26/11/2024

Học sinh mỏi mòn chờ cấp bù học phí

Học sinh mỏi mòn chờ cấp bù học phí

Những thay đổi về chính sách đã khiến cho hàng ngàn học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề (hệ 9+) ở những trường tư thục vẫn chưa nhận được cấp bù học phí dù năm học 2021-2022 sắp sửa kết thúc.

 

 

Học sinh mỏi mòn chờ cấp bù học phí - Ảnh 1.

Học sinh theo học hệ 9+ tại Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM) – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Ở các trường trung cấp, cao đẳng công, tiền cấp bù học phí sẽ được ngân sách nhà nước cấp hằng năm theo hình thức giao dự toán. Ở các trường tư, học sinh phải đóng tiền trước cho trường, rồi lấy biên lai, xác nhận của trường để lên phòng LĐ-TB&XH nơi thường trú nhận tiền cấp bù học phí.

 

Nợ tiền tỉ học phí

Ông Hoàng Quốc Long, hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành, cho biết năm học 2021-2022 gần hết nhưng 900 học sinh theo hệ 9+ của trường ông vẫn chưa nhận được cấp bù học phí.

Theo ông Long, suốt gần một năm qua, học sinh trường ông không thể nhận được tiền cấp bù. Hầu hết các phòng LĐ-TB&XH đang chờ đợi văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định 81/2021 của Chính phủ, có hiệu lực từ đầu năm học 2021-2022, nên chưa thể giải ngân.

“Trước đó từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, chính sách cấp bù thực hiện theo nghị định 86/2015 của Chính phủ, mọi việc rất suôn sẻ, mỗi năm học sinh được cấp bù học phí 2 lần, tương ứng với 2 lần đóng tiền học” – ông Long nói.

Ông Long cho biết do không được cấp bù học phí, học sinh cũng không có tiền để đóng tiếp các học phí tiếp theo cho trường. Do vậy, ông ước tính hiện tại trường ông đang bị nợ đến 1,5 tỉ đồng tiền học từ các học sinh chưa nhận cấp bù học phí. “Một số em còn phải vay mượn nợ bên ngoài rất vất vả” – ông Long chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Thệ – hiệu trưởng Trường trung cấp Y dược Vạn Hạnh – cũng cho biết các học sinh tốt nghiệp THCS theo học nghề ở trường ông đều đang bị “tắc” chuyện cấp bù học phí.

Ông chia sẻ nhiều phụ huynh lên trường hỏi thăm liên tục. Một vài phụ huynh có con mới vào hệ 9+ còn nói thẳng vì sao lúc tư vấn tuyển sinh, trường nói các em sẽ được cấp bù học phí nhưng tới nay vẫn chưa thấy gì?

Một trường cao đẳng có dạy hệ 9+ tại Q.Bình Tân (TP.HCM) cũng thông tin hầu hết học sinh học hệ này đến nay vẫn chưa nhận được cấp bù học phí của năm học 2021-2022. Đại diện nhà trường phải trực tiếp lên phòng LĐ-TB&XH của một số quận, huyện nhưng được yêu cầu cứ chờ, sẽ có thông báo sau.

Ông Nguyễn Thành Đức – hiệu trưởng Trường trung cấp quốc tế Khôi Việt – cho biết thêm các học sinh của trường ở các tỉnh phía Nam cũng gặp khó khăn để nhận tiền cấp bù học phí theo nghị định 81.

Một số địa phương còn yêu cầu các trường trực tiếp mang hồ sơ, xác nhận về tỉnh để xem xét nhưng đến nay hầu hết vẫn chưa thể giải ngân.

 

Trách nhiệm ở đâu?

Cấp bù học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS học nghề nhằm khuyến khích học sinh đi học nghề. Ông Đặng Minh Sự – trưởng phòng giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM – cho biết nghị định 81 quy định các mức cấp bù học phí, nhưng từng tỉnh thành sẽ quyết định mức cụ thể. Theo đó, UBND TP.HCM sẽ trình mức cấp bù này cho HĐND TP.HCM thông qua.

Theo ông Sự, Sở GD-ĐT là bên soạn thảo đề xuất tham mưu UBND TP trình HĐND TP cấp bù học phí cho học sinh, trong đó có cả những em theo hệ 9+.

Hiện mức cấp bù này chưa được HĐND TP thông qua nên các phòng LĐ-TB&XH quận, huyện chưa thể chi tiền cấp bù học phí cho học sinh. Dự kiến trong các kỳ họp tới đây, mức cấp bù học phí sẽ được HĐND TP xem xét.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Tấn Minh – chánh văn phòng Sở GD-ĐT – cho rằng học sinh sau lớp 9 học nghề thuộc sự quản lý của Sở LĐ-TB&XH, không thuộc Sở GD-ĐT. Do đó, Sở LĐ-TB&XH phải tham mưu về khoản cấp bù học phí cho đối tượng này để UBND TP trình HĐND TP. Các đề xuất về mức học phí, cấp bù học phí của Sở GD-ĐT sẽ không bao gồm học sinh hệ 9+.

Bên cạnh mức cấp bù học phí, ông Huỳnh Thanh Tới – trưởng Phòng LĐ-TB&XH Q.Bình Tân – cho biết phòng vẫn phải chờ thêm một số hướng dẫn từ Sở LĐ-TB&XH.

Cụ thể, khi chuyển từ nghị định 86 sang nghị định 81 có nhiều điểm về trình tự, thủ tục cần được hướng dẫn, phòng không thể tự quyết. Vì vậy, hiện tại phòng nhận được nhiều hồ sơ xin cấp bù học phí của những học sinh theo học nghề trong năm học 2021-2022 nhưng vẫn chưa thể giải quyết cho các em.

 

Cần nguồn tái đầu tư

Ông Nguyễn Quốc Thệ cho rằng so với nghị định 86 thì nghị định 81 quy định mức trần học phí cao hơn từ 3-5 lần so với mức cũ. Ông cho rằng với những trường nghề tư thục vốn có nguồn kinh phí khiêm tốn hơn đại học, mức học phí tăng đồng nghĩa trường có thêm nguồn thu để tái đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Tuy nhiên, hiện trường chưa thể tăng học phí vì học sinh chưa được nhận cấp bù. Nếu triển khai trong lúc này, học sinh gặp áp lực từ trường trong khi chưa nhận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước thì càng thêm khó khăn. “Vì vậy chúng tôi cũng rất cân nhắc khi muốn chi cho tái đầu tư trong những năm học kế tiếp”, ông Thệ nói.

 

Sợ tuyển sinh “trượt dài”

Ông Hoàng Quốc Long kiến nghị cần sớm có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục, chính sách cho trường. Nếu biết sẽ tiếp tục gặp rắc rối khi nhận tiền cấp bù học phí, nhiều học sinh tốt nghiệp THCS chắc chắn sẽ không chọn trường nghề, dẫn tới một cú trượt dài về tuyển sinh không chỉ cho năm 2022-2023 mà còn trong nhiều năm học tiếp theo.

“Phải thừa nhận rằng cấp bù học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS học nghề là một trong những điểm thu hút học sinh lớn nhất, nếu không có, sức hút của hướng đi học nghề sau lớp 9 sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Công tác phân luồng học sinh của TP.HCM cũng sẽ khó đảm bảo” – ông Long nói.

TRỌNG NHÂN
TTO