23/11/2024

Thế giới oằn mình dưới thời tiết cực đoan

Thế giới oằn mình dưới thời tiết cực đoan

Nhiều nơi trên thế giới đang chứng kiến những hiện tượng thời tiết bất thường và khắc nghiệt chưa từng thấy.

 

 

Giữa lúc châu Âu, Mỹ chứng kiến đợt nắng nóng và hạn hán kỷ lục, Ấn Độ và Bangladesh ghi nhận số người tử vong gia tăng hằng ngày vì lũ lụt. Trong khi đó, Trung Quốc lại ghi nhận tình hình “đặc biệt phức tạp”. Những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng trên toàn cầu và giới chuyên môn cảnh báo về một tương lai còn ảm đạm hơn.

Thế giới oằn mình dưới thời tiết cực đoan - ảnh 1
Bãi biển Bournemouth ở Anh chật kín người ngày 17.6  REUTERS

Thời tiết khắc nghiệt, thiên tai chết người

Theo tờ The Guardian, châu Âu đang hứng chịu đợt nắng nóng đến sớm hơn mọi năm do tình trạng nóng lên toàn cầu. Tây Ban Nha và Đức trong những ngày qua ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục, vượt mốc 40 – 43oC. Pháp cũng ghi nhận thời tiết tháng 5 và 6 nóng nhất trong vòng 100 năm, với mức nhiệt lên đến 41,9oC tại vùng Cazaux. Tại Tây Ban Nha, hỏa hoạn tại vùng núi Sierra de Culebra đã thiêu rụi hơn 30.000 ha đất rừng khiến hàng chục ngôi làng phải sơ tán, trước khi đám cháy được dập tắt vào ngày 26.6. Hạn hán cũng khiến sản lượng nông sản ở miền bắc Ý thiệt hại khoảng 50%, còn dòng sông Po dài nhất nước này đang khô hạn kỷ lục trong vòng 70 năm.

Thế giới oằn mình dưới thời tiết cực đoan - ảnh 2
Lính cứu hỏa chống chọi với lửa tại vùng Pumarejo de Tera ở Tây Ban Nha ngày 18.6 AFP

Tại Mỹ, khoảng 120 triệu người được khuyến cáo ở những cấp độ khác nhau, giữa đợt nắng nóng thiêu đốt vùng Đông Nam và thượng Trung Tây. Trong khi đó, hình ảnh do Cơ quan Công viên quốc gia Mỹ đưa ra cho thấy trận lũ lụt “500 năm có một” kéo dài 1 tuần từ ngày 12.6 gây thiệt hại nghiêm trọng tại Yellowstone, công viên quốc gia lâu đời nhất tại bang Wyoming, Montana và Idaho. Tại Nhật Bản, nhiệt độ gia tăng bất thường sau khi mùa mưa kết thúc sớm kỷ lục tại Tokyo kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào năm 1951, theo Reuters. Nhiệt độ tại vùng Sano phía bắc Tokyo ngày 27.6 lên đến 38,6oC, trong khi cơ quan chức năng cảnh báo nguy cơ thiếu điện trên cả nước.

Tờ China Daily ngày 27.6 đưa tin tình hình thời tiết tại Trung Quốc “đặc biệt phức tạp”, khi phía nam có nhiều đợt mưa lớn, với 3 tỉnh chứng kiến đợt mưa lớn nhất kể từ năm 1961, trong khi nhiều nơi ở phía bắc đang hạn hán và nhiệt độ cao bất thường. Hơn 3,75 triệu người bị ảnh hưởng bởi mưa lớn và lũ lụt tại vùng Quảng Tây. Theo CNN, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại ít nhất 7 tỉnh và nhiều tuyến đường bị chìm trong nước lũ. Ở Nam Á, Ấn Độ và Bangladesh ghi nhận ít nhất 170 người thiệt mạng và hàng triệu người bị chia cắt do mưa lũ những tuần qua, theo Reuters. Trong khi đó, Afghanistan vừa bị tàn phá bởi trận động đất mạnh ngày 22.6 khiến hơn 1.000 người chết, 2.000 người bị thương và 10.000 ngôi nhà bị hủy hoại, theo AFP.

