có phương pháp giáo dục mới.
Chia sẻ Sẽ có nhiều môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mớiẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tích hợp môn giáo dục công dân
Trong chương trình mới, môn giáo dục công dân (ở tiểu học gọi là môn đạo đức, ở THCS là môn giáo dục công dân, ở THPT là môn giáo dục kinh tế và pháp luật) giữ vai trò chủ đạo trong việc giúp học sinh (HS) hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc VN và hội nhập quốc tế.
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, môn đạo đức và giáo dục công dân là môn học bắt buộc. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn giáo dục kinh tế và pháp luật là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của HS.
Nội dung chủ yếu của môn giáo dục công dân là giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật và kinh tế. Trong mỗi năm học, những HS có định hướng theo học các ngành nghề giáo dục chính trị, giáo dục công dân, kinh tế, hành chính và pháp luật; hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học, được chọn học một số chuyên đề nhằm tăng cường kiến thức về kinh tế, pháp luật và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của mình.
Dạy học thế nào với môn tích hợp
Một trong những môn học tích hợp điển hình trong chương trình giáo dục phổ thông mới là môn khoa học tự nhiên ở cấp THCS. Đây là môn học được xây dựng và phát triển trên nền tảng của vật lý, hóa học, sinh học và khoa học trái đất… Theo các nhà xây dựng chương trình, khoa học tự nhiên luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Do vậy, giáo dục phổ thông cần phải liên tục cập nhật những thành tựu khoa học mới, phản ánh được những tiến bộ của các ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật. Đặc điểm này đòi hỏi chương trình môn khoa học tự nhiên phải tinh giản các nội dung có tính mô tả để tổ chức cho HS tìm tòi, nhận thức các kiến thức khoa học có tính nguyên lý, cơ sở cho quy trình ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống.
Một tên môn học lần đầu xuất hiện trong chương trình là môn khoa học ở lớp 4, 5 với thời lượng 70 tiết cho mỗi lớp.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đây là môn học được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển từ môn tự nhiên và xã hội (ở các lớp 1, 2, 3); tích hợp những kiến thức về vật lý, hoá học, sinh học và nội dung giáo dục sức khỏe, giáo dục môi trường.
Tuy nhiên so với hiện hành, chương trình tinh giản một số nội dung chồng chéo với môn học khác, hoặc sẽ được học ở ngay các lớp đầu của cấp THCS, đồng thời cập nhật hoặc đưa vào một số nội dung mới thiết thực với HS. Chương trình môn học này mở, cho phép giáo viên được lựa chọn đối tượng học tập sẵn có ở địa phương để dạy học nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu chương trình.
THPT vẫn có thể học âm nhạc, mỹ thuật
Nếu môn âm nhạc, mỹ thuật trong chương trình hiện hành kết thúc ở lớp 9 THCS thì trong chương trình mới, môn âm nhạc, mỹ thuật sẽ được tiếp nối đến cấp THPT dưới tên gọi môn nghệ thuật. HS được quyền tự chọn theo năng lực, sở thích, hoặc định hướng nghề nghiệp.
Ở cấp THPT, chương trình được mở rộng, phát triển theo hướng tiếp cận đa ngành nghề thuộc lĩnh vực nghệ thuật thị giác và được thiết kế thành các học phần. Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, chương trình thiết kế các chuyên đề học tập, đáp ứng sở thích và thiên hướng phát triển mỹ thuật, chuẩn bị tham gia đời sống xã hội của HS.
Dự kiến công bố chương trình “ách” lại vì môn ngoại ngữ chưa xong ?
Chương trình các môn học khác đã sẵn sàng để công bố và xin ý kiến góp ý của dư luận thì môn ngoại ngữ vẫn đang trong quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện. Trong khi đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020 (Đề án 2020) là tổ chức xây dựng các chương trình ngoại ngữ phổ thông 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu học tập, giảng dạy, phù hợp với quy định về năng lực trình độ của mỗi cấp, lớp học.
Với mục tiêu này, Bộ GD-ĐT từng kỳ vọng môn ngoại ngữ sẽ là môn học ”đi trước một bước” cả về biên soạn chương trình, sách giáo khoa cũng như giảng dạy thí điểm so với các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn tin của Thanh Niên cho biết dự kiến công bố toàn bộ dự thảo chương trình môn học mới chậm nhất vào ngày 12.1 đã bị “ách” lại vì chương trình môn ngoại ngữ chưa xong.
|
Tuệ Nguyễn