Các huyện ngoại thành ‘chạy đua’ lên thành phố
Các huyện ngoại thành ‘chạy đua’ lên thành phố
Có ít nhất 4 huyện ngoại thành của TP.HCM đã nêu rõ định hướng “nâng cấp” đô thị từ huyện lên thành phố, thay vì lên quận.
Tại hội nghị triển khai các đề án khoa học nhánh thuộc đề án đầu tư – xây dựng 5 huyện thành quận hoặc TP trực thuộc TP.HCM tổ chức hôm qua 2.6, lãnh đạo H.Hóc Môn cho biết định hướng của huyện là phát triển lên TP trực thuộc TP.HCM thay vì lên quận như dự tính ban đầu.
Khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM) được quy hoạch, xây dựng bài bản như một đô thị kiểu mẫu NGỌC DƯƠNG |
Lên thành phố vì điều kiện “dễ thở”
Như vậy, 4 huyện: Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ đã chọn hướng phát triển đô thị lên TP. Riêng H.Nhà Bè định hướng trở thành quận đô thị vệ tinh của TP.HCM.
Theo thống kê của Sở Nội vụ TP.HCM, đối chiếu các tiêu chí khi chuyển từ huyện thành quận thì Bình Chánh dẫn đầu trong 5 huyện với 26/30 tiêu chí, Nhà Bè và Củ Chi đạt 23 tiêu chí, Hóc Môn đạt 22 tiêu chí, thấp nhất là Cần Giờ đạt 19 tiêu chí.
Nói về lý do phát triển lên TP, ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó chủ tịch UBND H.Hóc Môn, cho biết nhiều chỉ tiêu lên quận khó đạt, và đặc thù của huyện còn nhiều khu vực nông thôn không thể chuyển thành đô thị. Đối chiếu với quy định thành lập TP thuộc TP trực thuộc T.Ư, H.Hóc Môn mới đạt tiêu chuẩn về dân số và diện tích, 3/5 tiêu chuẩn chưa đạt gồm: số đơn vị hành chính, công nhận đô thị loại 3, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội. Đối với các tiêu chí thành phần chưa đạt, H.Hóc Môn đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2025.
Theo UBND H.Hóc Môn, huyện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân số tăng cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động với hơn 94%. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng thương mại – dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp. Đời sống vật chất và tinh thần người dân từng bước được nâng cao và chuyển theo hướng dân cư đô thị. Các điều kiện tự nhiên, quy mô dân số và cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, giao thông, văn hóa, giáo dục của Hóc Môn gần như tương đồng với các quận lân cận như: Q.12, Gò Vấp, Bình Tân.
UBND H.Hóc Môn dự báo với những công trình đang xây dựng, trong vài năm tới huyện sẽ có sự thay đổi và phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, việc trở thành một TP trực thuộc TP.HCM cũng phù hợp với xu thế phát triển đô thị chung của TP.HCM.
Không đầu tư dàn trải
Cũng đặt mục tiêu phát triển lên TP, ông Phạm Văn Lũy, quyền Chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho biết huyện đã xác định danh mục 26 tuyến đường cần đầu tư xây dựng mới, mở rộng 316 tuyến đường khác. Kinh phí thực hiện các dự án rất lớn nên huyện đề xuất cần có cơ chế đột phá để thu hút các nguồn lực xã hội hóa, phân kỳ đầu tư.
Cũng theo ông Lũy, tổ chức bộ máy cấp xã hiện nay không phù hợp với quy mô dân số tăng cao, nhiều xã có dân số đông như: Vĩnh Lộc A (hơn 160.000 người), Vĩnh Lộc B (gần 160.000 người), Bình Hưng (khoảng 120.000 người) và Tân Kiên (hơn 90.000 người). Với dân số đông như một huyện ở nhiều tỉnh nông thôn khác, đội ngũ cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách quá tải khi xử lý khối lượng hồ sơ lớn. Do vậy, ông Lũy cho rằng cần có giải pháp căn cơ để khắc phục điểm yếu này, nâng cao năng lực, hiệu lực hiệu quả của bộ máy; đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu đề án nhánh quản lý nhà nước, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, chỉ ra hàng loạt thách thức khi chuyển 5 huyện lên quận hoặc TP. Trong đó, việc huy động nguồn lực là bài toán khó, nhất là trong bối cảnh ngân sách TP.HCM đang gặp khó khăn. Do vậy, cần phải nghiên cứu, xây dựng mô hình khả thi, có tính thực tế đi cùng các giải pháp đột phá, tối ưu nhất. PGS-TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng mỗi địa phương với đặc thù đô thị sẽ cần một mô hình phù hợp nên việc triển khai nâng cấp đô thị không thực hiện một cách đại trà, đồng loạt. TP.HCM cần có bước đi và lộ trình phù hợp để tập trung nguồn lực, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tránh xáo trộn bộ máy, nhân lực.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (thuộc Sở QH-KT TP.HCM), cho rằng chính sách huy động nguồn lực sẽ quyết định đến thành công của đề án. Ông khuyến nghị cần có chiến lược huy động nguồn lực ban đầu để tạo ra nguồn lực mới từ công tác quy hoạch, tạo quỹ đất, cân đối nguồn vốn T.Ư với địa phương.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết sau các thông tin về huyện nâng cấp lên TP, hoặc kêu gọi đầu tư thì giá đất của khu vực có xu hướng tăng. Do đó, việc xây dựng đề án cần được thực hiện khẩn trương để sớm phê duyệt và quản lý, sử dụng đất.
SỸ ĐÔNG
TNO