Thế giới oằn mình dưới thời tiết cực đoan - ảnh 3
Lũ lụt tại Sylhet, Bangladesh vào ngày 19.6  REUTERS

Đối phó khẩn cấp

Theo tờ The Guardian, Bắc Cực và Nam Cực đã ấm lên bất thường vào tháng 3, trong khi nhiệt độ nhiều nơi cũng cao hơn bình thường. Giới chuyên môn cho rằng tác động tồi tệ nhất của tình trạng khẩn cấp vì khí hậu là điều không thể tránh khỏi nếu phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng. Chuyên gia Ted Scambos tại Đại học Colorado (Mỹ) cho biết ông chưa từng chứng kiến tình trạng 2 địa cực cùng lúc ấm lên một cách bất thường. Giới khoa học cho rằng một địa cực ấm lên đã là cảnh báo, trong khi cả hai cùng ấm lên có thể là dấu hiệu của thảm họa khí hậu. Một nghiên cứu đăng trên trang World Weather Attribution vào tháng 5 cho thấy nhiệt độ cao bất thường không phải là hiện tượng tự nhiên. Theo đó, đợt nắng nóng ở Nam Á dễ xảy ra hơn gấp 30 lần do tác động của con người.

 

Tác hại lớn và lâu dài

Theo báo cáo của Trung tâm Deloitte vì Tiến triển bền vững (DCSP, trụ sở chính ở Anh), nếu không hành động chống biến đổi khí hậu sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 178.000 tỉ USD trong vòng 50 năm tới. Trong khi đó, việc chuyển đổi sang phát thải ròng về 0 một cách có hệ thống có thể giúp thế giới kiếm thêm 43.000 tỉ USD trong 50 năm. Tổng giám đốc Sanj Srikanthan của Tập đoàn quốc tế ShelterBox chuyên cung cấp hàng thiết yếu cho người bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên, cho biết tính trung bình khoảng 11 triệu người mất nhà hằng năm trong 5 năm qua vì thời tiết cực đoan. Ông dự báo con số này sẽ tăng đến 200 triệu người trong vòng 20 năm tới.

Phát ngôn viên Clare Nullis của Tổ chức Khí tượng thế giới tại Thụy Sĩ cho rằng các đợt nắng nóng đến sớm hơn do biến đổi khí hậu, và những gì xảy ra hôm nay là dự báo cho tương lai. Trước nguy cơ đó, nhiều chuyên gia kêu gọi khẩn cấp giảm phát thải khí nhà kính, cũng như có biện pháp đối phó nhanh chóng. Mới đây, Trung Quốc ban hành chiến lược quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm hạn chế tác động đến hệ sinh thái và kinh tế, xã hội. Theo đó, chính phủ sẽ hiện đại hóa hệ thống phòng ngừa thảm họa liên quan khí hậu nhằm giúp nền kinh tế và hệ sinh thái ít bị ảnh hưởng hơn.

Một bài xã luận mới đây trên trang Global Citizen kêu gọi các nước G7 cần hành động ngay nhằm đối phó biến đổi khí hậu. Theo đó, các nước này chiếm 25% phát thải carbon liên quan năng lượng trên toàn cầu, ảnh hưởng hàng tỉ người. Cư dân tại những cộng đồng nghèo và dễ bị tác động đối diện hậu quả nặng nề nhất, dù phát thải khí nhà kính ít hơn. Bài viết kêu gọi các nước G7 cần thực thi cam kết cung cấp 100 tỉ USD hằng năm cho quỹ khí hậu tại các nước đang phát triển, hỗ trợ tài chính cho nỗ lực thích nghi của các cộng đồng dễ bị tác động và đảm bảo không ai bị bỏ sót.

KHÁNH AN

TNO