23/12/2024

Sốt xuất huyết hoành hành tại các tỉnh phía nam

Sốt xuất huyết hoành hành tại các tỉnh phía nam

Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 33.000 ca mắc sốt xuất huyết; số ca mắc cao và hiện đang tập trung tại các tỉnh phía nam.

 

 

Theo Bộ Y tế, hiện đã ghi nhận 15 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Đáng lưu ý, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết (SXH) nặng hiện gấp 3 lần cùng kỳ 2021.

 

Nhiều tỉnh, thành liên tục ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết

Tại Hà Nội, chuyên gia dịch tễ cảnh báo sau đợt mưa, khi có nắng lên là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH tăng mạnh, là yếu tố khiến cho SXH lây lan rộng. Số mắc ghi nhận thấp, nhưng xu hướng tăng, và dự báo còn tăng trong thời gian tới. Cụ thể, kết quả giám sát tuần qua (14 – 20.5) đã ghi nhận 15 ca mắc tại nhiều quận, huyện như: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Ba Vì, Mê Linh, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phúc Thọ. Như vậy, số mắc đã tăng gấp hơn 2 lần so với tuần trước đó (7 ca).

Sốt xuất huyết hoành hành tại các tỉnh phía nam - ảnh 1
Nhiều tỉnh, thành ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao trong những tuần gần đây NHẬT THỊNH

Nhưng ở các tỉnh phía nam, dịch SXH căng thẳng hơn nhiều. Tại TP.HCM, ngày 25.5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống SXH tại

H.Hóc Môn. Tại khu vực tổ 125, ấp Tam Đông 3, xã Thới Tam Thôn, dù là nơi có ca bệnh SXH tử vong, nhưng những người dân trong khu vực vẫn chưa chấp hành chống dịch; người dân để nhiều vật chứa nước xung quanh nhà; trong các chuồng nuôi gà chọi có nhiều lọ nước lăng quăng lúc nhúc. Tại Trường tiểu học Tam Đông, phía sau bếp ăn có thùng nước đầy lăng quăng.

Sốt xuất huyết hoành hành tại các tỉnh phía nam - ảnh 2
Điều trị cho trẻ em tại Khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, ngày 26.5 NHẬT THỊNH

Bác sĩ (BS) Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 8.481 ca mắc SXH, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021 (6.639 ca). Trong tuần 20 (từ ngày 13 – 19.5), TP ghi nhận 943 ca SXH, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước. Từ đầu năm đến nay TP đã có 7 ca tử vong do SXH. Một số phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước, như: P.Tân Thới Hiệp, P.Thạnh Xuân (Q.12); P.Phú Thạnh, P.Sơn Kỳ (Q.Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn). Có 8 quận, huyện trọng điểm về SXH của TP cần tập trung phòng chống, gồm: Q.8, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Tân Bình, Tân Phú và TP.Thủ Đức. Trong đó, có 5 quận, huyện có số ca mắc SXH dẫn đầu, gồm: Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, Hóc Môn và Q.12.

Tại TP.Đà Nẵng, CDC TP.Đà Nẵng ghi nhận những tuần gần đây, số lượng bệnh nhân (BN) mắc SXH trên địa bàn có xu hướng gia tăng và xuất hiện thêm nhiều ổ bệnh nhỏ. Đến nay, TP.Đà Nẵng ghi nhận khoảng 1.400 ca SXH với khoảng 100 ổ bệnh, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Địa phương có số ca mắc tăng gồm: Q.Sơn Trà, Q.Liên Chiểu, H.Hòa Vang… Ngoài ra, TP.Đà Nẵng cũng ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng hơn so cùng kỳ với khoảng 300 ca mắc và xuất hiện ở tất cả các quận, huyện.

Tại Thừa Thiên-Huế, theo ghi nhận của ngành y tế, từ đầu năm đến ngày 23.5 toàn tỉnh phát hiện 48 ca bệnh SXH.

Trong đó, TP.Huế chiếm đến 50% (24 ca), xác định tại 22 điểm, phân bố ở 14 xã/phường, có 14 ca bệnh chưa qua 14 ngày.

Tại Quảng Nam, ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc CDC Quảng Nam, cho biết tính đến ngày 25.5, toàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận 641 ca SXH tại 17/18 huyện, thị xã, TP (tăng 219 ca, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2021). CDC Quảng Nam đã phối hợp với các trung tâm y tế xác minh ca bệnh và xử lý 18 ổ dịch và không có ca tử vong. Khoa Y học nhiệt đới – Bệnh viện (BV) Đa khoa Quảng Nam ghi nhận số BN nhập viện vì SXH bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Ông Nguyễn Ngọc Võ Khoa, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, cho biết theo chu kỳ, dịch SXH thường rơi vào các tháng 5, 6, 7. Bên cạnh đó, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra trước đây, người dân ngại đến thăm khám tại cơ sở y tế. Sau khi BV thực hiện các biện pháp “mở cửa”, không xét nghiệm Covid-19 thì cũng bắt đầu ghi nhận BN tăng, trong đó có BN SXH.

