23/11/2024

Cảnh báo nguy cơ lớn từ OTT xuyên biên giới

Cảnh báo nguy cơ lớn từ OTT xuyên biên giới

Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam và các doanh nghiệp thành viên một lần nữa kiến nghị siết chặt các quy định quản lý đối với ứng dụng nội dung xuyên biên giới (OTT) do những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh văn hóa và an ninh kinh tế.

 

 

 

 

OTT (over-the-top) là thuật ngữ dùng để chỉ việc cung cấp nội dung thông qua các các ứng dụng mạng. Dịch vụ OTT thực chất là các chương trình, phim ảnh… được đóng gói phát trên internet, giống như các kênh truyền hình truyền thống được phát trên hạ tầng mạng cáp viễn thông, vệ tinh….

Cảnh báo nguy cơ lớn từ OTT xuyên biên giới - ảnh 1
Trong khi các doanh nghiệp trong nước chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật liên quan thì các đơn vị của nước ngoài gần như không phải chịu bất cứ sự kiểm duyệt hay chế tài luật pháp nào

HẠ HUY

Hiện nay, internet tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, rộng rãi, ứng dụng OTT cũng cộng sinh theo đó mà phát triển. Với các thiết bị thông minh như smartphone, smart TV, người sử dụng có thể xem truyền hình, xem phim trực tuyến mọi lúc, mọi nơi.

Từ nhiều năm qua, các đài truyền hình chính thống trong nước như VTV, HTV, các đài phát thanh – truyền hình địa phương và các đơn vị truyền hình trả tiền trong nước như Viettel, SCTV, FPT, VTVcab… ngoài sử dụng phương thức truyền dẫn truyền thống trên các hạ tầng hiện hữu, cũng đã xây dựng ứng dụng công nghệ OTT để cung cấp hơn 90% khối lượng nội dung. Các chương trình đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung theo quy định Luật Báo chí, Luật Điện ảnh. Song song đó là nghĩa vụ trích nộp ngân sách Nhà nước, đóng đầy đủ các loại thuế, phí, đặc biệt là giải quyết vấn đề an sinh xã hội, công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người lao động cả nước.

Gần 80% thị phần OTT tại Việt Nam là từ các doanh nghiệp xuyên biên giới. Trong khi các doanh nghiệp trong nước chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật liên quan thì các đơn vị của nước ngoài gần như không phải chịu bất cứ sự kiểm duyệt hay chế tài luật pháp nào. Điều này khiến OTT trong nước rơi vào cuộc chiến bất bình đẳng, thậm chí thua ngay trên sân nhà.

Trong khi đó, những OTT hoạt động xuyên biên giới vẫn nằm “ngoài vòng pháp luật”. Hầu hết các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT không qua đăng ký cấp phép, máy chủ đặt tại nước ngoài, vi phạm Luật Quảng cáo, trốn thuế, nội dung không qua kiểm duyệt, nhiều nội dung xuyên tạc, phản động, chống phá, xuất hiện hình ảnh kích động bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Gửi ý kiến tới hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ” do T.Ư Đoàn chủ trì ngày 11.5, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đánh giá: “Thực trạng dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới tại Việt Nam thời gian qua đã không qua cấp phép, chưa có cơ chế tiền kiểm duyệt nội dung dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn từ các thế lực thù địch xuyên biên giới bên ngoài lợi dụng truyền bá thông tin sai lệch, nội dung tiêu cực, chống phá, xuyên tạc Đảng, Nhà nước ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”.

 

Thiếu công bằng trong nước – ngoài nước

Về quản lý nội dung, đối với các đơn vị trong nước khi đưa phim đến công chúng thông qua việc phát sóng trên truyền hình, hoặc đưa lên mạng internet phải tuân thủ các quy định của Luật Điện ảnh (giấy phép phổ biến phim, nội dung phim phải được kiểm duyệt trước khi phát hành, phổ biến phim, nhập khẩu phim qua hải quan phải có giấy phép nhập khẩu phim…); với kênh chương trình truyền hình, việc đăng ký, cung cấp, biên dịch, biên tập kênh chương trình nước ngoài phải tuân theo quy định tại Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18.1.2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình (NĐ 06/2016).

Ngược lại, đối với các đơn vị nước ngoài, hiện nay khi cung cấp nội dung cho người dùng tại Việt Nam qua internet thì lại chưa có quy định buộc phải có giấy phép phổ biến phim, video, clip và cũng chưa có quy định về kiểm duyệt nội dung, trong khi đó NĐ 06/2016 chỉ điều chỉnh các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet thông qua các địa chỉ tên miền của trang thông tin điện tử hoặc các địa chỉ internet xác định do Việt Nam quản lý.

