Nhiều giải pháp tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho người dân
Nhiều giải pháp tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho người dân
Ngày 14.6, Sở Y tế TP.HCM phát động tháng cao điểm tiêm vắc xin Covid-19, tổ chức tại 6 điểm thuộc Q.1, Q.7, Q.12, Q.Bình Thạnh, Q.Bình Tân, Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Trước đó, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường tiêm vắc xin Covid-19 mũi nhắc lại (mũi 3, 4) cho các tỉnh phía Nam.
Không vì dịch giảm mà không tiêm vắc xin
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện số ca mắc mới mỗi ngày chỉ còn khoảng 30 – 50 ca, số ca cần nằm viện giảm xuống còn khoảng 200. Tuy đã giảm rất sâu nhưng mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn có thể xảy ra nếu mỗi người dân TP.HCM không tiếp tục duy trì những giải pháp tối thiểu nhưng giữ vai trò rất quan trọng, đó là V2K (tiêm vắc xin, khử khuẩn, mang khẩu trang) như Bộ Y tế vừa công bố thay cho biện pháp 5K trước đây.
Sở Y tế mở chiến dịch cao điểm tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 nhằm tiếp tục duy trì trạng thái miễn dịch cộng đồng với vi rút SARS-CoV-2, tiếp tục kiểm soát ổn định dịch bệnh Covid-19, nhất là bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ, trẻ em, nhân viên thuộc các sở, ban, ngành làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ tái nhiễm.
Tiêm vắc xin Covid-19 mũi nhắc lại cho người dân P.25, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) ngày 14.6 DUY TÍNH |
PGS-TS Tăng Chí Thượng cho hay, TP.HCM bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 kể từ ngày 8.3.2021 đến nay đã tiêm gần 21 triệu liều. Tuy nhiên, cũng giống như các loại vắc xin khác, hiệu quả bảo vệ sẽ giảm dần theo thời gian, do đó việc tiêm nhắc lại là rất quan trọng và mang ý nghĩa quyết định cho sự ổn định lâu dài khi mầm bệnh vẫn còn hiện diện trong cộng đồng. Việc nhìn nhận tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên không cần phải đi tiêm vắc xin nhắc lại là hoàn toàn không đúng, và sẽ gặp nguy hiểm nếu tình trạng miễn dịch của người đó đã giảm sút, nhất là những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, người trên 50 tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em và những ai làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ tái nhiễm. Hơn nữa, những loại vắc xin dùng để tiêm nhắc lại hiện nay là những vắc xin đã được WHO khẳng định hiệu quả và an toàn, được nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, mặc dù đất nước đã trở lại trạng thái bình thường mới nhưng không thể lơ là mà cần đẩy mạnh tiếp tục tiêm chủng các mũi vắc xin Covid-19 tiếp theo. Bộ Y tế tiếp nhận đủ để sử dụng tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng và đủ để sử dụng tiêm 2 liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 6.2022. Tuy nhiên, đến nay tiến độ tiêm chủng ở nhiều địa phương, trong đó các tỉnh khu vực miền Nam còn chưa đáp ứng được theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Nhiều giải pháp tiêm thuận tiện cho dân
Để có thể tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng và hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc mới hoặc tái nhiễm Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, lãnh đạo Sở Y tế kêu gọi mỗi người dân, mỗi gia đình cùng chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục hưởng ứng, vận động mọi người tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19.
Theo đó, Giám đốc Sở Y tế kêu gọi phụ huynh đưa con em từ 5 – 18 tuổi đến điểm tiêm tại các trường học và điểm tiêm trong cộng đồng để tiêm mũi 1 (nếu chưa tiêm) và tiêm mũi 2 (đối với những cháu đã tiêm mũi 1 và đến lúc tiêm mũi 2). Nếu là con, em của gia đình có người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh mạn tính (tiểu đường, cao huyết áp, hen phế quản, ung thư…), hãy đưa cha, mẹ, ông, bà… đến điểm tiêm trong cộng đồng hay tại các bệnh viện để tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) hoặc tiêm từ đầu nếu chưa tiêm.
Trường hợp trong gia đình có người thân vì tình trạng sức khỏe không thể đưa đến các điểm tiêm vắc xin thì liên hệ trạm y tế địa phương để được bố trí đội tiêm tại nhà. Nếu là công nhân, người lao động đang làm việc ở khu công nghiệp, khu chế xuất…, nhanh chóng đăng ký tiêm vắc xin ngay tại nơi làm việc. Nếu là nhân viên tuyến đầu chống dịch tại các phường, xã, thị trấn và các sở, ban, ngành thì đăng ký tiêm nơi mình làm việc để được tiêm tại chỗ hoặc được hướng dẫn đến các cơ sở y tế gần nhất để tiêm. Ngoài ra, cùng vận động người thân sống cùng nhà có nguy cơ lây nhiễm thứ phát đi tiêm nhắc lại.
Sở Y tế yêu cầu tất cả các bệnh viện, Trung tâm Cấp cứu 115, cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn sẵn sàng cử nhân viên y tế tham gia đội tiêm vắc xin của đợt cao điểm tiêm vắc xin Covid-19 nhắc lại, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong suốt thời gian diễn ra đợt cao điểm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chỉ đạo thêm, cần tiếp tục tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân một cách thần tốc, quyết liệt đảm bảo an toàn khoa học. Đến tận khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học, tại nhà, đảm bảo tiêm hết cho các đối tượng, trước hết là đối tượng nguy cơ, người cao tuổi, công nhân lao động, học sinh, sinh viên…. Bà Hương cũng lưu ý, các tỉnh tiếp nhận vắc xin do Bộ Y tế cung cấp thì phải tiêm đúng, tiêm đủ, không được bỏ sót, không lãng phí, nếu bỏ sót thì phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, phối hợp các viện, tăng cường tập huấn hướng dẫn, đi kiểm tra giám sát, nhu cầu của người dân, không được để người dân muốn tiêm nhưng không biết tiêm ở đâu.
Tính đến ngày 11.6, cả nước đã tiêm được hơn 223 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó, tỷ lệ bao phủ mũi cơ bản (2 mũi) cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt gần 64%; tỷ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt trên 39%, mũi 2 đạt 5,5%.
Riêng tại TP.HCM đã tiêm gần 21 triệu liều. Trong đó có hơn 8,4 triệu liều mũi 1; gần 7,5 triệu liều mũi 2; 684.524 mũi bổ sung (người thuộc nhóm nguy cơ cao); hơn 4,2 triệu liều mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3); 51.136 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4).
DUY TÍNH
TNO