Cẩn thận say nóng
Cẩn thận say nóng
Trên cả nước những ngày qua liên tục nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời tại các tỉnh phía Bắc đỉnh điểm lên tới 39-40 độ C. Dự báo thời tiết nắng nóng sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Các bác sĩ cảnh báo tình trạng say nắng, say nóng…
Làm sao để chăm sóc sức khỏe, chơi thể thao an toàn trong thời tiết nắng nóng?
Lưu ý cơn choáng váng, tim đập nhanh
Mùa nắng nóng, không ít các bạn trẻ, thanh niên vẫn đá bóng, đạp xe, tập yoga hay chạy bộ dưới trời nắng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy – nguyên bác sĩ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam – cảnh báo thời tiết nắng nóng kéo dài, chơi thể thao trong nhiệt độ cao sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Thủy chia sẻ một trường hợp nam thanh niên khỏe mạnh sau khi chơi thể thao xảy ra tình trạng choáng váng, tim đập nhanh. “Người này tìm đến bác sĩ khi nhận ra vấn đề bất thường của cơ thể như tim đập nhanh, hồi hộp, có biểu hiện hoa mắt, choáng váng.
Qua khai thác, được biết người này làm công việc văn phòng, ngồi trong điều hòa cả ngày nên không có cảm giác khát nước. Cả ngày hôm đó anh chỉ uống 2 cốc nước. Sau đó đến 16h chiều, anh có chơi đá bóng cùng bạn bè. Đến tối khi trở về nhà thì bắt đầu xuất hiện các triệu chứng trên”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Theo bác sĩ Thủy, đây là một trường hợp khá điển hình khi chơi thể thao trong mùa hè nhưng không bổ sung nước đúng cách.
Nhiệt độ cao, liên tục kéo dài có thể khiến cơ thể mất nước, mệt mỏi, nhất là việc chơi thể thao với cường độ cao. Sau khi được bù nước, nghỉ ngơi, nam thanh niên đã khỏe lại, may mắn không có biến chứng nặng.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc – khoa y học thể thao, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) – cho biết mặc dù thời tiết ở Việt Nam tương đối ổn định, nhưng khi chơi thể thao dưới khí hậu nắng nóng và cơ thể không được chăm sóc đúng cách vẫn có thể dẫn đến sự cố đáng tiếc.
Dưới thời tiết nóng trường hợp không tiếp xúc nắng và chỉ chơi thể thao trong thời tiết nóng, vận động viên vẫn có thể bị sốc nhiệt, hay còn được hiểu là say nóng. Khi nhiệt độ môi trường nóng lên, cơ thể sẽ hạ nhiệt bằng cách thoát mồ hôi.
Trong trường hợp phơi mình trong không khí nóng quá lâu và không bù đủ nước làm nguyên liệu giải nhiệt, lượng nhiệt hấp thu vào nhiều hơn so với lượng nhiệt mà cơ thể thải ra sẽ khiến người chơi thể thao bị say nóng.
Say nóng: sốc nhiệt nguy hiểm không kém
Ngoài việc cơ thể bị mất nước thì say nắng, say nóng là vấn đề nan giải vì nhiều người dân còn chủ quan. Điều này dẫn đến các mối nguy hiểm còn nặng nề hơn việc mất nước điện giải.
Tuy nhiên, các hậu quả do say nắng, say nóng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu như người chơi thể thao hiểu được cách tự bảo vệ bản thân.
Bác sĩ Trọng Thủy cho biết thêm trong điều kiện bình thường, một ngày cơ thể cần trung bình 2 lít nước. Khi hoạt động thể chất, tùy theo mức độ, cơ thể tiết ra lượng mồ hôi tăng gấp nhiều lần. Trong hai giờ trước khi vận động, nên uống 400-600ml nước và sau mỗi 15-20 phút uống khoảng 150-200ml nước.