Về kiểm duyệt nội dung chương trình, theo kinh nghiệm quốc tế thì nhiều nước rất xem trọng, đã đưa ra hàng loạt quy định, biện pháp kỹ thuật, công nghệ nghiêm ngặt về siết chặt công tác quản lý, kiểm duyệt nội dung, thực hiện làm chậm, biên tập, biên dịch, xóa các cảnh nóng quá đẫm máu, bạo lực, khiêu dâm, lời thoại dung tục… Đây cũng là yêu cầu bắt buộc, lâu dài nhằm đảm bảo an ninh, an toàn văn hóa từng dân tộc, từng quốc gia. Ví dụ như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia… đã thực hiện rất mạnh về nội dung này. Do vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu chỉ hậu kiểm phim trên mạng thì không thể kiểm soát được những bộ phim có nội dung độc hại, sai trái, không thu hồi được phim có nội dung xấu.

Việc thu thuế đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia hiện vẫn không thể thực hiện được do các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị này; cơ quan thuế không thể tự động yêu cầu các đơn vị này nộp thuế; việc xác định đối tượng đánh thuế rất khó thực hiện và phức tạp; còn các ngân hàng trong nước và các đơn vị trung gian ở Việt Nam thì lại chỉ là đơn vị thu hộ, không được hưởng lợi trực tiếp và cũng không có nghĩa vụ khấu trừ thuế, nộp về ngân sách; đồng thời việc xác định loại thuế để áp dụng là thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế giá trị gia tăng (VAT) hay thuế nhà thầu (bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT) cũng không dễ dàng do không có căn cứ pháp lý.

Do vậy, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam kiến nghị phải tiền kiểm nội dung phim phát hành trên OTT đúng với quy định của pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực phát thanh truyền hình, song song với hậu kiểm theo chuyên đề. Nhất thiết các đơn vị OTT nước ngoài khi vào Việt Nam phải làm thủ tục đăng ký cấp phép theo quy định giống như các đơn vị OTT trong nước. Nếu sau khi cấp phép mà vi phạm thì quy định mức xử phạt bằng tiền thật nặng hoặc rút giấy phép.

Điểm danh các “ông lớn” tai tiếng

1. YouTube: Trên nền tảng mạng xã hội YouTube, các clip xấu độc (nhảm nhí, bạo lực, khiêu dâm) được đăng tải vẫn còn nhiều và có chiều hướng gia tăng. Do bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, nên người sử dụng có thể đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm. Cơ chế kiểm duyệt hậu kiểm dẫn đến việc các clip vi phạm sau khi bị gỡ bỏ thì người dùng vẫn có thể dễ dàng đăng tải và YouTube cũng không có biện pháp ngăn chặn theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Ngoài ra, YouTube vẫn cho phép bật tính năng suggest (đề xuất) những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ (0,1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền mạnh mẽ trên nền tảng này.

2. Facebook: Chỉ trong năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, trong đó Facebook chiếm đến gần 50% (235 triệu USD). Tuy nhiên, mạng xã hội lớn nhất hành tinh này vẫn luôn trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế tại Việt Nam. Việc Facebook đang hoạt động kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam là bất hợp pháp khi không có một đối tác quảng cáo ở Việt Nam mà trực tiếp kinh doanh và tự thu tiền về tài khoản của mình là trốn thuế và vi phạm Luật Quảng cáo.

3. Netflix: Trong các đơn vị cung cấp dịch vụ xem video trực tuyến nước ngoài mà người dùng Việt Nam có thể tiếp cận, Netflix là đơn vị lâu đời nhất (xuất hiện từ năm 1997), có phạm vi hoạt động phổ biến trên nhiều quốc gia, thư viện nội dung phong phú, có hỗ trợ nhiều ngôn ngữ (trong đó rất nhiều nội dung có tiếng Việt), video với chuẩn chất lượng 4K. Những ưu thế này và tiềm lực về tài chính tạo tiền đề cho Netflix gia tăng khả năng cạnh tranh với các đơn vị trong nước. Do không phải tuân thủ các điều kiện về thủ tục và thuế quan như các đơn vị trong nước, Netflix có khả năng chiếm ưu thế vượt trội và thống lĩnh thị trường tại Việt Nam. Khoản thuế thất thu từ đơn vị này là rất lớn. Do không có cơ chế kiểm duyệt nội dung, nhiều nội dung chương trình, phim ảnh của Netflix có nội dung phản cảm vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.

THANH NIÊN

TNO