23/12/2024

Tái chế xà phòng từ dầu ăn thừa, lan tỏa lối sống xanh

Tái chế xà phòng từ dầu ăn thừa, lan toả lối sống xanh

Nhận thấy việc chiên nấu khiến lượng dầu ăn thừa thải ra gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe, chị Phạm Minh Hậu (phố Quán Thánh, Q.Ba Đình, Hà Nội) đã tái chế chúng thành xà phòng để tắm rửa, giặt quần áo… 

 

 

 

Giảm thiểu lượng dầu mỡ thừa

Chúng tôi có dịp ghé quán chị Phạm Minh Hậu nằm trong một con ngõ trên phố Quán Thánh, ấn tượng đầu tiên khi bước vào không gian quán là sự thân thiện bởi kệ gỗ, những sản phẩm thiên nhiên và hương thơm nhẹ của tinh dầu, thảo mộc.

Mang tên Phốm Quán (tên đầy đủ là Phốm Hóm quán, tiếng Thái có nghĩa là cô gái có mái tóc thơm), cửa hàng của chị Hậu luôn cam kết chỉ bán những sản phẩm tự nhiên, thủ công của Việt Nam an toàn, không hóa chất, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường.

Tái chế xà phòng từ dầu ăn thừa, lan tỏa lối sống xanh - ảnh 1
Chị Phạm Minh Hậu với các sản phẩm xà phòng từ dầu mỡ thừa   NGUYỆT QUỲNH

Xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng của gia đình, chị Hậu đã tái chế xà phòng từ dầu ăn thừa để tắm, giặt quần áo, tẩy rửa nhà bếp, bát đĩa,… vừa tiết kiệm chi phí, giảm tác hại hoá chất tẩy rửa độc hại vừa giảm mối hại từ dầu mỡ thừa với môi trường. Khi “khoe” các thành phẩm của mình trên mạng xã hội, chị Hậu nhận được sự quan tâm, ủng hộ cũng như xin chia sẻ công thức từ cộng đồng mạng.

Lúc dịch căng thẳng cũng là lúc chị bắt đầu làm xà phòng từ dầu ăn thừa. Học làm xà phòng rồi chị mới biết những sản phẩm tẩy rửa thông thường độc hại như thế nào. Do đó, tự làm xà phòng cho gia đình thì vừa sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc thực vật, rõ ràng, kết hợp với tinh dầu tạo mùi hương cũng từ thực vật nên xà phòng sẽ an toàn, tốt hơn cho sức khỏe.

Chia sẻ “bí kíp” làm xà phòng từ dầu ăn thừa, chị Hậu cho biết với nguyên liệu 1kg dầu ăn, cộng thêm phụ liệu sẽ thu được 1,5 kg xà phòng, tương đương 15 bánh, mỗi bánh 100 g. “Dầu chiên rán rồi vẫn làm xà phòng được. Dầu ăn thừa thường lẫn mùi tanh của thức ăn, để khử mùi có thể ngâm cùng cà phê một ngày rồi lọc lại trước khi làm; hoặc đun dầu thừa với lửa nhỏ cùng bột quế, khoai tây thái lát; dầu sẽ có mùi dễ chịu hơn”, chị hướng dẫn thêm.

Để sản xuất xà phòng từ dầu ăn thừa, chị Hậu lọc bỏ cặn, tạp chất, sau đó dùng các nguyên liệu như nước cất, NaOH (xút), các loại tinh dầu theo ý thích tạo mùi thơm và át mùi dầu mỡ cũ. Xà phòng được làm theo đúng quy trình, sau hai tiếng sẽ hoàn thành một mẻ. Để đảm bảo không dư xút gây hại da tay, xà phòng được phơi tại nơi khô ráo, thoáng mát 30 – 40 ngày là có thể đem ra sử dụng.

Tái chế xà phòng từ dầu ăn thừa, lan tỏa lối sống xanh - ảnh 2
Trong suốt quá trình làm xà phòng, cần tuân thủ các biện pháp an toàn như khẩu trang, kính bảo hộ, găng tay để tránh các phản ứng hóa học  NGUYỆT QUỲNH

Sống ‘xanh’ không hề khó!

