Kho vũ khí hạt nhân toàn cầu lần đầu tiên tăng lên kể từ Chiến tranh Lạnh
Kho vũ khí hạt nhân toàn cầu lần đầu tiên tăng lên kể từ Chiến tranh Lạnh
Trong các bài phát biểu và thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô liên tục kêu gọi một thế giới nói không với vũ khí hạt nhân, đồng thời miêu tả việc sử dụng và sở hữu vũ khí hạt nhân là “không thể tưởng tượng được” và là mối đe dọa khủng khiếp đối với nhân loại và hành tinh.
Những lời của ĐTC càng trở nên khẩn cấp khi chỉ sau ba ngày Nga xâm lược Ucraina và phương Tây thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev, Tổng thống Nga đã đặt hệ thống vũ khí hạt nhân trong tình trạng báo động cao.
Xu hướng đáng lo ngại
Các nhà quan sát và phân tích đồng ý rằng cuộc chiến ở Châu Âu đã làm gia tăng căng thẳng giữa 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới và cảnh báo đây là một xu hướng đáng lo ngại.
Hôm thứ Hai, ngày 13/6, Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, gọi tắt là SIPRI, cho biết mặc dù số lượng vũ khí hạt nhân giảm nhẹ trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022, nhưng nếu các cường quốc hạt nhân không tìm được tiếng nói chung vào lúc này, thì lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh số đầu đạn hạt nhân toàn cầu có thể sớm gia tăng.
Trong cuốn niên giám năm 2022, SIPRI lưu ý rằng “tất cả các quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân đều đang gia tăng hoặc nâng cấp kho vũ khí của họ và hầu hết đang biện minh về hạt nhân và vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược quân sự của họ”.
Ông Wilfrid Wan, Giám đốc “Chương trình Vũ khí Huỷ diệt hàng loạt” của SIPRI, bày tỏ lo ngại về hậu quả của những lựa chọn quân sự có thể xảy ra khi Nga hành động đối với các quốc gia cản đường Nga và chúng ta sẽ thấy điều “chưa từng thấy trong toàn bộ lịch sử của mình”.
Nga và Mỹ sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới
Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với tổng cộng 5.977 đầu đạn, nhiều hơn Hoa Kỳ khoảng 550 đầu đạn. Hai nước sở hữu hơn 90% đầu đạn hạt nhân thế giới, SIPRI cũng cho biết Trung Quốc đang trong giai đoạn mở rộng với ước tính hơn 300 hầm chứa tên lửa mới.
SIPRI lưu ý rằng số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu giảm nhẹ trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022, nhưng báo cáo ước tính rằng có khoảng 3.732 đầu đạn đã được triển khai với tên lửa và máy bay, và khoảng 2.000 đầu đạn – hầu như thuộc về Nga hoặc Hoa Kỳ – đang được đặt trong trạng thái sẵn sàng cao độ.
Cuốn niêm giám đã nghiên cứu và phân tích các kho dự trữ và thử nghiệm hạt nhân ở các khu vực khác trên thế giới, đồng thời chỉ ra rằng xung đột đang diễn ra giữa Ấn Độ và Pakistan, hay sự thù địch ngày càng tăng ở biên giới Trung Quốc-Ấn Độ và các nỗ lực hạt nhân đang diễn ra của Triều Tiên là những yếu tố chủ chốt trong việc đẩy thế giới vào tình trạng bấp bênh như lúc này.
Kêu gọi hành động quốc tế
Chủ tịch Hội đồng Quản trị SIPRI và là cựu Thủ tướng Thuỵ Điển, ông Stefan Lofven, kêu gọi quốc tế hành động khẩn cấp và kêu gọi một chính sách hoà bình, ông cho biết “mối quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới đã xấu đi rất nhiều vào thời điểm mà nhân loại và hành tinh đang phải đối mặt với một loạt các thách đố trầm trọng và cấp bách mà những thách đố này chỉ có thể được giải quyết bằng hợp tác quốc tế”.
Văn Cương, SJ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022-06/kho-vu-khi-hat-nhan-toan-cau-tang-len-ke-tu-sau-chien-tranh-lanh.html