 

Tăng cường phát hiện sớm để điều trị

Theo BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1, và BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, năm nay trẻ mắc SXH ít hơn người lớn, chỉ chiếm 1/3, nhưng bệnh nặng lại cao hơn nên cần cảnh báo. Trong đó, đặc biệt lưu ý dịch cao phân tử điều trị SXH cũng đang rất hiếm, ngay cả các BV nhi và Sở Y tế cũng lo lắng. Loại dung dịch này hiện khó tiếp cận để phục vụ đầy đủ cho BN. Nguồn nhập khẩu rất khó khăn, phải đặt hàng, do đó cần tăng cường hội chẩn và chuyển tuyến trên.

Các BS khuyến cáo các BV tuyến dưới phải phát hiện SXH sớm, nhận biết sốc và điều trị theo phác đồ; tập huấn cho BS trẻ, nên lập các nhóm để hội chẩn, hỗ trợ từ xa và chuyển viện tuyến trên ngay ca bệnh nặng để hạn chế tối đa ca tử vong.

Lý giải vì sao SXH gia tăng ca nặng, BS Lê Hồng Nga cho biết yếu tố môi trường không có thay đổi, chủng vi rút gây bệnh SXH không thay đổi, số ca mắc không cao hơn nhưng bệnh cảnh nặng cao hơn. Nguyên nhân khi người dân bị bệnh thì không đến BV công lập mà đi khám bệnh ở phòng khám tư, tự mua thuốc uống; khi bệnh nặng mới vào BV.

Theo BS Nga, để kiểm soát được SXH phải nắm bắt được thật sự số ca bệnh đang có. Theo định nghĩa của Bộ Y tế, 1 địa phương, 1 nơi, 1 thôn xóm, 1 khu vực dân cư có từ 2 ca bệnh SXH được khám lâm sàng trở lên thì tính là 1 ổ dịch. Khi có 1 ca tử vong, 1 ca được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật xét nghiệm thì gọi là ổ dịch. Việc định nghĩa ổ dịch SXH như vậy là để kiểm tra, giám sát sớm để kiểm soát, ngăn chặn sớm để dịch không lan rộng ra cộng đồng.

TP.HCM cũng ứng dụng hệ thống thông tin địa lý để quản lý ca bệnh SXH, cũng như quản lý các yếu tố nguy cơ, điểm nguy cơ gây dịch SXH. Theo đó, mỗi ca bệnh SXH hay điểm nguy cơ sẽ được định vị ngôi nhà nơi họ ở (thể hiện bằng dấu chấm trên bản đồ). Từ đó, ngành y tế sẽ có kế hoạch giám sát định kỳ, phân tích và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

Đánh giá về dịch SXH, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lưu ý số ca mắc đang tăng tại TP.HCM và một số tỉnh phía nam. GS Lân lưu ý 3 yếu tố bùng phát dịch. Cụ thể: SXH trở thành dịch khi mất cân bằng 3 yếu tố: tác nhân gây bệnh (vi rút SXH), véc tơ truyền bệnh (muỗi vằn) và khối cảm thụ (con người). Trong năm 2022 nếu chúng ta không chủ động ngay từ đầu đối với hộ gia đình, người dân trong phát hiện, loại trừ lăng quăng, bọ gậy thì nguy cơ không chỉ ở khu vực phía nam mà đặc biệt là các TP lớn trên cả nước. Nguy cơ dịch bùng phát rất lớn nếu không chúng ta kiểm soát không chặt chẽ, nghiêm túc, thường xuyên đối với véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn.

“Hiện chưa có ghi nhận bất thường về chủng vi rút gây bệnh SXH, nhưng các giám sát cho thấy mật độ lăng quăng, muỗi truyền bệnh tăng cao; sự giao lưu đi lại lớn rất dễ khiến SXH lây lan và bùng phát”, một chuyên gia về dịch tễ lo ngại.

 

Bất cứ ai cũng có thể bị sốt xuất huyết

“2 năm vừa qua, TP.HCM trải qua đại dịch Covid-19. Đôi khi chữ “Covid-19” lớn quá, do đó không tránh khỏi tâm lý chủ quan, lơ là của người dân với các bệnh khác. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy còn một bộ phận người dân chưa quan tâm, chưa nhận định đúng về sự nguy hiểm của dịch bệnh SXH. Bất cứ ai cũng có thể bị SXH, nên phải tự phòng bệnh bằng diệt muỗi, lăng quăng trong chính ngôi nhà của mình”, BS Lê Hồng Nga nhận định. Còn BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thì cho rằng cần đánh động người dân vì họ có tâm lý chủ quan xem SXH năm nào cũng có, “không sao đâu” thì rất nguy hiểm.

Duy Tính

 

Tiếp tục giám sát với người nhập cảnh VN

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và điều tra, xử lý ổ dịch Covid-19 kịp thời, đặc biệt là các ổ dịch mới, bất thường (phạm vi, tốc độ lây lan, số mắc, tỷ lệ ca bệnh nặng, tử vong, có biến thể mới…) có liên quan đến người nhập cảnh. Đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh VN, đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Liên Châu

THANH NIÊN

TNO