Chỉ từ những hành động nhỏ, nhưng mọi người cùng chung tay, có ý thức trong việc bảo vệ môi trường thì cuộc sống sẽ xanh – sạch hơn. Chị Ny, một thành viên trong nhóm Ý tưởng tái chế – tái sử dụng rất quan tâm, ủng hộ việc làm của chị Hậu. Chị Ny cho biết: “Tôi thấy việc lan tỏa lối sống xanh của chị Hậu là một dự án vô cùng thú vị và ý nghĩa. Dự án của chị Hậu góp phần giải quyết vấn đề của nhiều gia đình và cơ sở kinh doanh, đó là việc dư thừa dầu, mỡ gây tắc cống, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sống “xanh” không phải là điều gì đó phức tạp, mà nó được bắt nguồn từ chính những việc làm hằng ngày, dù chỉ là một khía cạnh.”

Tái chế xà phòng từ dầu ăn thừa, lan tỏa lối sống xanh - ảnh 3
Bên cạnh 1kg dầu ăn thừa, cần 500ml nước cất và 134 gram NaOH cho 15 bánh xà phòng từ dầu ăn thực vật và dầu dừa  THẢO VÂN

Với chị Hậu, những sản phẩm đủ tiêu chuẩn để bán thì phải có chất lượng khác với những yêu cầu khắt khe hơn. Còn ở đây, chị làm theo kiểu tái chế giúp mọi người; giúp họ làm xà phòng thay vì họ thải dầu thừa ra môi trường, họ bỏ những chai dầu hết hạn.

“Những người có ý thức bảo vệ môi trường cao thì họ sẽ quan tâm đến việc này. Nhưng cũng có người họ nói “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, còn bảo mình là hâm này kia, tôi không bận tâm những lời đó. Thật vui khi tôi thấy rằng càng ngày càng có nhiều các bạn trẻ quan tâm đến môi trường. Tôi không phải đến tận nhà để thu gom dầu thừa đâu; các bạn tự gom lại và các bạn mang đến. Rất hi vọng mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ có ý thức cao hơn với môi trường”, chị Hậu bộc bạch.

 

Tái chế là rất tốt nhưng không nên dùng tắm rửa

Trao đổi với Thanh Niên, PGS.TS Nguyên Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết đối với dầu thải tận dụng để làm xà phòng, thông thường từ ngày xưa chỉ cần cho chất kiềm vào để thủy phân cho lắng đọng, loại bỏ hết cặn bẩn thì có thể đem đóng bánh thành xà phòng. Nhưng từ thời bao cấp, loại xà phòng này chủ yếu để làm vệ sinh máy móc công nghiệp hoặc giặt những đồ bẩn ở trong các nhà máy như khăn lau nhà bếp, khăn lau máy móc, quần áo công nhân…chứ không ai dùng để làm xà phòng tắm. Đối với các xà phòng dùng để tắm, rửa tay, dùng cho trẻ thì nguyên liệu phải là chất béo đã được tinh chế cao cấp mới được sử dụng để sản xuất những sản phẩm cao cấp này.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, xu hướng tái chế dầu thải để giảm tác động, giảm ô nhiễm môi trường là tích cực. Dầu thải bây giờ đa số được tái chế tận dụng để dùng trong các ngành công nghiệp như sản xuất gạch để bôi trơn bền mặt sản phẩm, bôi máy móc. Nếu dầu thải được loại bỏ tạp chất, không bị nhiễm độc tố còn được sử dụng để trộn vào các sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

“Dầu thải làm xà phòng về bản chất vẫn bẩn vì đây không phải là chất béo tinh chế cao cấp và không nên sử dụng sản phẩm này để tắm, rửa tay trực tiếp hay dùng cho trẻ em.”, ông Thịnh khuyến cáo.

Phan Hậu

NGUYỆT QUỲNH – THẢO VÂN

TNO