Những dấu hiệu phổ biến khi cơ thể mất nước là cảm thấy khát nước, chóng mặt, choáng váng, đánh trống ngực, khô miệng và da, tay chân mất sức, tiểu ít, nước tiểu có màu vàng đậm đặc.
Ngoài ra, cần hạn chế đồ uống chứa cồn như rượu, bia cùng nhiều loại đồ uống có gas như nước ngọt bởi chúng dễ làm tăng nhiệt, không những dễ gây mất nước mà còn khiến cổ họng bỏng rát, cơ thể khó chịu.
Dấu hiệu nhận biết của say nắng và say nóng gồm việc khó thở, tim đập mạnh, hoa mắt chóng mặt và chuột rút. Nếu không được sơ cứu kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng hơn là hôn mê và tử vong.
Bác sĩ Lộc khuyến cáo, đối với những người đam mê các môn thể thao ngoài trời cần lưu ý: quần áo nên mặc các loại quần áo mỏng, thoáng mát để dễ thoát nhiệt, cường độ tập luyện bắt đầu từ các bài tập nhẹ và nâng cường độ dần dần.
Đối với người chạy bộ, nên chạy chậm để cơ thể điều hòa nhiệt độ từ từ rồi mới chạy nhanh. Khi chạy bộ hoặc luyện tập trên 60 phút thì cần bổ sung các loại nước uống bù đắp lượng điện giải mất đi theo mồ hôi.
Cho dù chơi thể thao ngoài trời hay trong phòng tập, người tập nên ăn chế độ ăn có đường hoặc tinh bột trước khi tập. Sau mỗi buổi tập, để phục hồi cơ thể tốt nhất thì nên ăn chế độ ăn có nhiều chất đạm.
Tập thể dục khi trời nắng có giúp giảm cân nhanh?
Nhiều người nghĩ rằng tập thể dục với cường độ cao trong trời nắng nóng sẽ giúp giảm cân nhanh hơn.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thủy, hình ảnh các vận động viên chuyên nghiệp mặc áo mưa, luyện tập với cường độ cao để ép cân nặng nhằm đủ tiêu chuẩn thi đấu ở một hạng cân nào đó khiến nhiều người nhầm tưởng rằng, luyện tập trong môi trường nóng bức sẽ làm giảm cân nhanh hơn…
“Thực tế các vận động viên chuyên nghiệp dùng các phương pháp ép cân này phải được sự giám sát rất kỹ càng của bác sĩ chuyên môn.
Chúng ta không thể áp dụng cho tất cả những người có mong muốn giảm cân. Tập thể thao khi nhiệt độ cao sẽ khiến cơ thể toát mồ hôi nhiều hơn, có thể sẽ giảm cân nhưng đó là do cơ thể bị mất nước, không phải giảm lượng chất béo.
Để giảm cân, cần có chế độ ăn uống, tập luyện dài hơi, không nên dựa vào cách tập luyện quá nặng để giảm cân, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng”, bác sĩ Thủy khuyến cáo.
Sơ cứu nạn nhân bị say nắng ra sao?
Bác sĩ Lộc cho biết bởi vì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng say nắng là do cơ thể mất nước và môi trường nắng nóng, nên mục tiêu sơ cứu là phải giúp người gặp nạn thoát khỏi 2 lý do trên bằng cách:
* Đưa người gặp nạn vào khu vực mát mẻ, không có nắng, cởi bớt quần áo hoặc phụ kiện thể thao đang mặc để không cản trở cơ thể thoát nhiệt.
* Dùng khăn lạnh lau các khu vực như nách, bẹn, cổ. Đây là các vị trí cần được làm mát trước tiên, vì ở đó có các mạch máu lớn. Khi máu được giảm nhiệt và đưa đi khắp cơ thể thì người bị nạn sẽ được giải nhiệt tốt hơn.
* Uống đủ nước bù điện giải hoặc có thể uống nước mát có pha muối. Hạn chế việc chỉ uống nước lọc sẽ gây phù phổi và não.